Thoáng lo lắng bởi tôi đã vài lần bị những người nổi tiếng cho “leo cây” bởi “anh (chị) bận quá”. Chưa kịp nghĩ tới kịch bản “hủy show” thì ào một cái, Thắng đã ở ngay sau lưng. Mồ hôi mướt mát. Tôi đùa: “Ôi, tưởng quên hẹn!”. “Đồ điên, quên là quên thế nào!”, Thắng chao chát đáp lại rồi cười vui vẻ.
Chưa thấy người đã thấy nụ cười
Tôi và Thắng cùng là phóng viên theo dõi mảng văn hóa. Vì thế kỳ này, cuộc nọ, thi thoảng hai anh em vẫn gặp nhau. Lần nào gặp cũng thấy anh tếu táo đùa, nói dăm ba chuyện vừa hài vừa duyên, chúng tôi chỉ có việc duy nhất là bò ra mà cười. Dường như những người sống quanh anh, những người mà anh yêu quý luôn được anh trao tặng những nụ cười như thế.
“Còn anh thì sao?”. Tôi đột ngột hỏi. Anh thản nhiên: Đừng hỏi người già những câu như thế! 40 đâu phải đã già? Nhưng đã chạm ngưỡng già, chờ đợi gì ai nữa đâu! Rồi anh giải thích theo kiểu lý thuyết “hàn lâm” rằng, có những nghề nghiệp mà cái sự già ấy nó khiến con người ta mất đi sự nhanh nhạy. Trong khi anh đã 40, đã chạm ngưỡng bớt dần nhanh nhạy. Anh ví dụ, cái nghề báo của tôi với anh, chúng tôi đều đã gần 40, không thể nhanh nhẹn như thời còn 20, thậm chí 30 nữa. Nghề này ưu điểm đầu tiên cần nhanh, tinh tế kiểu “gừng càng già càng cay” thì từ từ tính sau…
MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng cùng ca sĩ Mỹ Tâm trong một chương trình ca nhạc
Khán giả truyền hình nhớ đến Nguyễn Hữu Chiến Thắng đầu tiên qua giọng nói. Anh được trời phú có chất giọng đặc biệt ấn tượng, tất nhiên, khi mới vào làm ở Đài Truyền hình Việt Nam chính bản thân anh cũng không nghĩ có một ngày mình được nhiều người biết đến và yêu quý chính là từ giọng nói. Khi chân ướt chân ráo vào nghề truyền hình, công việc của anh là biên dịch phim, chủ yếu là phim Nga. 3 năm sau thì đầu quân sang “24 hình/s”. Thiếu người dẫn chương trình nam giới, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp khích: “Dẫn đi, có gì đâu mà ngại”. Chính cái câu “có gì đâu” tưởng như nhẹ tênh ấy đã khiến anh nổi máu liều. Cầm micro dẫn, hóa ra... ngon ơ.
Nhiều người nhận xét, Thắng chua ngoa, cay nghiệt. Thắng cười tủm tỉm công nhận đúng, nhưng kèm thêm đính chính, rằng anh chua đủ độ và cay cũng đủ độ để người khác phải xuýt xoa, lâu lâu không gặp thì… nhớ cái vị chua chua, cay cay đó, chứ anh thì… chưa đến nỗi nào. “Tôi chỉ nghĩ nhiều người vẫn chịu được tôi và tôi cố gắng để mọi người xung quanh vẫn chịu được mình. Bởi con người ta, dù tài giỏi đến đâu, dù sắc sảo tinh tế đến thế nào thì đâu có thể sống được một mình. Mạnh mẽ hay không thì vẫn cần chia sẻ, cần đồng cảm”.
Và có lẽ vì thế, dăm ba lời chua ngoa Thắng nói ra đều là dành cho chính bản thân anh. Thi thoảng anh lôi mình ra để tự trào. Anh làm cho mọi người cười. Còn anh, thăm thẳm tận đáy tâm can, tôi nghĩ ngược lại, hình như, lúc đó, anh đang khóc thầm. “Tại sao lại cứ phải là nụ cười trong khi bản thân mình nhiều lúc muốn vỡ ra từng mảnh nhỏ?”- Tôi hỏi anh đột ngột! Anh lại cười: “Ôi cái cô này, cô muốn thấy tôi khóc à? Cười bao giờ chẳng dễ chịu hơn là khóc, dù có buồn. Ngu dại gì mình buồn nhưng lại kéo người khác vào khóc cùng. Đời người luôn bao dung. Khi cười người ta dễ yêu thương nhau hơn”.
“Tôi yêu công việc của tôi!”
Đang nói chuyện, đúng lúc cao trào, gần “moi” được một số “bí mật đời tư” thì Thắng đột ngột chuyển tông: “Có thể cho tôi trở về với giọng bình thường được không, cứ lên gân thế này tôi căng thẳng quá?”. Lời đề nghị đó khiến tôi bật cười, hóa ra trong lúc tôi tới tấp đặt câu hỏi thì Thắng nhẫn nại trả lời đúng giọng “bị phỏng vấn” nghiêm túc một cách… không giống anh. Vừa đủ lịch sự chờ tôi gật đầu đồng ý thì tôi đã thấy một Nguyễn Hữu Chiến Thắng thường ngày mà anh em tôi vẫn thi thoảng gặp nhau ở đâu đó trên phố. Đổi tông giọng, cũng đúng là lúc đề tài chuyển sang chuyện nghề. Không phải nghề truyền hình chọn Thắng, mà Thắng chọn và yêu nghề cho đến tận bây giờ. Anh bảo, mặt sau cái nghề làm truyền hình hào nhoáng kia là cả nghìn áp lực, nó thực sự là cái “cối xay thịt”.
Để chứng minh cho áp lực nghề nghiệp, anh chỉ vào mình: “Đây, tất cả nam thanh nữ tú sau một thời gian làm truyền hình thì thành ra thế này đây” - vừa nói anh vừa cười. Nói đoạn chanh chua ví von rằng nghề này có đủ từ nước mắm, dưa cà, dấm đường, tỏi ớt cho đến nữ trang, phấn son, nước hoa… Nếu yêu thì phải yêu từ nước mắm yêu đi, chứ chỉ phấn son nước hoa thơm lừng thì ai chẳng yêu được. Thắng nói thế, hóa ra vẫn yêu, yêu say đắm, bởi nếu chỉ quen nước hoa thôi thì anh đã bỏ nghề ngay từ khi lần đầu va chạm thực tế dưa hành nước mắm…
Có một “tình yêu” vẫn âm ỉ cháy
Viết về Nguyễn Hữu Chiến Thắng nếu không nói chuyện anh làm MC e rằng hơi thiếu. Nhưng nếu nói e lại thừa, bởi chuyện anh làm MC cả nước biết. Nhưng có một “bí mật” không hẳn nhiều người biết. Ấy là MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng còn có một giọng hát khá mê hoặc và giọng ca này vẫn thường xuất hiện ở một vài tụ điểm ca nhạc Hà Nội.
Từ nhỏ, Thắng đã mê hát. Hát hay nên đương nhiên được lựa chọn vào đội văn nghệ của trường, rồi đi thi nơi này nơi kia… Đang hát hò tưng bừng thì bỗng nhiên một ngày mẹ anh có lệnh: “Thôi, đàn hát thế đủ rồi tập trung vào học hành đi”. Thích con trai mình trở thành kiến trúc sư, bố mẹ anh cậy nhờ thầy dạy vẽ nổi tiếng. Được một thời gian thì thầy ngao ngán lắc đầu trả anh về cho phụ huynh vì anh không có năng khiếu vẽ vời. Lòng vòng rồi đỗ chuyên Văn trường Hà Nội - Amsterdam, rồi đỗ Đại học Tổng hợp đủ điểm sang Nga học Đại học Maxim Gorki, rồi đi làm MC, giờ thì đứng chân vai trò phóng viên VTV6… Nhưng sau tất cả những ngã rẽ học hành đó, tình yêu ca hát của anh vẫn cứ âm ỉ cháy. Nếu một lần muốn được nghe MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng hát, bạn chỉ cần đến quán cà phê ở 4F Trung Hòa.
Định nhờ Thắng khẳng định một lần nữa sức hút kỳ lạ của ánh đèn sân khấu, Thắng bảo anh chỉ là MC, là người làm truyền hình chuyên nghiệp chứ không phải ca sĩ chuyên nghiệp nên không đánh giá nổi, nhưng cứ nhìn cả trăm nghìn bạn trẻ đội mưa nắng đi thi các cuộc thi ca hát trên truyền hình sẽ thấy được cái sức hút mãnh liệt đó. Có lẽ anh được ông trời ưu ái chăng? - tôi hỏi. Anh không phủ định cũng không khẳng định, bởi với anh bất cứ sự việc gì đến và đi trong cuộc đời anh đều muốn nói lời biết ơn dù đó là hạnh phúc hay khổ đau. Bởi, cái gì không làm mình gục ngã thì sẽ làm mình mạnh mẽ hơn. Và dù có thế nào đi chăng nữa thì vẫn “nghiến răng mà sống, vì tôi yêu đời sống này vô cùng".
(Theo Quỳnh Vân/AN Ninh Thủ đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.