Cơn gió mới lạ
Ở ngoài đời, Phan Đăng có thần thái của một người từng trải, sự chiêm nghiệm cuộc đời trải dài trong từng lời nói. Câu chuyện của Phan Đăng bắt đầu từ sự tĩnh tâm trong triết lý thiền. Bởi vậy, khác xa với những tưởng tượng về một áp lực nào đó lớn lao khi ngồi ghế nóng chương trình “Ai là triệu phú” thay thế MC kỳ cựu Lại Văn Sâm như bao người vẫn nghĩ, Phan Đăng chỉ cười nói rằng, “cảm giác của em rất nhẹ nhàng, mọi sự tùy duyên”.
Chân dung nhà báo Phan Đăng.Tranh đồ họa: V.A
Cái duyên đó cũng đến với Phan Đăng rất tự nhiên từ một cuộc gọi của nhà đài mời thử làm MC chương trình “Ai là triệu phú”. Phan Đăng chia sẻ rằng, phút ban đầu đó anh cũng chỉ nghĩ là thử thôi, không nghĩ rằng, cuối cùng mình được nhận.Một trong những người chấm thi hôm đó có nhà báo Tạ Bích Loan. Phan Đăng kể: “Trong khi em đang dẫn thử, chị Tạ Bích Loan livestream buổi thử cho một ai đó xem và nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, sau này em mới biết đó là một nhân vật chuyên sàng lọc, tuyển chọn MC cho chương trình “Ai là triệu phú” trên toàn thế giới. Phan Đăng nói, đến giờ anh cũng chưa biết vì sao mình được chọn, câu nói tưởng chừng rất khách sáo, nhưng ánh mắt của anh lại rất chân thật.
Sau khi được chọn làm MC chính thức của chương trình “Ai là triệu phú”, Phan Đăng đã lên hình số đầu tiên, trong sự chờ đợi của khán giả. Nhiều người chờ đợi để xem người đã đánh bật một số MC nổi tiếng khác để ngồi vào vị trí này sẽ thể hiện như thế nào, số khác không khỏi tò mò xem cái bóng của “MC quốc dân” Lại Văn Sâm để lại cho người kế nhiệm lớn lao ra sao. Về chuyện bị đem so sánh với MC kỳ cựu Lại Văn Sâm, Phan Đăng cho rằng bất cứ ai khi vào vị trí kế nhiệm cũng sẽ bị so sánh và đó là bình thường. “Anh Lại Văn Sâm đã là một tượng đài gắn liền với thương hiệu “Ai là triệu phú” từ những ngày đầu ra mắt nên khi anh chia tay chương trình những người thay thế đằng sau sẽ khó tránh khỏi bị đem ra so sánh. Đấy là chuyện rất bình thường, và em tôn trọng mọi sự so sánh của người xem” - Phan Đăng chia sẻ.
Và, không có gì lạ, Phan Đăng trở thành tâm điểm chú ý của cả khán giả và giới truyền thông: Khen có, chê có, nhưng đó là lẽ thường. Với Phan Đăng, áp lực sân khấu không phải điều gì xa lạ, hơn 10 năm làm thể thao, trong vai trò bình luận, Phan Đăng đã quá quen ở vị trí là người được hỏi, nhưng với vai trò là MC thì đây là lần đầu tiên trong đời. Trong lần đầu tiên này, Phan Đăng có phần hồi hộp, nhưng tất cả cảm xúc đều rất thật và rất duyên như một cơn gió lạ.
Mỗi ngày phải đọc100 trang sách
Nói về cảm xúc sau buổi dẫn đầu tiên, Phan Đăng cười nói: “Em không áp lực, cảm giác rất nhẹ nhàng, mọi thứ đến với em trong cuộc sống cũng vậy, rất nhẹ nhàng”. Ở tuổi 34, câu trả lời “nhẹ nhàng” trước những áp lực của một người trẻ quả thực mang lại cảm giác rất khác lạ với người nghe.
Nhưng Phan Đăng là như vậy. Từ 8 tuổi, anh đã bắt đầu đọc thơ thiền, dù theo anh nói mới chỉ là “đọc vỏ chữ thôi, và không hiểu gì cả”. Lớn dần, Phan Đăng nghiên cứu văn học thiền, tôn giáo thiền rồi văn hoá thiền, và theo tôi được biết bây giờ anh có một không gian thiền riêng để tâm hồn tĩnh lặng.
Giờ đây mỗi ngày, dù bận đến mấy Phan Đăng cũng phải dành thời gian để đọc khoảng 50 đến 100 trang sách, thậm chí anh còn đọc cả sách triết học cho cậu con trai chỉ mới 2 tuổi nghe. Vì tâm đắc với lời nói của Mạnh Tử: “Đọc sách mà tin hết vào sách thì thà không đọc còn hơn”, nên Phan Đăng tự rèn luyện cho mình một lối đọc độc lập, và cố gắng vận dụng những điều mình đọc vào cuộc sống.
Có lẽ vì vậy, nói về những lời khen chê Phan Đăng nhận được khi ngồi ghế nóng, anh nói rất nhẹ nhàng: “Em làm mọi thứ rất tự nhiên như mình vốn có. Khi dẫn chương trình “Ai là triệu phú”, em phải đảm bảo những fomat chung của chương trình, được quy định toàn thế giới, ví dụ như cứ sau một câu nhất thiết phải giới thiệu số tiền người chơi có, và số tiền sẽ có nếu trả lời đúng câu tiếp theo... Em nghĩ, vai trò của MC là phải cố gắng tôn người chơi lên, tạo cho họ cảm giác thoải mái, chứ không phải để nói quá nhiều về bản thân mình.Ngoài những cuốn sách đã viết về bình luận bóng đá, giờ đây, Phan Đăng đang ấp ủ sẽ viết một cuốn sách triết học cho trẻ em, để làm đơn giản hóa, đời sống hóa và hài hước hóa những triết lý vẫn được cho là khô khan, xa vời.
Phan Đăng nói, anh rất thích câu thơ của thiền sư Vạn Hạnh, và luôn coi đấy là phương châm sống của mình: “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/ Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”. Tôi chợt nghĩ, người ta khi đã đạt đến trình độ “nhậm vận” tức là đã đạt ngộ, đạt tới vô cầu vô kỷ, thấu suốt trước sau, không gì làm cho bất ngờ, sợ hãi. Người “nhậm vận” hiểu rõ thời vận, quy luật cuộc đời và biết rõ ngay cả những thăng trầm số phận cũng chính là một phần tất yếu của sự sống.
Thịnh suy trong cuộc đời này đều rất bình thường, rồi cũng có lúc con người về cõi vĩnh hằng, “Ai là triệu phú” hay bất cứ biến động nào khác cũng sẽ rất nhẹ nhàng, không sợ hãi, Phan Đăng cho là như vậy trước những e ngại của tôi rằng, làm MC bước chân vào thế giới showbiz đầy thị phi, có lúc scandal ở đâu từ trên trời rơi xuống...
Phan Đăng tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2006 và trở thành nhà báo theo dõi lĩnh vực thể thao hơn 10 năm nay.Thời gian gần đây, Phan Đăng làm khách mời thường xuyên của chương trình Cà phê sáng trên VTV3. Anh nói về nhiều chủ đề như: “thế hệ 8x”, “đôi mắt”, “hạnh phúc”, “sự nổi loạn”, “đồng nát”, “miễn phí”, “Hà Nội”, “độc thân”, “hẹn hò”, “những không gian chia tay”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.