Ông Nguyễn Hoàng Học – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Đến nay, theo kế hoạch cơ bản, các điều kiện chuẩn bị về cơ sở vật chất, địa điểm, cơ sở hạ tầng, giao thông đã được ban tổ chức chỉ đạo phối hợp các bộ phận chuyên môn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nhằm đáp ứng đảm bảo phục vụ cho sự kiện MDEC một cách an toàn và hiệu quả”.
Theo ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng Ban chỉ đạo MDEC – Vĩnh Long 2013: “Điểm nhấn của MDEC năm nay là Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL và chương trình an sinh xã hội năm 2013 nhằm quảng bá tiềm năng của vùng, trao giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng tín dụng, vận động kinh phí để chăm lo cho người nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách”.
Đường phố Vĩnh Long được trang trí đèn hoa rực rỡ.
Theo ông Quang, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhất là thế mạnh về lương thực, thủy sản... Thông qua 6 lần tổ chức, MDEC lần này sẽ đẩy mạnh giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của vùng; đồng thời, chỉ ra những thách thức, nhu cầu đầu tư của vùng; tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết vùng với TP.HCM, các khu vực khác trong cả nước; đối thoại về cơ chế chính sách, những sáng kiến nhằm phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế vùng.
Qua 6 lần tổ chức tại TP.HCM, TP.Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang với các chủ đề thiết thực và bức xúc trong phát triển vùng, MDEC đã có nhiều đóng góp quan trọng, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp cũng như chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của vùng, nhất là trên các lĩnh vực về giao thông, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nông nghiệp, nông thôn; liên kết vùng…
Hướng đến nền “kinh tế xanh”
Ông Nguyễn Văn Diệp – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Vĩnh Long vinh dự được đăng cai tổ chức MDEC với chuỗi các sự kiện quan trọng theo chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường”. Ông Diệp giải thích về phát triển nền “kinh tế xanh” là hướng đến?một tương lai không ô nhiễm; tăng trưởng mà không phá vỡ cân bằng sinh thái; phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đặc biệt là nâng cao nhận thức về thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
6 sự kiện chính của MDEC – Vĩnh Long 2013 gồm: Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2013; Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP.HCM và Hà Nội năm 2013; Hội thảo liên kết quy hoạch phát triển các đô thị bền vững về môi trường; Hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch; Hội nghị trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Hội nghị Ban chỉ đạo MDEC – Vĩnh Long 2013.
|
Theo Ban tổ chức, thông qua MDEC - Vĩnh Long 2013 các tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục dự án kêu gọi đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn. Qua diễn đàn sẽ tập hợp những sáng kiến để đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp thích hợp nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chuẩn bị cho MDEC - Vĩnh Long 2013, đến nay các tỉnh, thành đã có báo cáo hoạt động kêu gọi đầu tư, trong đó có 138 dự án kêu gọi đầu tư với số tiền 416.000 tỷ đồng và gần 2 tỷ USD. Dự kiến, MDEC - Vĩnh Long 2013 sẽ trao 28 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số tiền gần 5.000 tỷ đồng. Về vận động gây Quỹ an sinh xã hội, đến nay đã được trên 600 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp...
Đức Khánh (Đức Khánh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.