Người mẹ bất hạnh dù đã tóc bạc da mồi nhưng vẫn phải gắng gượng nuôi 3 người con điên dại vì nhiễm chất độc da cam.
Khi chúng tôi tìm về thăm gia đình bà Định thì người phụ nữ đáng thương ấy vẫn chưa khô nước mắt khóc chồng. Ông Nguyễn Văn Truyền (SN 1933) - người chồng chung lưng đấu cật, chịu mọi khổ cực, đắng cay cùng bà - vừa qua đời cách đây chưa lâu. Ông mất vì bệnh nặng, để lại cho người vợ già héo hon 3 đứa con điên dại.
|
Người mẹ già bên 3 đứa con nhiễm chất độc da cam |
1 con lành, 4 con ngớ ngẩn
Lật lại ký ức, bà Định kể cho tôi nghe chuyện đời nhọc nhằn và đầy nước mắt của vợ chồng bà. Ông Truyền vốn là bộ đội chống Mỹ. Năm 1958, sau khi lập gia đình, ông tình nguyện lên đường tòng quân chống giặc ngoại xâm. Ban đầu ông đóng quân thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ rồi theo đường Trường Sơn vào Quảng Bình, sang Hạ Lào. Sau những lần về phép, qua những cánh thư, biết vợ có tin vui, ông vui mừng khôn xiết. Vậy nhưng, 2 lần bà Định có bầu thì cả 2 lần những hài nhi ấy chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã vội yểu mệnh. Mãi đến năm 1963, bà Định mới sinh hạ được một người con trai kháu khỉnh đặt tên là Nguyễn Văn Biên.
Năm 1965, ông Truyền cùng đồng đội nhận nhiệm vụ mở đường, bảo vệ những tuyến đường hành quân của các đơn vị từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Trên những cung đường đầy hiểm nguy ấy, đi giữa đạn bom của kẻ thù, những người lính như ông Truyền còn luôn bị ám ảnh bởi thứ chất độc có tên da cam.
Quân giặc trút “mưa hóa chất” đến đâu, cây cối chết khô đến đấy. Bộ đội dù đã cẩn trọng trong từng bước quân hành nhưng vẫn không tránh khỏi sự bủa vây của thứ chất độc khủng khiếp đó. Giữa năm 1968, trong một lần tuần tra, ông Truyền cùng đồng đội lọt vào ổ phục kích của kẻ thù. Ông bị trúng đạn xuyên qua sườn trái găm vào sườn phải. Được đồng đội cứu sống, ông được thuyên chuyển ra điều dưỡng ở Hải Dương rồi xuất ngũ trở về đoàn tụ với người vợ ở quê nhà.
Một năm sau ngày đoàn tụ, vợ chồng ông tiếp tục sinh cô con gái Nguyễn Thị Hòa. Thấy con ngày một lớn, bụ bẫm, xinh xắn, ông bà vui mừng không kể xiết. Lên 6 tuổi, bé Hòa bỗng đổ bệnh, chân tay cứ teo tóp đi, trí não cũng không phát triển bình thường. Mơ ước có thêm một đứa con khoẻ mạnh, vợ chồng ông lại sinh một cậu con trai đúng vào năm ký Hiệp định Paris.
Ông bà đặt tên cho con là Bình để khi đọc ghép với tên chị gái sẽ thành hai chữ Hòa Bình đầy ý nghĩa. Thế nhưng, càng lớn, Bình càng lộ rõ thể trạng còi cọc, trí não ngờ nghệch như người chị. Vợ chồng ông nỗ lực, kiên trì chạy chữa bệnh tình cho các con nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.
Không tắt khát khao có được những đứa con khoẻ mạnh, ông bà cố gắng sinh thêm 2 cô con gái Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Mại vào các năm 1975, 1978. Tạo hóa trớ trêu, bất hạnh lại chất chồng lên đầu vợ chồng người lính luôn cầu mong hạnh phúc. Mai và Mại lớn được vài tuổi là phát bệnh hệt như anh, chị mình. Càng hy vọng, vợ chồng ông bà lại càng đau đớn nhiều hơn. Như vậy, trừ người con trai cả khỏe mạnh là Nguyễn Văn Biên, 4 người con còn lại của vợ chồng bà Định đều mang trong mình căn bệnh ngây ngô, điên dại.
Đốn củi nuôi conĐể nuôi các con, khi còn sống, ông Truyền thường đi đốn củi về bán. Ngày nào ông cũng đi từ mờ sáng đến tối mịt mới trở về nhà. Số tiền kiếm được chỉ đủ rau cháo qua ngày nhưng vợ chồng ông quyết không để các con phải đói một ngày nào. Chồng đi rừng, ở nhà, bà Định canh giữ con từng bước. Bà lo cho các con từ miếng ăn đến việc tắm rửa, giặt giũ.
Vai già còm cõi lo toan
Bà Định lặng lẽ thắp nén hương trên bàn thờ chồng rồi rơm rớm lệ tiếp tục câu chuyện. Bà bảo, trước đây, vợ chồng bà không hiểu vì sao mình ăn ở hiền lành mà được 5 đứa con thì có tới 4 đứa không bình thường. Người làng không hiểu chuyện cứ đoán già, đoán non. Cho đến năm 2000, ông Truyền dắt 4 đứa con bị bệnh đi khám, các bác sĩ kết luận chúng bị di chứng chất độc da cam ở mức nhiễm độc rất cao.
Năm 2001, cô con gái lớn Nguyễn Thị Hòa phát bệnh nằm liệt giường, chạy chữa khắp nơi không được. Cứ nghe phong thanh ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay, người cha già lại lặn lội cõng con đi chạy chữa. Sức khỏe của con khá lên một chút, ông tự tay đóng nạng gỗ, dìu con tập đi. Sống thêm được 3 năm nữa, trong một đêm lên cơn sốt nặng, Hòa đã ra đi trong vòng tay bố mẹ.
Sau khi Hòa mất, bệnh tình của Bình, Mai, Mại cũng trở nên trầm trọng hơn. Bà Định cho biết, suốt mấy chục năm qua, ngày nào các con bà cũng lăn lóc góc nhà, góc giường nói cười lảm nhảm. Thỉnh thoảng, chúng lại thét lên những tiếng kinh hoàng hoặc phá cửa, bỏ nhà đi, khiến ông bà phải cuống cuồng tìm kiếm. Bà Định không nhớ nổi đã bao nhiêu phen vợ chồng bà phải khốn khổ vì con. Nhưng càng khổ thì ông bà lại càng thương hơn những đứa con bất hạnh.
Anh Nguyễn Văn Biên, con trai cả của bà Định, cho biết nhà có cửa nhưng lúc nào cũng phải khóa vì chỉ lơ đãng một chút là các em anh bỏ đi lang thang sang tận xã bên hoặc mò ra sông khiến mẹ và anh phải mỏi mắt đi tìm. Nền nhà anh lúc nào cũng phải xịt nước rửa vì hai cô em gái thường xuyên vệ sinh ngay trong nhà, bốc mùi không thể nào chịu nổi. Trong khi mẹ và anh trai trò chuyện với khách, thấy 2 cô em gái nhe răng cười với nhau, anh Nguyễn Văn Bình cũng cười toe một cách hiền lành. Cái đầu đáng thương của ba con người ấy không hiểu được những câu chuyện mà mẹ họ đang kể là những nhọc nhằn, khổ đau của cả 1 kiếp người bất hạnh.
Cả đời vất vảAnh Nguyễn Văn Biên bùi ngùi: “Bố mẹ tôi cả đời vất vả, nhà có 5 người con, chỉ có tôi khỏe mạnh. Khi chưa lập gia đình, tôi còn đỡ đần bố mẹ chăm lo cho các em. Từ khi tôi lấy vợ và lập nghiệp ở Hải Dương, cuộc sống cũng chỉ quanh quẩn với ruộng vườn để nuôi 2 đứa con ăn học. Mỗi tháng, vợ chồng tôi đều về thăm bố mẹ và các em. Tháng nào mà không về được là day dứt không yên. Hai tháng nay bố tôi mất đi, tôi về với mẹ thường xuyên hơn. Nhìn các em điên dại như thế, tôi đau lòng và thương chúng lắm!”.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.