Ôm đứa con gái út, chị Hiền nhìn ra mặt sông, thảng thốt: “Con ơi, sao con không về với bố mẹ, đêm nay dưới đó lạnh lắm không con...”. Anh Phạm Xuân Long, cha của Khánh, đã bơi lùi lại con tàu đến hai lần sau khi thoát ra được giữa trời dông gió để cứu con, nhưng đành bất lực.
|
Chị Phạm Thị Hiền ôm bé Thảo, em của Khánh, vô vọng nhìn ra sông Sài Gòn |
20h đêm qua, xe đưa những nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký rời khỏi nhà xác Trung tâm Y tế Thuận An (Bình Dương). Trong đó có đến chín chiếc đi về vùng quê Tân Phan, xã Kỳ Giang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đó là những chiếc xe chở ba mẹ con chị Trần Thị Tương và những người ruột thịt trong gia đình mình.
Mẹ ôm con chìm dưới đáy sông
13h, khi những nạn nhân đầu tiên được đưa lên từ dưới đáy sông, nhiều người trong lực lượng cứu hộ đã bật khóc khi hai nạn nhân đầu tiên được tìm thấy chính là mẹ con chị Trần Thị Tương và cháu Quách Hồng Đạt. Dưới lớp bùn đen kịt, người mẹ vẫn còn nguyên tư thế trong phút giây tuyệt vọng cuối cùng: ôm chặt lấy con và đôi tay của bé Đạt vẫn trong tư thế quàng chặt vào cổ mẹ.
Hình ảnh đau đớn cuối cùng còn ở lại với bến thuyền ở nhà hàng Dìn Ký chính là khuôn mặt đẫm lệ của chị Phạm Thị Hiền - mẹ của cháu Phạm Xuân Khánh (9 tuổi), nạn nhân cuối cùng chưa đưa được thi thể lên khỏi đáy sông.
Đó chỉ là một trong những nỗi đau thấu trời xanh mà những người thân ít ỏi còn lại của gia đình chị Trần Thị Tương phải chứng kiến. Lần lượt sau đó là mẹ, hai mẹ con người em gái, vợ chồng và con trai người anh ruột và bé Lan Anh - con gái đầu lòng của chị - được đưa lên khỏi đáy sông.
Tất cả, cũng như mẹ con chị Tương, vẫn còn nguyên tư thế và dáng hình trong giây phút cuối cùng của sự sống: hai tay nhoài về phía trước vẫy vùng, người quàng chặt chiếc giỏ xách với nhiều tài sản và giấy tờ quan trọng vào cổ, cố hi vọng một phép mầu.
Ông Quách Lương Tài, cha của bé Quách Hồng Đạt, ngồi câm lặng trong nhà khâm liệm Trung tâm Y tế thị xã Thuận An. Người đàn ông Trung Quốc này muốn tự tay mình khâm liệm cho vợ và hai đứa con nhưng ông chỉ còn đủ sức tự mình đi tìm chiếc vòng đeo tay cho hai đứa con trước lúc khâm liệm rồi ngồi bệt xuống như ngất đi.
Không chỉ vợ con, họ hàng bên vợ mà cả hai người anh trai ông cũng đã ra đi trong ngày sinh nhật cháu Đạt. Sức mạnh sinh tồn đã giúp ông thoát khỏi con tàu xấu số. Nhưng không biết ông Tài còn đủ sức gượng dậy những tháng ngày kế tiếp khi sau chuyến xe tang tối qua về Hà Tĩnh, ông phải trở lại TP.HCM để đưa hai anh trai về Trung Quốc yên nghỉ.
Trở về lần cuối cùng
Bữa tiệc sinh nhật của bé Quách Hồng Đạt cũng là lần đầu tiên sau hơn 10 năm cặm cụi mưu sinh ở Sài Gòn, chị Trần Thị Tương được đón nhiều người thân của mình đến vậy. Nhưng buổi tối sum vầy đó đã trở thành ngày định mệnh của cả gia đình chị và chồng.
Ôm di ảnh của hai cháu Quách Lan Anh và Quách Hồng Đạt vào lòng, chị Giang - chị họ của chị Trần Thị Tương - gào thét: “Em ơi, bỏ xứ mần ăn mà chi để giờ đau ri”. Rời Hà Tĩnh vào làm công nhân may rồi kết duyên với anh Quách Lương Tài, với cuộc sống no đủ chị Tương trở thành chỗ dựa của gia đình và họ hàng ở quê nhà khi đưa vợ chồng anh trai và nhiều anh em, họ hàng vào Bình Dương làm việc cho công ty riêng của gia đình.
Anh Trần Đình Sơn, anh trai chị Tương, trong nỗi đau tột cùng đã phải làm một việc chẳng đặng đừng là gọi điện cho họ hàng xa gần, bè bạn nhiều nơi để đủ người đi theo những chiếc xe tang đưa những người trong gia đình về Hà Tĩnh. Cả gia đình đông đúc với sáu anh chị em ruột, ngoài anh giờ chỉ còn lại hai người chị đang ở Hà Tĩnh. Anh Sơn đau đớn: “Gia đình tôi giờ không còn đủ người để chít khăn tang”.
Đây là chuyến về quê lần cuối cùng của chị Tương...
Theo Tuổi trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.