“Mekong ký sự”: Những trải nghiệm chưa lên phim

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 08:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là người xuyên suốt hành trình làm phim "Mekong ký sự", nhà biên kịch Trần Đức Tuấn cho rằng con sông này cho ông nhiều trải nghiệm để đời nhất.
Bình luận 0

Từ mái nhà thế giới...

Ông Tuấn kể: Đoàn làm phim phải mất 2 lần mới tiếp cận điểm xa nhất ở đầu nguồn con sông trên cao nguyên Thanh Tạng - nơi mệnh danh là mái nhà thế giới. Từ điểm xuất phát đến đây mất 170km, nhưng không thể dùng phương tiện cơ giới nào khác ngoài loài trâu lùn, bò Tạng mới có thể vượt qua địa hình sông núi trắc trở nơi đây.

img
Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Vào tháng 10, khi lớp băng trên sông đã đông cứng, trâu bò mới chở hành lý sang được bờ bên kia. Vùng thượng nguồn cao 5.249m so với mặt biển này hầu như không có rau quả, cây lương thực. Đoàn làm phim chứng kiến những đàn dê, cừu khổng lồ, có đến vài ngàn con. Đặc biệt, canh giữ đàn gia súc này là những chú chó ngao - loài chó được ví như chúa tể của vùng thảo nguyên Thanh Tạng.

Dân ở đây kể, chỉ cần 4 - 5 con chó ngao trấn ở góc thì không con cừu, con dê nào dám bén mảng ra khỏi đàn. Vậy mà chẳng may có lần nhà quay phim đã bị một con chó ngao cắn suýt chết, phải đi cấp cứu. Loài chim ô kiu chuyên ăn xác người theo phong tục điểu táng cũng phải sợ loài chó ngao này.

Con sông ở vùng thượng nguồn này có rất nhiều loài cá nước lạnh, nhưng cư dân chủ yếu ở đây thuộc tộc người Tạng, họ không ăn cá. Vì theo quan niệm tục thủy táng thì cá là ân nhân của con người. Khi con người chết đi, xác được ném xuống sông cho loài cá đến rỉa, đó là cách giúp con người được giải thoát.

"Thiên thai giữa miền đất quỷ"

img
Những cô gái Lào tắm mát trong dòng nước Mekong. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Trung tâm Tam giác vàng được đánh giá quan trọng trong kịch bản phim nên đoàn đã 2 lần vào ra nơi đây. Vùng sông nước biên thùy này rất hẻo lánh hoang vu, nhưng cũng cực kỳ hùng vỹ và thơ mộng. Bang Shan là thủ phủ của Tam giác vàng - nơi trú ngụ của các lãnh chúa thuốc phiện. Nhưng đây có lẽ cũng là vùng có nhiều chùa chiền bậc nhất dọc theo dòng sông Mekong.

Đặc biệt bên phần lãnh thổ của Myanmar, dân chúng rất nghèo, nhà cửa xuềnh xoàng, nhưng chùa chiền thì được xây dựng khắp nơi. Ngay ở những vùng rừng núi, nơi sôi động nhất của các băng nhóm thuốc phiện, dân chúng cũng xây nên nhiều ngôi chùa lớn, có những bức tượng Phật cao hơn 100m. Ở đây, Phật tử có phong tục bày tỏ lòng tôn kính bằng cách dán những lá vàng dát cực mỏng lên tượng Phật.

Tachilek là thành phố biên thùy của Myanmar ở vùng Tam giác vàng. Khu vực này được phân loại thành 3 vùng "trắng", "nâu" và "đen", tùy theo tình hình an ninh. Vùng trắng, cho phép người nước ngoài được đi lại tự do vì an ninh được bảo đảm. Vùng đen, cấm tuyệt đối người nước ngoài vì rất nguy hiểm. Vùng nâu, cho phép đi lại nhưng hạn chế và kiểm soát gắt gao.

img
Chiến tranh đã lùi xa trên tất cả các vùng mà dòng Mekong chảy qua - ảnh chụp một cây cầu trên một nhánh sông Mekong. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Lần trở về từ Tachilek lúc hoàng hôn nhập nhoạng, xe của đoàn làm phim đang lầm lũi trên con đường hẻm núi thì bị một toán thảo khấu chặn đường. Không hiểu lái xe trao đổi bằng tiếng Shan thế nào mà vị thủ lĩnh vẫy tay cho đi. Đó là kỷ niệm "hú vía" trong cuộc đời làm phim, vì những bất trắc khi đó khó có thể lường được...

"Dòng nước đỏ ngầu ấy vừa là mạch sống, vừa lẫn máu của những xác chết trôi lềnh bềnh. Bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu cũng có thể nổ ra những vụ xung đột, thường là đẫm máu giữa các đám thảo khấu... Đôi khi, chúng tôi cho thuyền dừng lại trước một ngôi chùa Myanmar ở những đoạn sông không có những xoáy nước khổng lồ cuồng loạn để ngắm nhìn cảnh vật và có cảm giác như đó chính là chốn thiên thai lọt giữa miền đất quỷ...". (Trích "Đi dọc dòng sông Phật giáo", Trần Đức Tuấn, NXB Văn nghệ).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem