Mến tài 2 người này nhưng vì sao trước khi chết, Gia Cát Lượng phải lập mưu giết họ?
Mến tài 2 người này nhưng vì sao trước khi chết, Gia Cát Lượng phải lập mưu giết họ?
Minh Nhật (theo Sohu)
Thứ tư, ngày 18/08/2021 20:57 PM (GMT+7)
Sinh thời thừa tướng Gia Cát Lượng luôn mến cái tài của Dương Nghi, tiếc sự dũng mãnh của Ngụy Diên dù biết lòng dạ 2 người này hẹp hòi, ích kỷ, tiểu nhân. Cho đến khi biết mình sẽ chết, Gia Cát Lượng mới lập mưu trừ đi mầm họa có thể đe dọa đến sự tồn vong của Thục Hán.
Theo Sohu, thời Tam quốc, anh hùng trong thiên hạ xuất hiện rất nhiều nhưng những kẻ gian trá cũng không ít. Ai cũng biết, Gia Cát Lượng có tài thao lược xuất chúng không ai sánh kịp trong Tam quốc. Ông là một danh nhân kiệt xuất của Thục Hán, vô cùng trung thành với Lưu Bị bên cạnh những cái tên nổi bật như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu...
Tuy nhiên, vào thời kỳ sau, Thục Hán càng ngày càng ít nhân tài hơn so với Đông Ngô và Tào Ngụy. Trên thực tế, ngoài Ngũ hổ tướng lừng danh ở thời kỳ đầu, Thục Hán thực sự không có nhân sự nào nổi bật sau này. Với tư cách là thừa tướng, Gia Cát Lượng đã hết sức chiêu mộ, bồi dưỡng nhân tài cho Thục Hán.
Vì thế, thừa tướng Gia Cát Lượng rất mến cái tài của Dương Nghi, tiếc sự dũng mãnh của Ngụy Diên dù biết lòng dạ 2 người này hẹp hòi, ích kỷ, tiểu nhân. Dương Nghi ban đầu theo phe Tào Tháo, nhưng không lâu sau bỏ Tào Tháo theo Lưu Bị.
Năm 219, khi Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương, Dương Nghi được phong làm Thượng thư. Năm 227, khi Gia Cát Lượng mang quân ra Hán Trung, chuẩn bị đánh Tào Ngụy, Dương Nghi theo Gia Cát Lượng tham chiến trong các cuộc tấn công Tào Ngụy. Trong những lần tham gia đánh Ngụy, Dương Nghi thường đóng vai trò bố trí quân đội, trù bị và phân phối lương thảo. Ông tỏ ra là người có năng lực xử lý công việc.
Tam quốc chí mô tả về Dương Nghi như sau: "Lượng mấy lần xuất quân, Nghi thường bày kế hoạch rõ ràng mạch lạc, lo liệu việc lương thảo, Lượng chẳng cần phải chỉ bảo nhiều, Nghi vẫn làm rất nhanh chóng và tiện lợi. Việc quân có khuôn phép, Nghi lo liệu rất khéo léo".
Trong khi đó, Ngụy Diên là đại tướng có sức khỏe, dũng mãnh hơn người. Khi lão tướng Triệu Vân qua đời, các danh tướng thời Lưu Bị chỉ còn lại Ngụy Diên. Trên chiến trường Ngụy Diên dũng mãnh, túc trí đa mưu. Nhưng ông lại có hai khuyết điểm trí mạng: Đó là tự phụ và lòng dạ hẹp hòi.
Do vậy khi xử lý công việc, Dương Nghi và Ngụy Diên nhiều lần có mâu thuẫn với nhau. Trên triều đình, Ngụy Diên nhiều lần ra mặt lấn lướt Dương Nghi. Còn Dương Nghi thì thường xuyên giễu cợt Ngụy Diên. Vị tướng họ Ngụy vô cùng tức giận, nhiều lần còn rút kiếm toan giết chết đối phương.
Gia Cát Lượng vừa mến tài Dương Nghi vừa tiếc Ngụy Diên dũng cảm nên thường cố dàn hòa giữa 2 người. Tuy nhiên, ông cũng nhìn ra rằng, một khi ông qua đời, Ngụy Diên và Dương Nghi như nước với lửa thì Thục Hán sẽ chẳng có nổi một ngày bình yên.
Gia Cát Lượng bị ốm trong lần cuối cùng dẫn đại quân Bắc Phạt đánh Tào Ngụy. Khi biết mình không qua khỏi, Gia Cát Lượng liền bày mưu tính kế để trừ đi "mối họa" cho Thục Hán.
Theo đó, trước khi lâm chung, Gia Cát Lượng đã sắp đặt việc rút quân và trao cho Dương Nghi một trọng trách quan trọng. Theo đó, Dương Nghi dẫn quân đi trước, hộ quân Khương Duy cùng Ngụy Diên đi đoạn hậu, nếu Ngụy Diên không chịu thì cứ mặc, đại quân cứ rút về.
Dương Nghi là người luôn túc trực bên Gia Cát Lượng, vốn đã quen thuộc với tác phong làm việc của ông nên việc được giao trọng trách dẫn đại quân về nước cũng là điều hợp tình hợp lý.
Tuy nhiên, Ngụy Diên vốn tự phụ lại rất bất bình với quyết định của Gia Cát Lượng, một mực cho rằng mình chẳng thua kém gì Dương Nghi kia, trọng trách dẫn đại quân về đáng ra phải được giao cho mình.
Nhưng Ngụy Diên vốn là người tự phụ suy nghĩ tương đối cực đoan, luôn tin rằng võ lực có thể giải quyết tất cả mọi chuyện. Nếu quả thực giao cho vị tướng này trọng trách đem đại quân về Thục Hán, thì rất có thể sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Ngụy Diên vì hiếu chiến sẽ dẫn quân trực tiếp đi Bắc phạt, đánh dẹp Tư Mã Ý. Ngụy Diên dù dũng mãnh hơn người, nhưng so với một Tư Mã Ý lão luyện "cáo già" thì vẫn còn kém xa.
Vì vậy, Gia Cát Lượng một mặt an bài cho Dương Nghi đem quân về, mặt khác lại sớm tìm cách diệt trừ Ngụy Diên nếu ông ta có ý làm phản.
Theo đó, Gia Cát Lượng được cho là đã tìm tới tướng Mã Đại đề bày mưu trừ khử vị tướng họ Ngụy.
Khi Ngụy Diên vì bất mãn mà cố tình chặn quân chủ lực của Thục Hán rút về, Dương Nghi liền mở túi gấm của Gia Cát Lượng ra, yêu cầu Ngụy Diên hô to 3 tiếng: "Ai dám giết ta?".
Ngụy Diện cho rằng bản thân chính là đệ nhất mãnh tướng, không ai có thể làm đối thủ, vì vậy liền không ngần ngại mà hô lớn: "Ai dám giết ta?", trung kế của Gia Cát Lượng. Cuối cùng, khi Ngụy Diên vừa dứt lời, Mã Đại từ sau lưng đột nhiên lao tới, dùng một đao chém chết Ngụy Diên.
Về phần Dương Nghi, sau khi Ngụy Diên chết, ông ta không ngại che dấu vẻ đắc chí, thậm chí còn dẫm đạp lên thi thể của Ngụy Diên.
Nhưng khi dẫn đại quân trở về, Dương Nghi mới phát hiện ra người thực sự nắm quyền là Tưởng Uyển, còn mình ngay tới một chút thực quyền cũng không có, uy phong còn chẳng được như lúc làm việc dưới trướng Gia Cát Lượng.
Vì vậy, Dương Nghi ngày ngày ôm bất bình trong lòng, sau này vì không kìm chế mà nhục mạ triều đình, Dương Nghi cuối cùng bị bắt giam. Sau đó, Dương Nghi sợ tội tự sát trong ngục.
Dương Nghi và Ngụy Diên, 2 kẻ tiểu nhân cuối cùng đều bị trừ khử, Thục Hán vì thế tránh được "mầm họa" liên quan đến sự tồn vong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.