Metro Bến Thành - Suối Tiên sắp trả mặt bằng đường Lê Lợi: Diện mạo mới sẽ ra sao?
Metro Bến Thành - Suối Tiên sắp trả mặt bằng đường Lê Lợi: Diện mạo mới sẽ ra sao?
Hồng Phúc
Thứ tư, ngày 07/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
TP.HCM sẽ kêu gọi đầu tư không gian ngầm toàn tuyến phố thương mại của trục đường Lê Lợi và khu vực nhà ga ngầm Bến Thành, sau khi tìm được ý tưởng thiết kế phù hợp nhất. Diện mạo mới khu vực này sẽ ra sao?
Liên quan đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về công tác quy hoạch không gian trước chợ Bến Thành và trục đường Lê Lợi (quận 1), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có thông báo đồng ý công nhận kết quả chấm điểm của Hội đồng thi tuyển cho phương án đạt giải cao nhất về "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành".
Ông Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức trao giải cuộc thi theo quy định, tổng hợp các ý tưởng tối ưu nhất từ cuộc thi để đưa vào nội dung nhiệm vụ đầu bài kêu gọi đầu tư.
Sau khi chọn được nhà đầu tư sẽ giao nhà đầu tư tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thiết kế đô thị và không gian ngầm toàn tuyến phố thương mại của trục đường Lê Lợi và khu vực nhà ga ngầm Bến Thành.
Cũng tại thông báo này, người đứng đầu chính quyền TP đã chấp thuận đề xuất của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM tái lập đường Lê Lợi (một phần đoạn đường này từ đường Pasteur đến đường Nguyễn Huệ) để các phương tiện lưu thông trước ngày 30/4.
Phần đường còn đang tổ chức thi công trên trục đường Lê Lợi phải rào chắn thi công đảm bảo mỹ quan đô thị và sẽ bàn giao trước ngày 31/12/2021 để phục vụ việc tái lập toàn tuyến đường này.
Rào chắn sẽ được tháo dỡ toàn bộ sau khi hoàn tất công tác chỉnh trang tái lập trục đường Lê Lợi.
Diện mạo mới sẽ ra sao?
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP.Thủ Đức). Chiều dài toàn tuyến là 19,7km, gồm 2,6km ngầm và 17,1km trên cao, với 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012.
Trục đường Lê Lợi nằm ngay trung tâm TP.HCM, kết nối chợ Bến Thành và đường đi bộ Nguyễn Huệ bắt đầu bị rào chắn thi công từ tháng 10/2016, tức đến nay đã kéo dài hơn 4 năm. Trước đây, con đường này luôn nhộn nhịp và sầm uất, hai bên đường san sát cửa hàng. Kể từ khi rào chắn dựng lên, tiểu thương bắt đầu đợi khách, gặp thêm Covid-19 nên họ trả mặt bằng hàng loạt.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM nhận định công tác lập quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư xây dựng toàn bộ khu vực trước chợ Bến Thành và đường Lê Lợi là một dự án lớn cần thêm thời gian để hoàn chỉnh cũng như thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư đúng quy định pháp luật.
Do đó, Sở kiến nghị trước mắt, sau khi Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM hoàn trả mặt bằng thi công, cần kịp thời tái lập diện mạo đô thị, ổn định các hoạt động kinh doanh, buôn bán và dịch vụ trong khi chờ kêu gọi đầu tư, hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành.
Sở cũng đã giao Trung tâm Thông tin quy hoạch nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng trong khu vực để định hướng phương án thiết kế cảnh quan thi công hoàn thiện nhanh nhất, theo phương án tái lập đề xuất dự kiến mở rộng vỉa hè hai bên tạo không gian công cộng kết nối trung tâm mua sắm dọc phố thương mại, giảm các làn xe, phân cách riêng làn xe buýt, mở rộng khu vực cây xanh, tiện ích công cộng…
Trong văn bản kiến nghị với UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã, cũng đề xuất chỉ định đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Kiến trúc cảnh quan Thủy Anh. Đây là đơn vị đã có kinh nghiệm thiết kế tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bạch Đằng, công viên Lam Sơn.
Ngoài ra, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng sẽ phối hợp cung cấp thông tin hiện trạng ranh tuyến tàu điện ngầm đã thi công, đồng thời, giữ lại các tấm rào chắn công trường hiện hữu cho đế khi hoàn tất việc thi công thiết kế cảnh quan khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.