‘Mía nướng’ - quà vặt nơi thị thành

Thứ hai, ngày 14/06/2021 07:34 AM (GMT+7)
Món quà này đến với ta chỉ dành cho người hay ăn vặt trong ngày đông tháng giá ở Hà Nội.
Bình luận 0

Tản văn của nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức nói về những nét văn hóa rất riêng chỉ có ở thủ đô, của người Hà Nội. Cuốn sách cũng kể lại khung cảnh đời sống sinh hoạt xưa của con người nơi đây.

...

Chẳng biết có ai còn nhắc nhưng tôi thì nhớ, vì nó quen lắm với tôi, các bạn ạ.

Đó là món mía nướng... nhưng tôi chỉ nhớ gọi là “chê sủi”

Thuở nhỏ nhà tôi ở 86 phố Hàng Gai. Anh chị em tôi đông lắm, sau này đến cả chục nhưng hồi tôi ở đó thì mới kịp có 6 chị em thôi.

Trời vào đông, mỗi buổi tối những năm 50 ấy, chỉ mới quãng 7 - 8 giờ tối phố xá đã bảo nhau đóng các cửa hàng lại. Nhà nào nhà nấy lo bảo ban con cái sau bữa tối hoặc lo chuyện hàng họ sắp xếp lại cho ngày mai.

Trăm ngày như một, chẳng sai mấy tí, cứ độ chừng 8 giờ tối hay hơn vài phút là tiếng rao nhừa nhựa, ngân dài, chẳng rõ là tiếng ta hay tiếng Tàu lại vang dài trên phố: Chê sủi! Chê sủi nào! Tiếng rao quen thuộc vừa vang lên, một đám trẻ con đã tràn ra phố như sẵn sàng chờ từ lâu lắm... Thế “chê sủi”, nó là cái gì ?

Đó là một cặp vợ chồng người Tàu đã già, chung tay đẩy một cái xe, trên xe chở một nồi to y như nồi phở. Tuy đậy kín mà khói thơm lừng của mía xương gà bốc lên ngào ngạt, thơm khắc khoải cả con phố dài...

Cái nồi to kín mít bắc trên cái bếp chỉ một thanh củi gộc đang cháy lom dom bền bỉ. Tôi là con bé tò mò đã cố nhìn vào và vô cùng thắc mắc khi nhìn thấy chỉ đúng thanh củi cháy còn nguyên cả vỏ cây mà quái lạ sao nó cháy không khói lại đượm, ngọn lửa ấm áp lập lòe soi rõ cả hai vợ chồng người bán hàng thế nhỉ?

‘Mía nướng’ - quà vặt nơi thị thành - Ảnh 1.

Mía nướng trên than hoa.

Ông Chê, bà Chê là cái tên thân thuộc mà tôi và cả khu phố đã quen gọi hai vợ chồng ông bà.. Bà vợ cũng như ông chồng, ít nói đến khó hiểu chỉ bất đắc dĩ được nghe giọng họ khi thay nhau rao đều đều mà thôi. Tiếng rao chỉ đủ nghe, kéo dài giọng trên phố.

Họ là đôi vợ chồng cần mẫn quanh năm vận đồng phục một sắc đen nhưng gọn gàng sạch sẽ. Bà đội trên đầu một dải băng dài thêu hoa mẫu đơn thật nổi, thật đẹp che mái tóc lưa thưa phía trước trán.

Sau tôi mới biết cái vật bất ly thân đó là cái mũ che thóp của người Tàu, cũng phòng gió máy xâm nhập qua cái thóp trên đầu y như cho mấy em bé mới sinh. Mẹ tôi bảo người Tàu rất thiết thực. Họ hay đội mũ ấy để phòng nhiều bệnh lắm.

Cái mũ thóp của bà thêu thật đẹp, tôi thấy nổi bật hệt như những xống áo mấy cô đào tuồng chèo chiều nào cũng ngồi xích lô diễu qua các phố, quảng cáo rầm rộ, náo nhiệt cho vở tuồng mới ra ở Quảng Lạc. Còn ông Chê thì cũng quần áo đen tuyền đi với cái mũ cát trắng.

Lũ trẻ chúng tôi ào ra, lao xao mất một lúc và sau khi trên tay đứa nào cũng đã cầm mấy túi giấy màu vàng bà trao thì việc mua bán được xem là đã hoàn tất. Cả đám chúng tôi vui vẻ, cười tít cả mắt và chia nhau những khúc mía ngọt lịm.

“Chê sủi” của ông bà là những khúc mía đã chẻ nhỏ vừa ăn được nướng trong cái nồi thơm thần thánh kia. Họ nướng tài lắm, khẩu mía nhỏ xinh vàng vàng, nục nạc không lẫn tý khuỷu nào như thấp thoáng một sắc hồng hồng, mơ hồ... Càng hồng nhiều càng thơm, càng ngọt.

Bà vợ dùng một cái gắp tre tự chế dài gắp chính xác hơn chục miếng vào một túi giấy dày, vuốt một cái thật nhanh, miệng túi đã dính chặt, trao cho trẻ con còn thấy nóng rẫy. Thích thật!

Tôi thấy thương đôi vợ chồng già ít nói này vì bóng dáng nhẫn nại, vì trong cơn gió bấc lạnh toát vô tình của mùa đông Hà Nội nhiều khi còn có vài giọt mưa phùn lất phất, họ cũng mặc cả áo tơi đi bán…

Thường thì số tiền họ phải trả lại, rất ít thôi vì cái “chê sủi” này rẻ lắm, hầu như ai cũng mua được. Tiền thừa ít quá, tôi đều không lấy và khi cầm chút tiền nhỏ nhoi ấy, họ cùng cảm ơn rất nhã nhặn.

Mẹ tôi thấy hài lòng lắm khi con mình biết thương người vì “bo” đúng chỗ. Lại nói nhà tôi toàn trẻ con sàn sàn, vẫn chia phiên ra để chờ mua “chê sủi” cho cả nhà. Ăn xong còn phải lo cái khăn mặt lau miệng chùi tay, vò nước nóng xà phòng thơm cho mọi người... thế mà vui vì lần sau lại có người chuẩn bị lại cho mình.

Đứa đến phiên mua “chê sủi” phải mặc nguyên quần áo ấm để ra cửa mua, còn tụi kia đã ung dung chực sẵn trong chăn ấm chờ ăn thôi. Rồi còn được đưa khăn nóng tận tay. Xong ngủ ngay! Sướng hơn tiên! Mẹ bảo riêng mía nhai bã sạch răng, đánh răng tối rồi vẫn ăn được không phải kiêng như kẹo bánh.


Phạm Hồng Thế (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem