LTS: Theo Bộ NNPTNT, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cho nông nghiệp, nông thôn đang chiếm tỷ lệ rất ít và có xu hướng giảm dần, từ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 xuống chỉ còn 1% năm 2010. Còn tính chung trong vòng 20 năm, từ 1990 đến 2010, vốn đầu tư FDI cho nông nghiệp chỉ đạt 4,3 tỷ USD (chiếm 2,3%), tức mỗi năm chỉ thu hút được có 215 triệu USD.
Vì sao FDI vào nông nghiệp lại khiêm tốn như vậy dù đây là lĩnh vực rất tiềm năng? Làm sao để khơi thông nguồn vốn FDI để giúp tam nông phát triển? Chuyên đề của Báo NTNN sẽ cố gắng phân tích vấn đề trên.
|
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đang ngày cảm giảm. Ảnh: thu hoạch tôm tại Đồng Tháp. |
Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) đang rất cần mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn FDI tham gia. Thế nhưng, với thực trạng đầu tư FDI vào NN hiện nay cho thấy, làm được điều này không phải dễ.
FDI vào nông nghiệp "teo" dần
Theo Bộ KH&ĐT, hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực NN ở VN, trong đó các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan chiếm hơn 60% tổng vốn đăng ký. Nhiều quốc gia mạnh về NN như Mỹ, Canada, Australia vẫn chưa có dự án đầu tư tại VN.
Không những dự án ít, tổng vốn thấp mà số dự án FDI đầu tư vào NN thực tế đang giảm dần so với tổng số dự án đầu tư của cả nước. Các dự án FDI chỉ tập trung vào một số ngành như: Chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Hầu hết các dự án FDI vào NN cũng chỉ tập trung vào những tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư...
Giải thích về nguyên nhân trên, theo TS.Chu Tiến Quang - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, do hoạt động kinh doanh NN chứa đựng nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp FDI NN thường tốn kém nhiều vốn, chi phí hơn các DN FDI khác, dẫn tới làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất NN đòi hỏi các nhà đầu tư phải tăng tăng thêm chi phí. Các dự án trồng rừng và cây công nghiệp gặp nhiều khó khăn về quỹ đất. Tình trạng tranh chấp về đất đai trong sản xuất nguyên liệu giữa các loại cây trồng diễn ra ngày càng phổ biến đang làm nản lòng các nhà đầu tư FDI không tự bảo vệ được vùng nguyên liệu.
Sản xuất NN VN quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp và không chuyên nghiệp cũng chưa tạo ra sức thu hút đầu tư của các DN FDI. Thêm vào đó hệ thống ngân hàng chưa đủ mạnh và toàn tâm phục vụ NN đã làm tăng gánh nặng về vốn lên các DN FDI, dẫn đến làm suy giảm động lực của họ trong đầu tư vào NN.
Ông Hà Huy Ngọc-Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững nêu thực tế rằng, đến nay cơ chế, chính sách về quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản cho các dự án FDI đã cấp phép không được thực thi trong thực tế. Các danh mục dự án quốc gia gọi vốn FDI thường ít chú trọng những thông tin cụ thể về lĩnh vực NN. Thông tin về từng dự án còn rất sơ lược, thiếu chuẩn xác, chưa chỉ rõ các vùng đầu tư và điều kiện đầu tư, đặc biệt chưa tính đến động lực và lợi ích thực tế của nhà đầu tư FDI nên không thu hút được quan tâm của nhà đầu tư FDI. Các quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư FDI trong NN chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu chỉ rõ các điều kiện và tiêu chí áp dụng, vì vậy chỉ nằm trên giấy, không vận hành được vào thực tiễn...
Để doanh nghiệp không “thờ ơ”
Để DN FDI không "thờ ơ" với NN VN, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hội các nhà đầu tư FDI khuyến nghị rằng, VN nên tiếp tục duy trì và mở rộng các ưu đãi, hỗ trợ hiện hành đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực NN (miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và các hình thức ưu đãi khác), nhưng cần loại bỏ các tiêu chí về khuyến khích xuất khẩu và ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước.
TS.Quang thì đề nghị, Nhà nước nên xem xét để xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng có nguồn vốn nhà nước. Theo đó, các dự án FDI trong NN cũng là đối tượng được hưởng cả 3 chế độ tín dụng từ Ngân hàng phát triển gồm: Vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng. Đồng thời, cần tạo điều kiện về thủ tục để các DN FDI được tiếp cận thuận lợi nguồn tín dụng ưu đãi này.
Trong giai đoạn 1990-2009 tổng số dự án FDI vào VN được cấp phép là 12.575 dự án với số vốn đăng ký 194.429,5 triệu USD. Trong đó số dự án đầu tư vào lĩnh vực NN là 738 dự án, chiếm 5,9% tổng số dự án đăng ký, với số vốn đăng ký là 4.379,1 triệu USD, chiếm 2,3% tổng số vốn đăng ký.
Ông Đào Quang Thu -Vụ trưởng Vụ Kinh tế NT (Bộ KH&ĐT) nêu quan điểm rằng, từng địa phương nên tiến hành quy hoạch lại việc sử dụng các loại đất của các dự án FDI trong NN và xác định kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án FDI trong NN trên địa bàn và chính thức hóa vào hồ sơ rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. "Việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao và nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước là yêu cầu rất bức xúc của các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho từng dự án FDI trong NN hiện nay.
Vì vậy, cần khuyến khích các nhà đầu tư cùng với Chính phủ đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để đáp ứng đúng yêu cầu kinh doanh của nhà đầu tư và đảm bảo lợi ích của nông dân"-ông Thu nói. Cuối cùng, để khắc phục những yếu kém và nâng cao tính hấp dẫn của nguồn nhân lực trong các dự án FDI trong NN, Nhà nước cần có chương trình đào tạo cho lực lượng lao động làm việc cho các dự án này.
"Phát triển hệ thống đào tạo nghề ở NT, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức kinh tế và kiến thức về thị trường cho người lao động tại chỗ, trong đó có lao động làm việc cho DN FDI là những việc không thể chần chừ được nữa"-ông Hà Huy Ngọc cho biết.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.