Vốn FDI ít vào nông nghiệp: Chính ta hại ta?

Thứ ba, ngày 01/05/2012 20:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - ĐBSCL được coi là vùng đất đầy tiềm năng, thuận lợi cho thu hút vốn FDI, nhưng thực tế hiện nay dòng vốn FDI tại khu vực này gần như là con số 0. Nghịch lý này quả thực rất đáng báo động.
Bình luận 0

1- GS-TS Võ Tòng Xuân, khẳng định: "Vốn nằm trong các thành phần kinh tế rất lớn. Chỉ vì quan niệm chúng ta quá ưu ái cho thành phần kinh tế quốc doanh nên các thành phần kinh tế còn lại, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, ngần ngại đầu tư". Ví dụ đơn giản, chương trình xây dựng 4 triệu tấn kho chứa lúa, rồi ưu đãi vốn cho các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ… đều phần lớn rơi vào các doanh nghiệp quốc doanh.

img
Thu hoạch lúa bằng máy ở ĐBSCL - khu vực được coi là cơ giới hoá nông nghiệp tốt nhất hiện nay của cả nước.

Theo ông Xuân, từ hơn 10 năm qua, Thái Lan đã làm rất tốt việc huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Ông kể: "Biết người Thái Lan thích sử dụng nước chanh trong ăn uống, các nhà lãnh đạo đã liên hệ các nhà khoa học, tìm ra công nghệ nước chanh đóng chai. Sau đó, họ chi tiền để sản xuất thử nghiệm. Các nhà đầu tư nhận thấy hiệu quả, bỏ vốn làm ngay".

Theo ông, Chính phủ Thái Lan không thu một đồng nào khi chuyển giao những công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, nông nghiệp. Và những dịch vụ, nhà máy, xí nghiệp mới… họ đều thu hút theo cách ấy. Chính phủ cấp kinh phí nghiên cứu, sản xuất thử, ai thấy hiệu quả cứ đầu tư. Còn Việt Nam? Trách sao vùng ĐBSCL cứ than khát vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp.

2- "Cứ bốc thử một nắm gạo xuất khẩu, chúng ta "thấy" gì? Hàm lượng chất xám trong nắm gạo ấy rất ít"- đó là dẫn chứng mà ông Xuân muốn đề cập đến vấn đề: Nông dân vẫn chưa mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất khoa học, kỹ thuật cao. Phải thay đổi tư duy. Bởi như ông Xuân kể, có nông dân đã nói thẳng với ông: "Nhà khoa học các anh nói hay lắm, nhưng có gì mấy anh còn đồng lương. Cứ như chúng tôi, nghe theo lời các anh mà sản xuất, rủi 4- 5 tháng tới thất bát lấy gì ăn?".

Bên cạnh việc phải áp dụng quy trình sản xuất mới, hiện đại hoá nông nghiệp, ông Xuân cho rằng, phải tập hợp cho được các nông dân ngồi lại để bắt tay sản xuất hàng hoá theo số lượng lớn, chất lượng đồng đều. "Nông dân cả nước cũng như tại ĐBSCL không thể tiếp tục làm ăn cá thể được"- ông nói. Có thế, hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài mới để mắt đến những vùng nguyên liệu dồi dào, trù phú và chất lượng đồng đều.

“Cứ bốc thử một nắm gạo xuất khẩu, chúng ta “thấy” gì? Hàm lượng chất xám trong nắm gạo ấy rất ít”.

3- Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, nếu không hiểu thị trường thì làm sao sản xuất được những gì thị trường cần, nhà máy chế biến cần để đảm bảo lợi nhuận. Và trong điều kiện đất đai hạn hẹp, vốn ít thì chạy theo phong trào không khéo trở thành những quyết định đầu tư lãng phí, kém hiệu qủa. Tư duy của nông dân, theo ông Dũng: "Họ chỉ lo sản xuất theo cách của mình và nghĩ rằng tiêu thụ là chuyện của Nhà nước".

Sao không thử đặt câu hỏi: Các nhà đầu tư nước ngoài ngó lơ với vựa lúa, túi cá ĐBSCL, phải chăng đó là hệ qủa của việc phun thuốc trừ sâu ào ạt vào những trái ổi, trái cam, sử dụng thuốc bừa bãi trên tôm, cá? Chính những miếng thịt có đóng dấu kiểm dịch đỏ au nhưng người tiêu dùng vẫn không mấy tin tưởng vào sự sâu sát của người kiểm dịch. Khi mà những thông tin về chuyện thịt heo có thuốc tăng trọng vẫn được đưa đi tiêu thụ, bò bệnh vẫn lén lút mổ… đầy rẫy ở thời hội nhập- cả về thông tin, thì người dân e ngại hàng hóa trong nước cũng là điều dễ hiểu.

Và một nền nông nghiệp với những sản phẩm của nó vẫn đánh đố người tiêu dùng trong nước về chất lượng, quy mô sản xuất thì nhỏ lẻ, âu cũng là điều hợp lý khi vốn FDI quá thấp…

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem