Mở đường thoát nghèo bền vững

Thứ tư, ngày 14/08/2013 11:35 AM (GMT+7)
Được vay vốn ưu đãi dành cho hộ cận nghèo - điều đó đã mở ra cơ hội cho hàng trăm hộ trên địa bàn huyện Ân Thi (Hưng Yên) đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo bền vững...
Bình luận 0
Ông Lê Ngọc Sách - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Ân Thi cho biết: “Đến tháng 7.2013, ngân hàng đang thực hiện 8 chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi. Tổng dư nợ là 227,351 tỷ đồng”.

Yên tâm làm ăn

Đến thăm gia đình chị Trần Thị Đào (thôn Phúc Tá, xã Tân Phúc), nhìn gia cảnh neo đơn của chị, chúng tôi không khỏi ái ngại. Lấy chồng 20 năm, gia đình đang yên ấm thì cách đây 4 năm anh Hoàng Văn Khoái - chồng chị đột ngột qua đời, để lại gánh nặng cơm áo lên đôi vai chị với 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Bỗng chốc, gia đình chị rơi vào cảnh túng thiếu. “Thật may, tôi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng vốn hộ cận nghèo...” - chị Đào tâm sự.

Được tiếp vốn, chị Trần Thị Đào yên tâm làm ăn.
Được tiếp vốn, chị Trần Thị Đào yên tâm làm ăn.

Được vay vốn ưu đãi, chị Đào mua lợn giống về nuôi. Lúc cao điểm chuồng nhà chị có cả chục con lợn. Ngoài ra, chị nuôi gà, vịt để tận dụng cám gạo từ xay xát lúa. “Có sự sát cánh của Ngân hàng CSXH, tôi có thể yên tâm nuôi các cháu ăn học”- chị Đào chia sẻ.

Ở cùng xã với chị Đào, gia đình chị Nguyễn Thị Xoa cũng được vay 20 triệu đồng vốn hộ cận nghèo. Chị Xoa chia sẻ: “Nguồn thu của gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng, không đủ trang trải cuộc sống. Được tiếp vốn, tôi đào ao nuôi cá và trồng cây ăn quả trên diện tích 3.000m2. Nếu thuận lợi chẳng mấy chốc gia đình tôi có thể trả hết nợ ngân hàng”.

Trả nợ đúng hạn

Gia cảnh của ông Nguyễn Hữu Toán (thôn Phúc Tá), cũng rất khốn khó. Bị tàn tật từ nhỏ, toàn bộ chi tiêu trong gia đình do vợ ông - bà Nguyễn Thị Nhót gánh vác. Vợ chồng ông có 4 con thì 2 đã phải nghỉ học để đi làm thuê, phụ mẹ. Năm 2006, con thứ 3 là anh Nguyễn Văn Thạo thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội, vợ chồng ông vừa mừng, vừa lo...

Không chấp nhận cảnh thất học của con, bà Nhót và 2 con đầu chạy đôn đáo lo cho 2 em ăn học. Ngoài thời gian lên lớp, Thạo cũng tranh thủ đi làm thêm ở các quán xá, nhà hàng để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Năm 2008, gia đình ông được vay 16,5 triệu đồng chương trình học sinh - sinh viên. Hiện Thạo đã ra trường, đang làm tại Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị. Tiền lương hàng tháng anh để dành một phần cho bố mẹ trả ngân hàng.

Con út của ông Toán học Trường CĐ Tài chính quản trị kinh doanh cũng được Ngân hàng CSXH cho vay 29 triệu đồng. Kế hoạch là đợt giải ngân tới ở xã, ông sẽ trả hết nợ. “Nhờ chính sách cho vay vốn của ngân hàng, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn”- ông Toán chia sẻ.
Bà Đặng Thị Hóa- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phúc cho biết: Xã có 15 hộ được vay vốn ưu đãi trong đợt giải ngân vốn tín dụng hộ cận nghèo đầu tiên. Trong đó, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND là 7 hộ, Hội Phụ nữ 8 hộ.

Được vay 34,4 triệu đồng chương trình học sinh, sinh viên cho 2 con ăn học, chị Đào Thị Ngàn (ngã tư Tân Phúc) bộc bạch: “Gia đình tôi có 2 con đang học CĐ, nếu chỉ trông chờ vào số tiền từ làm ruộng và đi chợ thì không thể đủ chi phí cho các cháu ăn học ở đất Hà Nội.?Nhờ vốn vay ưu đãi, tôi có thể vững tin cho con cái học hành thành đạt”.

Lan Dương ( Lan Dương )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem