“Mở đường” xử lý 6.000 container phế liệu

Tố Loan Thứ sáu, ngày 27/07/2018 08:16 AM (GMT+7)
Theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19.12.2014, danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có 36 loại, tuy nhiên, trên thực tế không phải loại phế liệu nào cũng đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ.
Bình luận 0

Đề xuất bỏ nhập khẩu 5 loại phế liệu

Mới đây việc Trung Quốc quyết định dừng nhập khẩu 24 loại chất thải rắn đã khiến thị trường phế liệu “náo loạn” bởi đây vốn là quốc gia cho phép nhập khẩu tất cả các loại phế liệu, chất thải rắn lớn nhất thế giới.

Thực tế này đang dẫn đến việc dịch chuyển lượng phế liệu nhập khẩu lớn tràn về các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trước thực trạng trên, Bộ TNMT đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời kiến nghị, để xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, cụ thể: Thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục 24 loại chất thải rắn mà Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu).

img

Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi được kiến nghị loại bỏ khỏi danh mục phế liệu nhập khẩu theo Quyết định 73.  Ảnh: I.T

Hiện lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng chủ yếu tại cảng TP.HCM, Hải Phòng. Tính đến hết 26.6.2018 số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng lên tới gần 6.000 container, trong đó ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn là phế liệu nhựa và các loại phế liệu khác nằm trong danh mục của Quyết định 73/2014.

Loại bỏ những phế liệu không được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn cung cấp ở trong nước. Điển hình: Bỏ loại phế liệu giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (mã HS 47079000) vì lý do đây là loại phế liệu giấy có tính chất hỗn hợp nhiều chất liệu giấy khác nhau, thường được sử dụng để tái chế các loại giấy có chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Loại bỏ phế liệu thạch cao (mã HS 25201000) vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị được nhập khẩu nhưng chưa triển khai hoạt động nhập từ khi  được cấp giấy chứng nhận đến nay.

Tơ tằm cũng nằm trong danh sách kiến nghị loại bỏ vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị nhập với khối lượng rất nhỏ, bên cạnh đó đây cũng là loại phế liệu phát sinh trong nước, vì vậy phải khuyến khích doanh nghiệp thu mua triệt để trong nước…

Không thể biến Việt Nam thành nơi... tập kết rác

Bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng: “Chỉ nên đồng ý cấp phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự về nguyên liệu sản xuất, chứ không cho phép các doanh nghiệp nhập số lượng lớn phế liệu về để bán lại”.

Bà Mỹ dẫn chứng: Năm 2017 ngành nhựa cần 5 triệu tấn nguyên liệu sản xuất, chúng ta chỉ chủ động được 20% nguyên liệu còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu về số lượng lớn mà không hề sản xuất, họ bán lại cho các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu với giá cao và bán “sỉ” - nghĩa là trộn lẫn các loại nhựa khác nhau, nên sau khi phân loại, nguyên liệu để có thể sử dụng sản xuất không đáng là bao.

Ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam thì cho rằng: “Cần siết chặt việc cấp phép, quản lý các doanh nghiệp nhập khẩu và phải có số lượng nhập khẩu cụ thể”. Tán thành với ý kiến đóng góp của các hiệp hội, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho hay: “Những đơn vị được nhập phế liệu phải dựa trên nhu cầu thực trạng sản xuất, thể hiện được các năng lực về xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng, tài chính, năng lực trách nhiệm, đối với những tổ chức, doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ dứt khoát không cấp phép cho nhập phế liệu tránh tình trạng phế liệu "vô chủ" như hiện nay tại các cảng biển”.

Đối với việc nhập ủy thác thì các nhà sản xuất có thể thông qua các doanh nghiệp nhập phế liệu khác thông qua các hợp đồng ủy thác nhưng trách nhiệm chính vẫn phải là các nhà sản xuất. Đối với nhà sản xuất chỉ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sơ chế rồi xuất khẩu thì hoàn toàn không ủng hộ. "Việc nhập phế liệu về cho các nhà máy chỉ khuyến khích dùng vào việc sản xuất thương mại, sản phẩm chất lượng cao chứ không phải chỉ xử lý thô rồi tái xuất, nếu tái xuất sản phẩm thô sẽ biến Việt Nam thành nơi tập kết rác thải" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đối với khoảng 6.000 container phế liệu đang tồn đọng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các bộ, ngành cũng thống nhất cần khẩn trương xử lý, tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với nhà nhập khẩu có đầy đủ điều kiện thì nhanh chóng cho thông quan, có thể áp dụng cơ chế hậu kiểm thay bằng tiền kiểm như hiện nay.

Bộ trưởng đề nghị có cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết số lượng hàng tồn đọng, vừa hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự vừa xử lý nhanh chóng đảm bảo những yêu cầu về môi trường, bến bãi.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem