|
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, chiều nay Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã đăng đàn đầu tiên. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã nhận được 21 câu hỏi đề nghị trả lời chất vấn của 14 ĐBQH. Các câu hỏi của ĐB xoay quanh 3 nhóm chính là: Giải pháp nâng cao sản xuất nông nghiệp; Các biện pháp quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mở đầu buổi chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đặt câu hỏi: “Thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước còn rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, người nông dân làm mà không có lãi. Đâu là nguyên nhân và giải pháp của Bộ trưởng và Bộ NNPTNT?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, chúng ta đã thực hiện 3 biện pháp: Phối hợp với các địa phương chống dịch cúm gia cầm, tai xanh và LMLM. Đã tăng cường kiểm soát chất lượng thức chăn chăn nuôi (TACN) và con giống, đảm bảo giá TACN cao, nhưng người ND phải nhận được TACN, con giống có chất lượng. Phối hợp quyết liệt kiểm soát về buôn lậu gia cầm và đã cơ bản kiểm soát được”.
Còn thời gian tới làm thế nào, Bộ trưởng thông tin sơ bộ là, Bộ đang chủ trương rà soát, cơ cấu lại ngành chăn nuôi, xác định những loại gia súc phù hợp với từng tiểu vùng. Tập trung giải quyết khâu giống, do chất lượng con giống còn thua kém so với các nước trong khu vực. Khuyến khích công nghệ chế biến TACN kiểu công nghiệp, phát triển nguyên liệu trong nước khuyến khích ND chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên.
Cũng liên quan đến vấn đề chăn nuôi, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP. HCM) đặt câu hỏi: “Hiện chúng ta đã chủ động được bao nhiêu con giống, cây giống và đã đạt đến trình độ nào?. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp chúng ta liệu có phụ thuộc vào nước ngoài do đang phụ thuộc vào 70% nguyên liệu sản xuất TACN từ nước ngoài?”.
Bộ trưởng Phát cho biết: “Hiện chúng ta nhập khẩu nguyên liệu để chế biến TA công nghiệp, chủ yếu là ngô, đỗ tương và lúa mì theo tính toán là khoảng 33% như năm ngoái là 1 triệu tấn ngô, 1 triệu tấn đỗ tương và 2 triệu tấn khô dầu. Chúng tôi đang nghiên cứu thúc đẩy sản xuất ngô và có khả thi. Còn đậu tương, chúng ta chưa có giống có năng suất cao. Do vậy, giải pháp của ngành trong thời gian tới là, đề nghị Quốc hội điều chỉnh các chính sách về thuế, đồng thời Bộ sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này như tham gia chọn tạo giống, phát triển vùng nguyên liệu…”.
Vừa đặt câu hỏi, đồng thời cũng vừa là để chia sẻ với những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nói: “Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có sự đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước, nhất là kim ngạch xuất khẩu nông sản, qua đó giúp giảm nhập siêu, giảm lạm phát. Tuy nhiên, ngành NN đang đứng trước nhiều khó khăn, người nông dân đang bị lỗ kép, doanh thu của ND đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí vẫn tăng. Bộ trưởng có giải pháp gì mới, giúp ND thoát nghèo yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình”.
Câu hỏi thứ 2 của ĐB Ngân là, hiện Chính phủ có nhiều gói giải pháp cho nền kinh tế, song với riêng ngành NN cũng cần phải có gói hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người nông dân. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về ý kiến trên ra sao?.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phát thừa nhận: “Đúng là trước tình hình khó khăn hiện nay của nông nghiệp, chúng tôi càng thấy rõ hơn những nguyên nhân và vấn đề đặt ra đối với ngành. Tôi cho rằng, phải triển khai nghiêm tục giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nông thôn. Do đó, chúng tôi đã xây dựng Đề án (ĐA) tái cơ cấu ngành và đã được Thủ tướng đã phê duyệt ĐA này. Chỉ có như vậy mới giải quyết được căn cơ những khó khăn của ngành”.
Về ý kiến, có cần một gói giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Bộ trưởng cho rằng, hiện khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp là thị trường, lúa đang chín đầy đồng, trái cây, lợn gà, cá tra rất nhiều. Nhưng do thị trường, nên giá xuống. Do đó, một mặt CP đã có chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo và giá lúa đã nhích lên 100-200 đồng/kg. Mặt khác, CP cũng chỉ đạo Ngân hàng tăng tín dụng cho nông dân để họ không phải bán vội lúa và duy trì đàn gia súc của mình… Nhưng đó mới chỉ là những giải pháp trước mắt.
Còn về lâu dài, theo Bộ trưởng Phát, bên cạnh hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, một mặt cũng phải đầu tư vào các nhiệm vụ căn cơ của ngành, nhất là nghiên cứu cải tiến các giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ hạ tầng sản xuất…
Đáp lại phần Bộ trưởng trả lời câu hỏi của mình và các ĐB khác, ĐB Trần Hoàng Ngân đã “tâm sự” thật là: Bộ trưởng hiền quá. “Tôi rất chia sẻ với các khó khăn của ngành nông nghiệp, nhưng trong các giải pháp của mình, tôi thấy Bộ trưởng còn “hiền” quá. Tôi thấy trong nhiều lĩnh vực như ngành vật liệu xây dựng, bất động sản thời gian qua khi gặp khó khăn, các Bộ trưởng, thứ trưởng của ngành này thường xuyên tổ chức các hội thảo để nêu ý kiến và thường xuyên đưa ra các yêu cầu đề nghị QH, đề nghị Chính phủ phải có các giải pháp hỗ trợ. Nhưng ngành nông nghiệp của mình, nông dân của mình còn vô cùng khó khăn, song tiếng nói của ngành mình còn nhẹ quá".
Tôi rất mong Bộ trưởng trong những giải pháp, kiến nghị của mình phải mạnh mẽ hơn, phải gấp rút hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân hiện nay bằng những gói hỗ trợ rất cụ thể”, ĐB Ngân giãi bày thêm.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.