Hiện nay, tại nhiều xã, thôn đã có nhiều hợp tác xã (HTX) thu gom rác được thành lập. Các HTX này đã có rất nhiều cố gắng để giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm. Tuy thế, câu chuyện mới nằm ở phần ngọn của vấn đề. Đi theo chân một xe rác tới tận cùng của rác thải mới thấy câu chuyện về rác sao mà nhiều điều nan giải.
|
Các xe thu gom rác thải ở nông thôn. |
Giống y như ở thành phố, xe rác nào cũng đầy ắp với bao nhiêu là loại rác chưa được phân loại như: Túi nylon, vỏ trái cây, rau, củ, quả, thức ăn thừa, quần áo... Nếu ở thành phố, không có diện tích và việc sử dụng rác thải hữu cơ chẳng để làm gì, thì ở nông thôn, việc tái sử dụng rác mang lại rất nhiều tác dụng. Chúng có thể được dùng làm phân bón rất tốt cho cây trồng, hạn chế được công sức đi dọn rác. Nhiều loại rác thải vẫn có thể tái chế để sử dụng cho chính cuộc sống của người dân...
Hầu hết các vùng nông thôn đều chưa có quy hoạch khu xử lý rác cho địa phương mình. Các bãi đổ rác đều được “mọc” ra tự phát, từ góc sông, bờ đê, ven ruộng lúa, thậm chí là quốc lộ. Có những bãi rác còn mọc ngay gần khu dân cư. Vậy cần đổ rác đi đâu? Dĩ nhiên trong điều kiện kinh tế ở nhiều vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, việc xây dựng riêng một khu để phân loại, tái chế các loại rác thải với công nghệ cao là điều vô cùng khó khăn. Tuy vậy cộng đồng nông thôn vẫn có thể làm được rất nhiều để giảm thiểu tác hại do rác thải gây ra.
Các địa phương cần có chiến lược, tầm nhìn lâu dài và sự quan tâm cần thiết cho vấn đề mang tính bền vững, lâu dài này. Mỗi địa phương nên dành một khu đất xa khu dân cư để chôn vùi rác thải tập trung. Đó cũng là cách để hạn chế những tác hại do rác mang lại. Đồng thời cần nhân rộng những mô hình xử lý rác thải tại nhà mang lại hiệu quả cao.
Trần Thị Ngân
(Kinh Môn, Hải Dương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.