Mỗi năm vẫn phải nhập khẩu trên 171.000 con tôm giống bố, mẹ từ Mỹ và Thái Lan

Đức Cường Thứ sáu, ngày 24/03/2023 16:51 PM (GMT+7)
Ngày 24/3, tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2023”. Một số liệu đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị, đó là mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới trên 171.000 con tôm giống bố, mẹ.
Bình luận 0

Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền. 

Tôm giống bố, mẹ phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu

Tăng cường quản lý tôm giống nước lợ hạn chế phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài - Ảnh 1.

Hội nghị có sự tham dự của các địa phương, các đơn vị ngành nghiên cứu, quản lý giống thủy sản. (Ảnh: Đ.C)

Theo Tổng cục thủy sản (Bộ NNPNT), sản lượng tôm nước lợ của cả nước trong năm 2022 đạt gần 1,1 triệu tấn (tăng 8,5% so với năm 2021).

Trong đó, sản lượng tôm sú đạt hơn 270.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 740.000 tấn (còn lại là tôm càng xanh và tôm khác), kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm 2021). Đây là năm ngành tôm đạt cao kỷ lục từ trước đến nay.

Mặc dù xuất khẩu tôm thương phẩm đạt cao nhưng nguồn tôm giống trong nước còn hạn chế, vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Cụ thể, năm 2022 cả nước nhập khẩu hơn 171.000 con tôm thẻ giống bố, mẹ và 328 con tôm sú giống bố, mẹ. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan.

Vì sao phải quản lý tôm giống nước lợ, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài? - Ảnh 3.

Nuôi tôm trên cát ở huyện Thuận Nam. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, cả nước hiện có 2.104 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 160,2 tỷ con. Trong đó, khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định) với 687 cơ sở sản xuất, ương dưỡng. Riêng tỉnh Ninh Thuận sản lượng đạt tôm giống đạt 39 tỷ con.

Ninh Thuận sẽ sản xuất được 60 tỷ con tôm giống?

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá Ninh Thuận là địa phương có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển thủy sản, đặc biệt là tôm giống. Nơi đây tập trung các dòng hải lưu nóng và lạnh, nền đáy biển có các rạn san hô có khả năng tự làm sạch nên chất lượng nước biển rất thích hợp để phát triển sản xuất giống hải sản có giá trị kinh tế cao.

Tăng cường quản lý tôm giống nước lợ hạn chế phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tôm giống là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh Ninh Thuận với sản lượng 39 tỷ con (năm 2022) đáp ứng 35% nhu cầu tôm giống của cả nước.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu nâng sản lượng tôm giống đến 2025 đạt 50 tỷ con và đến năm 2030 đạt 60 tỷ con.

"Để làm được điều đó, Ninh Thuận sẽ tập trung thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại. Việc này nhằm tạo ra sản phẩm tôm giống có chất lượng cao, đóng vai trò hạt nhân trong liên kết, tổ chức chuỗi sản xuất từ con giống đến nuôi trồng và xuất khẩu. Từ đó giúp hình thành mối liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học - nhà nước - doanh nghiệp…", ông Huyền nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, năm 2023 ngành tôm có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết bất lợi. Cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng các nước suy giảm do lạm phát và bất ổn thị trường.

Tăng cường quản lý tôm giống nước lợ hạn chế phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đ.C)

Minh chứng là 2 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 32,9% trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 54,9%.

Do đó, các ngành và các địa phương cần tăng cường vai trò quản lý chất lượng nguồn giống tôm, kịp thời chia sẻ thông tin về nguồn gốc, chất lượng tôm giống để giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các bên liên quan, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra cho công tác nuôi tôm nước lợ với diện tích thả nuôi là 750.000 ha; sản lượng là 1.080 nghìn tấn. Bên cạnh đó là đáp ứng nhu cầu giống tôm nước lợ từ 260.000-270.000 con tôm bố mẹ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem