Bộ Y tế đang lên kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều.
Mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi đối với loại vắc-xin Astrazeneca
Tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 24/2 do Bộ Y tế và báo Người lao động tổ chức, PGS-TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi đối với loại vắc-xin Astrazeneca. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau khi tiêm cũng không cần phải kiêng cữ gì nhưng cần theo dõi nếu có sự khác thường về sức khoẻ thì báo ngay cho cơ sở y tế.
Lý giải vì sao giáo viên lại được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19, PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết, giáo viên là đối tượng được đề cập trong bản kế hoạch ưu tiêm tiêm vắc-xin của Bộ Y tế vì giáo viên thường xuyên tiếp xúc với học sinh ở các địa điểm khác nhau khi tới lớp học. Đồng thời, phòng bệnh cho giáo viên cũng là phòng bệnh cho học sinh.
“Tôi thiết nghĩ đây là quan điểm nhân văn của Bộ Y tế khi xây dựng kế hoạch tiêm ngừa vắc-xin COVID-19”, PGS Phu nói.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Hiện nay sẽ ưu tiên cho đối tượng có nguy cơ
Hiện những cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp muốn đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19. Theo quan điểm của Chính phủ là toàn dân sẽ được tiêm vắc-xin COVID-19 nhưng hiện nay sẽ ưu tiên cho đối tượng có nguy cơ đã được đề cập trong kế hoạch của Bộ Y tế, còn các doanh nghiệp muốn tiêm cũng phải ưu tiên cho những đối tượng thuộc diện ưu tiên trước. Tại thời điểm này, chúng ta chưa triển khai tiêm dịch vụ vắc-xin COVID-19.
“Hiện nay, chúng ta chưa có đủ vắc-xin nên việc triển khai tiêm vắc-xin vẫn theo quy định và sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắc-xin cho 11 nhóm đối tượng. Đó là những đối tượng làm nhiệm vụ ở nơi có nguy cơ cao và hiện nay, theo tôi được biết, chưa có chỉ đạo việc tiêm vắc-xin dưới dạng tiêm dịch vụ như các loại vắc-xin khác mà chúng ta đang triển khai ở các điểm tiêm chủng dịch vụ”, PGS.Phu nói.
Sau tiêm một thời gian mới có kháng thể để chống lại virus
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, việc tiêm vắc-xin bình thường sau một thời gian mới có kháng thể để chống lại virus. Thường thì 15 ngày cơ thể sẽ có miễn dịch nhưng mức độ bảo vệ còn tuỳ thuộc vào loại vắc-xin, tùy vào từng đối tượng và sau tiêm một mũi hay sau tiêm mũi nhắc lại lần 2.
Đối với vắc-xin COVID-19 Việt Nam nhập khẩu của hãng AstraZeneca sáng 24/2 thì miễn dịch khoảng 60- 70% và thực tế hiện nay người ta cũng chưa biết miễn dịch kéo dài được bao lâu. Nhưng, với việc đáp ứng miễn dịch như vậy, việc bảo quản vắc-xin này không đòi hỏi ở nhiệt độ âm 70 độ C cũng như giá thành thấp là phù hợp với Việt Nam.
Vì vậy, trong thời điểm nguy cơ dịch trên thế giới vẫn còn lây lan và nguy cơ dịch trong nước vẫn còn cao nên cũng không vì có vắc-xin hoặc đã được tiêm vắc-xin mà chúng ta lơ là phòng bệnh. Tôi khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.