Một quy định đã có hiệu lực từ đầu năm 2014, nhưng hẳn còn ít người biết tới, và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhắc lại khi trả lời kiến nghị liên quan của tỉnh Thanh Hóa tại buổi làm việc trực tiếp đầu tuần này.
Đó là cơ chế tạo vốn cho vay các hộ nghèo, gắn với đặc thù sở hữu và vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất của các hộ nghèo, hiện đã có Ngân hàng Chính sách xã hội chuyên biệt phục vụ. Tổng dư nợ của ngân hàng này hiện ở khoảng 126.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu cho vay hộ nghèo luôn ở dưới 1% trong nhiều năm qua.
Theo ông Bình, việc Việt Nam hàng năm duy trì quy mô vốn tương đương khoảng 6 tỷ USD phục vụ nhu cầu vốn của người nghèo từng gây bất ngờ, thậm chí hoài nghi với bên ngoài, bởi họ xem đó như nguồn vốn có tính chất cấp phát. Tuy nhiên, đây là nguồn vốn có vay - có trả gắn với chính sách lãi suất cụ thể.
Quy mô trên cũng được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá là rất lớn. Mục tiêu trong 10 năm tới, mỗi năm ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng tổng dư nợ tối thiểu từ 7-10%.
Như trên, có vay - có trả, đây lại chính là lĩnh vực có tỷ lệ nợ xấu ở nhóm thấp nhất trong hệ thống. Những năm qua và hiện nay, tỷ lệ nợ xấu cho vay hộ nghèo luôn chỉ ở dưới 1%. Điều này được giải thích ở trách nhiệm cao của các hộ dân khi vay vốn, gắn với uy tín của họ trong cộng đồng xã hội.
Với dư nợ lớn, chất lượng tín dụng an toàn, cùng vai trò của nó đối với đời sống các hộ nghèo, mới đây, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức khảo sát hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và đánh giá là một điểm sáng trong cơ chế xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Để thúc đẩy hơn nữa, Chính phủ cũng vừa có điều chỉnh, nâng hạn mức cho vay tối đa mỗi hộ từ 30 triệu đồng trước đây lên 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội là về nguồn vốn. Nếu chỉ bằng con đường huy động bình thường trên thị trường thì không thể đáp ứng được, nhất là cạnh tranh về lãi suất. Như trong những năm 2011 - 2012, lãi suất tăng cao nhưng vừa khó huy động vừa không thể áp lãi vay tương ứng đối với các hộ dân, nên ngân sách phải bù lỗ khá lớn. Đây cũng là đặc thù hoạt động của ngân hàng này, với sự hỗ trợ đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước.
Để khắc phục khó khăn trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết tại buổi làm việc trên: Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất sòng phẳng, các ngân hàng thương mại nhà nước phải luôn duy trì lượng tiền gửi 2% tổng huy động của mình tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đây là một ràng buộc đặc biệt đối với 5 ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay (gồm: Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank và MHB), mà nếu không thực hiện, Thống đốc Bình nhấn mạnh là sẽ thay ngay vị trí tổng giám đốc ngân hàng đó.
Quy định duy trì số dư tiền gửi nói trên cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chính thức luật hóa bằng Thông tư số 23, bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2014.
Ngoài chính sách tạo nguồn trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang vận động thu hút lượng tiền gửi ủy thác của các tỉnh thành trong cả nước, mà hiện một số tỉnh được đánh giá đang có sự ủng hộ rất tốt.
(Theo VnEconomy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.