Nông dân thoát nghèo, mỗi tháng kiếm gần 40 triệu đồng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Thùy Anh Thứ tư, ngày 15/02/2023 12:54 PM (GMT+7)
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những nông dân làm kinh tế giỏi.
Bình luận 0

Có tiền nuôi 3 con ăn học, thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng nhờ được vay vốn ưu đãi 

Bà Phùng Thị Nhân - Thôn Bắc Sơn - Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), từng là gia đình hộ nghèo. Trước đây, gia đình khó khăn, chồng mất từ năm 2007, các con lại đang tuổi ăn tuổi học. May mắn lúc đó được cán bộ thôn giới thiệu vay vốn sinh viên để cho các con ăn học. Bà Nhân  nhớ lại: "Hồi đó tôi vay được 8 triệu đồng, tôi đã dùng toàn bộ số tiền đó để nuôi 3 con ăn học. Cũng may các con chăm ngoan, học giỏi và dần dần tốt nghiệp đại học".

Ngoài khoản vay trên, chị Nhân còn được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa duyệt cho vay hộ nghèo thêm 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn ấy, chị Nhân phát triển kinh tế, gia đình. Nhờ nỗ lực, sự cố gắng không biết mệt mỏi, may mắn năm 2019, gia đình chị đã được thoát nghèo, có tiền chị trả tiền vay trước hạn.

vay vốn thoát nghèo

Bà Phùng Thị Nhân chia sẻ quá trình vay vốn làm kinh tế với PV Báo Dân Việt. Ảnh: N.T

Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Nhân cho biết nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, chị vươn lên làm kinh tế, không chỉ làm giàu cho gia đình và còn tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động thời vụ trong thôn. Trung bình mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất từ 2.000-3.000 lít nước mắm, tiêu thụ trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác như: Ninh Bình; Quảng Ninh, Sài Gòn... Hiện nay, trừ chi phí doanh thu của cơ sở sản xuất nước mắm Ocop của gia đình chị Nhân đạt 30-40 triệu đồng/tháng.

"Trong số các nguồn vốn cho vay thì nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo là giải ngân cao nhất. Điều này góp phần giảm hộ nghèo từ 1-2%, góp phần tăng thu nhập bình quân của các hộ này lên", ông Bắc nói."Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 321.000 hộ thoát nghèo. Đồng thời tạo việc làm cho gần 91.000 lao động, trong đó có hơn 11,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn; giúp hơn 448 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; đầu tư gần 637 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường; xây dựng hơn 40,5 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; cho vay 14 người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc cho hơn 841 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".

Tương tự, anh Lê Văn Nhiên (36 tuổi) thôn Xuân Phụ, Hoằng Phụ, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cũng là một trong số những hỗ cận nghèo được hưởng lợi từ nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa. Năm 2022, anh Nhiên được phòng giao dịch cho vay 100 triệu đồng để mua giống nuôi tôm sú.

Gia đình hoàn cảnh khó khăn, mẹ khiếm thị, anh trai bị khuyết tật nhẹ, nhà có 4 người con nên vợ chồng anh Nhiên phải làm cật lực mới đủ nuôi sống gia đình.

Nhờ cố gắng làm kinh tế, chăn nuôi bò, cộng thêm nuôi trồng thủy hải sản (mô hình nuôi cua kết hợp tôm sú) mà hiện nay gia đình anh Nhiên đã thoát nghèo. Mỗi năm mô hình kinh tế kết hợp của gia đình anh cho tổng doanh thu 500-600 triệu đồng, trừ chi phí một năm anh cũng lãi được 200-300 triệu đồng.

"Tôi mong muốn được ngân hàng cho vay thêm vốn để có thể cải tạo ao, mở rộng chăn nuôi thủy hải sản. Bên cạnh đó, nếu có thêm tiền tôi sẽ mua thêm giống tôm thả", anh Nhiên nói.

Nguồn vốn chính sách góp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững

Ông Nguyễn Văn Bắc - Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, những năm qua, phòng giao dịch Ngân hàng cũng thực hiện nhiều chương trình cho vay vốn tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh - xã hội. Trong đó, có các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị định 61; Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay xuất khẩu lao động...

Các chương trình này về cơ bản đáp ứng tốt cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các chương trình phát triển làng nghề, xây dựng nông thôn mới.

vay vốn

Mô hình vay vốn nuôi tôm sú của gia đình anh Lê Văn Nhiên bước đầu mang lại thu nhập cao. Ảnh: N.T

Tính đến hết tháng 11/2022, tổng dư nợ tại phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa là hơn 518 tỷ đồng, tăng so với đầu năm hơn 54 tỷ đồng.

Nguồn vốn này đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khó khăn nhất định, việc giải ngân còn chậm. Hiện nay diện tích đất nông nghiệp hạn chế, đầu tư sản xuất của người dân thấp, chủ yếu làm dịch vụ thương mại. Vì thế nhu cầu vay vốn cũng hạn chế. Khó khăn thứ 2 là nguồn vốn cho vay còn thấp, nhiều hộ thoát nghèo muốn vay vốn cao hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không thể.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem