Mới thực hiện 3,6% kế hoạch lợi nhuận, Thủy sản Minh Phú còn kỳ vọng lãi kỷ lục năm nay?
Mới thực hiện 3,6% kế hoạch lợi nhuận, Thủy sản Minh Phú còn kỳ vọng lãi kỷ lục năm nay?
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 11/08/2024 05:34 AM (GMT+7)
Bên cạnh việc đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức cao kỷ lục, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã cổ phiếu MPC) cho biết, sẽ cân nhắc mở rộng sang loạt thị trường nước ngoài và nâng cao thị phần ở thị trường nội địa.
Báo lãi tăng gần 4 lần, Thuỷ sản Minh Phú vẫn cách xa kế hoạch năm 2024
Thủy sản Minh Phú lập kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 18.568 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.265 tỷ đồng, so với mức lỗ 105 tỷ đồng của năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức lãi cao nhất của Minh Phú từ năm 2008 đến nay.
Ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho biết, công ty đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà cung ứng thủy sản hàng đầu thế giới trong thời gian tới với hai nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, sẽ không cạnh tranh với sản phẩm tôm từ Ấn Độ và Ecuador thông qua khía cạnh giá cả, mà sẽ tập trung vào việc gia tăng chất lượng vào sản phẩm tôm và tạo sự khác biệt trên thị trường.
Thứ hai, sẽ tập trung hoàn thành và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo Công nghệ sinh học MPBio nhằm đưa giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam thấp ngang với Ecuador từ năm 2030 và phấn đấu đạt mục tiêu tự cung cấp 50% nhu cầu nguyên liệu tôm cho các nhà máy chế biến của công ty từ năm 2035.
Đánh giá về triển vọng ngành tôm, ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện tại sản phẩm tôm Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong đó, tôm Việt Nam đang phải chịu sức ép từ cả hai phía cung - cầu. Cụ thể, khi nguồn cung tăng, nhu cầu giảm, dẫn đến làm giảm giá trị xuất khẩu. Đồng thời, chi phí nguyên liệu đầu vào cao cũng khiến tôm Việt Nam bị cạnh tranh về giá và trở nên kém thu hút trên thị trường quốc tế.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), doanh thu thuần quý II/2024 của doanh nghiệp đạt 3.738 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn hàng bán của Thủy sản Minh Phú cũng tăng cao 65% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.344 tỷ đồng, kéo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn đạt 392,8 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính tăng lần lượt tăng 163% và 39%, đạt 32 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 38,4 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 33 tỷ đồng, cao gấp 3 lần. Theo Minh Phú, lãi ròng tăng chủ yếu do doanh thu bán hàng tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm của tập đoàn trong kỳ bắt đầu có hiệu quả.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 6.488 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Minh Phú đạt 45,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận âm 88 tỷ đồng.
Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 1.265 tỷ đồng lãi ròng hợp nhất, với kết quả 6 tháng đầu năm Minh Phú mới chỉ hoàn thành 3,6% so với kế hoạch.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản Minh Phú tăng thêm 1 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, ghi nhận gần 11,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 70% là tài sản ngắn hạn.
Hàng tồn kho của MPC khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 727 tỷ đồng, chủ yếu tăng thành phẩm, hàng hóa và nguyên vật liệu.
Về nguồn vốn, vay nợ ngắn hạn cuối kỳ là 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 629 tỷ đồng; phần lớn phát sinh vay từ Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) - chi nhánh Cà Mau.
Xuất khẩu tôm linh hoạt thị trường, kỳ vọng những tháng cuối năm
Thực tế hiện nay, ngành tôm của Minh Phú đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ Ecuador, Ấn Độ.
Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục triệt để, có khả năng gây thiếu nguyên liệu cho chế biến trong nửa cuối năm 2024. Các doanh nghiệp chế biến tôm như Minh Phú muốn đạt lợi nhuận kinh doanh phải linh hoạt thị trường trong những tháng cuối năm 2024.
Tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao. Cước tàu biển cũng tăng do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới.
Tại Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường này do bị Mỹ áp thuế cao. Vì vậy, tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con...
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay sẽ tăng trưởng mạnh, giúp bù đắp sự suy giảm trong nửa đầu năm vừa qua.
Theo Thủy sản Minh Phú, kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm thường bị ảnh hưởng khá nhiều do thời tiết nắng nóng. Ban lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng, doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tích cực hơn nhờ gia tăng nhu cầu vào giai đoạn cuối năm khi diễn ra nhiều lễ hội lớn.
Thủy sản Minh Phú còn cho biết, trong thời gian tới, sẽ tập trung phát triển vào thị trường nội địa thông qua việc tăng cường hợp tác với Bách Hóa Xanh và các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn,... Hiện thị trường Việt Nam chỉ đóng góp dưới 1% trong tổng nguồn thu của tập đoàn này.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú nhận định, nhiều mặt hàng tôm chế biến của Việt Nam có giá trị tăng cao mà những quốc gia Ecuador và Ấn Độ không chế biến được hoặc chế biến được ít. Gần đây, các nước sản xuất tôm nguyên liệu đều đã bắt đầu tham gia cuộc đua chế biến. Chẳng hạn, Ecuador có dây chuyền sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng khoảng 91 tấn tôm thẻ chân trắng nguyên liệu/ngày. Còn Ấn Độ cũng có chiến lược đầu tư chế biến sâu để cạnh tranh.
Ecuador và Ấn Độ đang có giá thành tôm nguyên liệu rất rẻ, chưa kể vị trí địa lý cũng gần với những thị trường chính như châu Âu và Mỹ. Thậm chí, Trung Quốc có tới 1.000 nhà máy chế biến tôm, từ nhập khẩu tôm nguyên liệu để phục vụ nội địa nhưng lại nhập khẩu nhiều tôm sú luộc của Việt Nam.
Tôm Việt có chỗ đứng ở nhiều thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh, Mỹ, EU... Tôm Việt chế biến cũng rất phong phú, trình độ chế biến chung của doanh nghiệp ta được thị trường ngoại đánh giá cao, tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn. Hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng...
Đặc biệt, hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Đó là chưa kể người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian nên sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý.
Nhận định về những tháng cuối năm, ông Quang cho rằng, theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi, là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh. Minh Phú sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội thị trường để bứt phá lợi nhuận cho cuối năm.
Về nguồn nguyên liệu tôm trong nước, Minh Phú chỉ có mong muốn, người nuôi tôm cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn.
Minh Phú kỳ vọng nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại, đảm bảo mục tiêu về đích tốt nhất có thể của Minh Phú trong năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.