Có nhiều ngày sống, quan sát và trải nghiệm tại nông trường Moku Moku, anh Đoàn Đức Thuận, người được học bổng Lãnh đạo trẻ IATSS do Honda tài trợ đã chia sẻ về mô hình tại hội thảo “Mô hình kinh doanh nông nghiệp từ vườn đến bàn”.
Moku Moku được toạ lạc trên diện tích 30ha
Nằm tại vùng đất Iga (quê hương của Ninja) miền Nam nước Nhật, Moku Moku là một quần thể nông nghiệp rộng 14 ha bao gồm rất nhiều hoạt động nuôi trồng nông lâm nghiệp.
Moku Moku có 3 nhóm sản phẩm và dịch vụ: Sản phẩm nông nghiệp thô, đã qua chế biến và các dịch vụ trải nghiệm làm nông nghiệp.
Sản phẩm bày bán do chính nông dân và hợp tác xã địa phương sản xuất
Các sản phẩm chính gồm có gạo, rau hoa quả, đậu nành, nấm, dâu tây, xúc xích, bánh, bánh ngọt, đậu phụ, sữa bò, bia tươi, thịt lợn. Moku Moku trực tiếp chế biến từ nguồn cung nguyên liệu của mình (cung trực tiếp 70% và mua ngoài từ nông dân Nhật chiếm 40%) và cũng trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường qua hai kênh trực tuyến (đặt hàng trên mạng, qua thư) và hệ thống nhà hàng Moku Moku khắp nước Nhật.
Khách đến tham quan trải nghiệm làm nông nghiệp
Nhà nghỉ ở Moku Moku có hình cây nấm
Tại cơ sở chính của mình, Moku Moku là một tổ hợp bao gồm trang trại, nhà hàng, siêu thị nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng, suối nước nóng, lớp dạy nông nghiệp, lớp dạy làm bánh, nấu bia, vườn thú, cửa hàng quà tặng, café… Bên cạnh việc cung cấp tại chỗ và trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp thô (rau, củ, quả, thịt, sữa bò, nấm….) và các sản phẩm đã qua bảo quản và chế biến (thịt nguội, xúc xích, nấu bia, bánh mì, bánh ngọt và đậu), Moku Moku còn cung cấp các dịch vụ trải nghiệm làm nông nghiệp (làm xúc xích, làm bánh, hái nấm, thu hoạch rau, làm đồ thủ công…), dịch vụ đám cưới, hay dịch vụ cho thuê đất nông nghiệp để người thuê tự trồng trọt. Bởi vậy, Moku Moku cũng là điểm đến thu hút khách du lịch trong ngày hay nhiều ngày với khu nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Anh Đoàn Đức Thuận tham quan mô hình Moku Moku
Moku Moku không đối đầu cạnh tranh với các công ty lớn. Họ đi vào thị trường ngách với triết lý kinh doanh nông nghiệp riêng từ vườn đến bàn và gia tăng giá trị qua việc kết hợp khéo léo với du lịch, học tập và trải nghiệm của khách hàng.
“Moku Moku là một điển hình tiêu biểu của một mô hình kinh doanh nông nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Sự đổi mới sáng tạo nằm ở chỗ Moku Moku kết hợp việc sản xuất nông nghiệp với chế biến và phân phối và như vậy tạo ra một cơ chế tổng lực, nhất quán trong xây dựng thương hiệu, tiếp thị và thu hút khách hàng. Sự bền vững nằm ở chỗ Moku Moku cân bằng giữa hiệu quả kinh tế với phát triển môi trường sạch (sản phẩm sạch) và lợi ích xã hội (thông qua cơ chế làm việc, đào tạo cho nông dân cũng như việc đào tạo học sinh tiểu học về nông nghiệp). Với cách kinh doanh nông nghiệp có triết lý, tầm nhìn và giá trị bền vững. Moku Moku là mô hình đáng tham khảo và học hỏi cho một nước nông nghiệp vẫn chiếm vai trò quan trọng như Việt Nam”– anh Thuận chia sẻ.
Có 8 nhân tố được xem là chìa khóa thành công cho mô hình Moku Moku gồm có: Giá trị gia tăng, tính độc đáo của sản phẩm, yếu tố xanh và sạch, vốn văn hóa xã hội, chính sách hỗ trợ của địa phương, vị trí thuận lợi và câu là bộ lạc người dùng ủng hộ và yếu tố cộng đồng. Trong số đó 2 nhân tố giá trị gia tăng và cộng đồng được coi là quan trọng nhất.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.