Cũng như những loại mì sợi phổ biến khác, mì Jook-sing sử dụng bột mì, trứng và nước để làm nguyên liệu nhào bột. Điểm độc đáo sẽ chỉ xuất hiện ở công đoạn người ta cán mỏng khối bột nhào này!
Theo đó, ở bước này, người thợ sẽ phải chuẩn bị một cây sào tre lớn dài khoảng 2 mét. Một đầu của cây sào được cố định vào tường và đặt bên dưới đó chính là khối bột nhào. Trong khi đó, người thợ sẽ ngồi lên đầu còn lại của cây sào và dùng sức nặng của cơ thể để nhún. Chuyển động của người thợ làm mì lúc này y hệt như đang chơi trò bập bênh. Cùng với nhịp nhún của người thợ, khối bột sẽ được làm phẳng và dẹt dần cho đến khi đạt yêu cầu.
Trông có vẻ đơn giản nhưng phương pháp “bập bênh” làm mì này lại đòi hỏi rất nhiều công sức cũng như sự khéo léo và nhịp nhàng của người làm. Được biết, công đoạn này sẽ thường mất khoảng 30 đến 40 phút. Thậm chí, nếu muốn cán khối bột thành 100 phần ăn, người ta cần phải nhún nhảy đến gần 2 giờ đồng hồ.
Đổi lại công sức bỏ ra, từng sợi mì Jook-sing sẽ mềm hơn và ẩm hơn so với mì sản xuất bằng máy đại trà ngày nay. Dẫu vậy, món ăn cổ truyền này của của người Trung Quốc, mà cụ thể hơn là vùng Quảng Đông đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân đến từ thực trạng giới trẻ không còn hứng thú duy trì truyền thống này. Ngoài ra, cũng phải kể tới việc nhiều nơi đã chuyển sang làm mì bằng máy vì năng suất cao vượt trội.
Hiện nay, chỉ còn một vài cửa tiệm ít ỏi chuyên về mì Jook-sing ở Hồng Kông, Ma Cao hay Quảng Đông, để thực khách yêu ẩm thực truyền thống có thể thưởng thức. Đây cũng chính là lý do mà mì Jook-sing được gọi là “Món mì hiếm gặp nhất ở Trung Quốc”.
P.V (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.