Một ba lô nặng báo oằn trên lưng...

Thứ hai, ngày 07/10/2013 07:12 AM (GMT+7)
Những khó khăn của Báo Nông Dân Việt Nam (NDVN)- tiền thân của tờ Nông Thôn Ngày Nay cách đây gần 3 thập niên- giờ không phải ai cũng biết và thấu hiểu. Với độ lùi thời gian, những khó khăn ấy của báo NDVN mà tôi từng trải qua đã trở thành kỷ niệm khó quên.
Bình luận 0
Vất vả phát hành báo

Ấy là vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đó Báo NDVN còn phát hành hàng tháng, có khi hơn 1 tháng báo mới ra, số lượng phát hành chỉ vài ngàn tờ mỗi kỳ. Với chúng tôi hồi ấy, số lượng và định kỳ chưa bức xúc bằng câu hỏi: Làm sao báo tới tay bạn đọc là cán bộ và hội viên nông dân trên khắp mọi miền Tổ quốc? Bấy giờ đang là thời kỳ bao cấp, Công ty Phát hành báo chí T.Ư và phương tiện xe lửa trở thành bạn đồng hành của Báo NDVN. Trong khi đó, Thường trực Trung ương Hội NDVN yêu cầu Ban Biên tập phải xác định Báo NDVN là một kênh thông tin giúp Thường trực Trung ương Hội NDVN chỉ đạo công tác hội và phong trào nông dân.

Những trang báo “Nông Dân Việt Nam”- tiền thân của tờ Nông Thôn Ngày Nay.
Những trang báo “Nông Dân Việt Nam”- tiền thân của tờ Nông Thôn Ngày Nay.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Biên tập báo chủ trương không chỉ phát hành báo qua bưu điện mà phải phát hành qua hệ thống hội. Để hoàn thành nhiệm vụ, đại diện Báo NDVN ở TP.HCM (chưa có văn phòng thường trú) nhanh chóng đặt vấn đề với T 88– văn phòng đại diện Hội NDVN ở phía Nam hỗ trợ chúng tôi xây dựng mối quan hệ với các tỉnh, thành hội phía Nam. Tại các kỳ giao ban của văn phòng hoặc sinh hoạt chi bộ định kỳ, tôi đều tranh thủ nêu kiến nghị với các đồng chí cán bộ hội ở T 88 tham gia tuyên truyền báo Hội, vận động các cấp hội địa phương mua và đọc báo NDVN. Kiến nghị ấy nhận được sự đồng tình cao. Cứ mỗi kỳ in báo xong ở Hà Nội, anh Hoàng Phó Ưởng- Chánh Văn phòng Báo NDVN nhanh chóng chuyển báo từ nhà in ra ga Hàng Cỏ “gửi hàng” vào TP.HCM cho chúng tôi. Tại đầu TP.HCM, chúng tôi thay phiên nhau ra ga Hòa Hưng “đón hàng” rồi chia nhau đưa báo xuống các tỉnh, thành hội ở miền Đông, ĐBSCL nhờ phát hành trong các cấp hội trên địa bàn hội hoạt động.

Nói như trên không có nghĩa việc Hội ND địa phương bán hộ báo đều “xuôi chèo mát mái” như chúng tôi suy nghĩ. Bởi lẽ, dù tỉnh thành hội được T.Ư Hội chỉ đạo “vận động cán bộ, hội viên mua và đọc báo Hội” nhưng ở hầu hết những nơi chúng tôi đưa báo xuống đều nhận được câu trả lời, đại loại: “Hội cơ sở không có kinh phí mua báo”, “Tỉnh hội không có người đưa báo xuống cơ sở”...?Chúng tôi phải tìm những ngôn từ đẹp đẽ nhất để động viên họ tham gia phát hành báo NDVN. Nhiều tỉnh, thành hội phần thương phóng viên Báo NDVN cưỡi xe đò, thức đêm ôm báo xuống tận nơi, phần nể uy tín đồng chí Nguyễn Thành Thơ và cán bộ ở T 88 nên không ít địa phương vui vẻ nhận báo. Có điều, nơi nào cũng ra điều kiện- có dịp xuống huyện (thị) làm việc sẽ kết hợp giao báo. Thôi thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt, miễn NDVN đã có mặt chí ít ở cấp tỉnh (thành) hội. Chúng tôi an ủi động viên nhau như vậy.

Hỏi tên rằng Thái Xuân Kiên...

Trong số những phóng viên Báo NDVN có mặt ở TP.HCM hồi bấy giờ, người tích cực mang báo xuống địa phương nhất phải kể tới anh Thái Xuân Kiên. Anh xuất thân bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trị Thiên. Do bị thương tật ở đầu nên mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc bị sốc vì một lý do gì đấy vết thương tái phát, Kiên thường nói lớn và nổi giận vô cớ. Sau hòa bình, Kiên cộng tác tin bài cho Báo Bình Trị Thiên, sau đó chuyển cả gia đình vào Thuận Hải lập nghiệp, tiếp tục cộng tác với Báo Đảng tỉnh này. Khoảng năm 1987-1988 hay tin Hội NDVN có tờ NDVN, Kiên liều mình mang vợ, con, tài sản lên chiếc xe bò, bắt chú bò ì ạch kéo gần 3 ngày ròng vô huyện Long Thành (Đồng Nai) dựng lều hạ trại mở đầu cuộc mưu sinh đất phương Nam. Cảm phục ý chí tự lực vượt lên chính mình của Thái Xuân Kiên, chúng tôi nhận Kiên vào biên chế của Báo ở TP.HCM. Để tỏ lòng thịnh tình với Báo cộng với nhiệt tình say mê nghề báo, Thái Xuân Kiên sẵn sàng cõng báo NDVN lúc xuống Bến xe Miền Tây, lúc ra Bến xe Miền Đông xếp hàng mua vé xe đò chở báo xuống các tỉnh hội “nhờ bán dùm”. Nên nhớ, thời kỳ này kinh phí đi công tác của phóng viên rất hạn chế, nếu có cũng rất chậm. Đa phần chúng tôi dùng đồng lương ít ỏi làm lộ phí phục vụ công việc bán báo.

Nơi nào cũng ra điều kiện- có dịp xuống huyện (thị) làm việc sẽ kết hợp giao báo. Thôi thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt, miễn NDVN đã có mặt chí ít ở cấp tỉnh (thành) hội. Chúng tôi an ủi động viên nhau như vậy...


Lật trang “Nhật ký làm báo NDVN” ngày ấy, tôi bàng hoàng đọc những dòng đến nay vẫn thấy xúc động khi nói về Kiên: “Sáng nay, vừa đến T 88, Kiên kể trong nước mắt: “Đêm qua em đi xe đò ôm báo đến Hội ND tỉnh HG lúc mới 4 giờ sáng, buồn ngủ quá nằm ngay vỉa hè cửa cơ quan gối đầu lên đống báo ngủ. Sáng ra cán bộ hội đến làm việc em mới giật mình choàng tỉnh. Vất vả quá!”. Hơn một tháng sau, Kiên trở lại tỉnh hội thu tiền bán báo thấy chồng báo anh chuyển xuống vẫn nằm nguyên trên nóc tủ văn phòng nông hội tỉnh này. Với những phóng viên đồng nghiệp khác của Báo NDVN ở TP.HCM được phân công đưa báo xuống địa phương tình hình cũng không hơn gì. Thật là xót xa cay đắng...

Cảm phục nhiệt huyết đồng thời cũng muốn khắc họa phong cách của Thái Xuân Kiên, tôi không nhớ ai đó đã viết mấy câu thơ: “Hỏi tên- rằng Thái Xuân Kiên/Hỏi quê- rằng Bình-Trị-Thiên cũng gần/“Phóng viên xịn” Báo Nông Dân/ Vai đeo máy ảnh, tay cầm ghi âm/Hỏi nghề báo- đã nhiều năm/Một ba lô nặng báo oằn trên lưng…” (trích “Nhật ký làm báo NDVN”).

Làm sao có thể quên một thời vất vả với tờ báo của nhà nông như thế!

Khuynh Diệp (Khuynh Diệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem