Một cá thể đồi mồi dứa cực quý hiếm nặng hơn 19kg được phát hiện tại Hòn Cau, Bình Thuận

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 02/08/2023 18:01 PM (GMT+7)
Chiều 2/8, trao đổi với Dân Việt, đại diện Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau (địa chỉ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) thông tin, đã thả một cá thể đồi mồi dứa cực hiếm, nặng 19,2 kg, dài 48cm, rộng 52cm về môi trường biển tại Hòn Cau.
Bình luận 0

Ngư dân phát cá thể đồi mồi dứa cực quý hiếm mắc vào lưới

Theo ông Bùi Huy Cường, Đội trưởng đội tuần tra Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, trước đó cá thể rùa trên là loài (Lepidochelys olivacea) được ngư dân phát hiện cách đảo Hòn Cau khoảng 2,5 hải lý trong quá trình khai thác trên biển. Theo đó, ngư dân phát hiện cá thể rùa dích lưới nên đã gỡ ra và đem vào bờ bàn giao lại cho Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau. 

Thả 1 cá thể đồi mồi dứa cực quý hiếm về biển Hòn Cau ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Cá thể đồi mồi dứa cực quý hiếm chuẩn bị thả về biển Hòn Cau. Ảnh: KBTB Hòn Cau

Cũng theo ông Bùi Huy Cường, sau khi tiếp nhận, Ban quản lý đã bấm thẻ và mang cá thể đồi mồi dứa thả về với đại dương. Theo Ban QL KBTB Hòn Cau, đồi mồi dứa là cá thể cực quý hiếm, là loài nguy cấp đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở nhiều quốc gia, vì đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Ban QL KBTB Hòn Cau đã tiếp nhận và thả 3 cá thể rùa, đồi mồi quý hiếm về với đại dương. 

Thả 1 cá thể đồi mồi dứa cực quý hiếm về biển Hòn Cau ở Bình Thuận - Ảnh 2.

Đeo thẻ cho Cá thể đồi mồi dứa trước khi thả về biển... Ảnh: KBTB Hòn Cau

Song song đó, Ban quản lý cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền ngư dân, người dân sống trong khu vực thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường biển, bảo vệ môi trường sinh sống của các loài thủy hải sản trong khu bảo tồn để giữ ngư trường, giữ sinh kế cho chính người dân sống nhờ biển.

Thả 1 cá thể đồi mồi dứa cực quý hiếm về biển Hòn Cau ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Đeo thẻ cho Cá thể đồi mồi dứa trước khi thả về biển... Ảnh: KBTB Hòn Cau

Khu bảo tồn biển Hòn Cau, chốn bình yên cho các loài quy hiếm

Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, hiện có khoảng 74 loài thực vật thuộc 67 chi và 38 họ thực vật bậc cao có mạch.

Khu Bảo tồn biển Hòn Cau là một trong 16 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống, thú, chim, bò sát, rùa biển…

Hòn Cau được các nhà nghiên cứu đánh giá có vị trí cực kỳ quan trọng, là ngư trường rộng lớn của Việt Nam.

Clip chuẩn bị thả cá thể đồi mồi dứa cực quý hiếm về biển Hòn Cau. Nguồn: KBTB Hòn Cau

Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập theo Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh với diện tích là 12.500 ha, trong đó diện tích biển là 12.360 ha. Đồng thời, UBND tỉnh cũng thành lập Ban Quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau để tổ chức quản lý các hoạt động trong Khu bảo tồn biển theo quy định.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong khu bảo tồn biển, góp phần bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học biển trong khu bảo tồn biển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem