Một cái chợ độc, lạ ở Sơn La, nhìn trước ngó sau đều thấy bán côn trùng, la liệt đặc sản núi rừng

Thuý Hạnh - Văn Ngọc Thứ ba, ngày 07/05/2024 05:32 AM (GMT+7)
Nhờ bày bán "đặc sản núi rừng", trong đó có bán nhiều loài côn trùng khiến ai lần đầu thấy cũng tỏ ra "phát sợ" đã giúp các tiểu thương, người dân trong chợ Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) nâng cao thu nhập…
Bình luận 0

Ghé thăm chợ côn trùng độc đáo ở Sơn La

Chợ Nà Si thuộc bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn được ví von là chợ côn trùng "nức tiếng" ở Sơn La. 

Ngoài bày bán các loại mặt hàng bình thường như bao ngôi chợ khác, ngôi chợ này còn bày bán đủ các loại côn trùng, ấu trùng khiến nhiều người "sởn gai ốc" như: Châu chấu, bọ xít, ấu trùng chuồn chuồn, ve sầu non, xén tóc...

Chợ côn trùng

Quang cảnh chợ Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) nhộn nhịp vào mỗi buổi chiều. Chợ Nà Si bán nhiều mặt hàng là đặc sản núi rừng Tây Bắc, trong đó phần nhiều là bán các loài côn trùng làm thực phẩm. Ảnh: Thuý Hạnh

Nằm ngay cạnh Quốc lộ 6, cứ mỗi độ chiều về, ngôi chợ này thường tấp nập người ra vào, kẻ bán người mua. 

Vào những ngày cuối tuần, tầm hơn 5 giờ chiều, mỗi khi tan làm đi qua chợ Nà Si, anh Lò Văn Toàn, TP. Sơn La đều ghé vào đây để mua một số loại côn trùng như bọ xít, châu chấu… và trứng kiến để về làm món nhậu, tiếp đãi bạn bè.

Cầm trên tay túi bọ xít và trứng kiến, anh Toàn chia sẻ: "Ở đây có nhiều ngôi chợ nhưng không phải ngôi chợ nào cũng bày bán đủ loại "đặc sản" côn trùng như ở chợ Nà Si. 

Vào dịp cuối tuần, tôi thường hay ghé vào chợ để mua một số loại côn trùng, ấu trùng như bọ xít, châu chấu, trứng kiến, sâu tre… để về chế biến thành các món ăn tiếp đãi bạn bè. 

Giá các những loại côn trùng đặc sản này khá cao, dao động từ 200.000 đồng/kg đến 350.000 đồng/kg. Tuy vậy, những "đặc sản" này cũng chỉ có theo mùa mà thôi".

Chợ côn trùng

Nhiều loại côn trùng khiến nhiều người e ngại nhưng ở chợ Nà Si lại trở thành đặc sản được săn lùng. Trong đó, có bọ xít, trứng kiến, ve sầu... được chế biến thành nhiều món ăn như rang với nước măng chua, rang lá chanh... Khi rang lên ve có vị bùi, thơm ngọt đặc trưng. Ảnh Thuý Hạnh

Người dân có nguồn thu đáng kể từ Chợ côn trùng 

Ngồi cạnh chiếc rổ nhựa đựng xoài và chậu đựng loài côn trùng mà chị Lò Thị Hậu, trú tại bản Nà Si vừa mới bắt được, hễ thấy khách đi qua chị Hậu rối rít mời chào mua hàng. 

Chị Hậu cho biết, đây là con Xén Tóc, được chị bắt được trong vườn mía của gia đình. Mặc dù vậy, số lượng con Xén Tóc này cũng không nhiều nên chị chỉ bắt được tầm 3 – 4 lạng rồi mang ra chợ để bán. Xén Tóc được bán với giá 35.000 đồng/lạng.

Sau một hồi mời chào khách, chị Hậu cũng bán hết được số Xén Tóc mình vừa bắt được, trên mặt chị lộ rõ sự vui mừng

"Từ khi chợ Nà Si bày bán các loại côn trùng, thu nhập người dân bán hàng tại chợ ngày càng được nâng cao", chị Hậu hồ hởi nói.

Chợ côn trùng

Chị Lò Thị Hậu (áo tím xanh) bên cạnh chậu Xén Tóc vừa bắt được.

Cũng như những người bán hàng khác ở chợ, chị Lò Thị Hồng, bản Kẹ Nhừn, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn chọn cho mình một khu vực rộng rãi, đông người qua lại để bày bán các loại "đặc sản" côn trùng mà chị cùng chồng bắt được.

Chợ côn trùng

Vào mỗi buổi chiều, những lúc đông khách chị Hồng có thể thu tiền triệu từ việc bán các loại côn trùng. Ảnh: Thuý Hạnh

Theo chị Hồng, các loại côn trùng chị bán theo mùa, như bây giờ chị bắt bọ xít để bán. Bọ xít chị bán với giá 250.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi buổi chiều chị bán được một vài cân bọ xít. Nếu hôm nào đông khách mua, số tiền chị thu được từ việc bán bọ xít lên cả tiền triệu.

Chợ côn trùng

Ngoài những con côn trùng được bày bán tại chợ, người nơi đây còn bày bán hoa quả theo mùa như mận, xoài...Ảnh: Thuý Hạnh

Ông Cầm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) cho biết, chợ Nà Si đi vào hoạt động vào năm 2013 và chỉ họp vào buổi chiều.

Trước đây, các mặt hàng như rau, củ, quả, côn trùng… chỉ dùng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Từ khi chợ Nà Si đi vào hoạt động, người dân đã đưa những mặt hàng này đi bán và trở thành chợ côn trùng 'nức tiếng" ở huyện Mai Sơn.

"Chợ Nà Si đã trở thành nơi giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hóa của người dân ở địa phương và các vùng lân cận. 

Người dân từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương", ông Quý cho hay.

Chủ tịch UBND xã Hát Lót cho biết thêm, thời gian tới, trong công tác phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xã sẽ quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng chợ Nà Si, từ đó, các mặt hàng bày bán tại chợ ngày càng phong phú, đa dạng hơn, giúp người dân ngày càng có thu nhập ổn định hơn từ việc bán hàng tại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem