Huỳnh Văn Tùng (sinh năm 1985), là con trai lớn trong gia đình. Khi Tùng 7 tuổi thì người cha trong một cơn bạo bệnh đã bỏ lại 3 mẹ con Tùng. Gạt nước mắt, cô Nguyễn Thị Bích một mình tần tảo nuôi 2 con khôn lớn. Nhìn các con trưởng thành, lập gia đình, có con cái, người mẹ cũng phần nào nguôi ngoai thương nhớ chuyện xưa. Thế nhưng, định mệnh nghiệt ngã, người mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ này lại phải chịu cảnh “tre già khóc măng non”.
|
Di ảnh anh Huỳnh Văn Tùng. |
Tùng bắt đầu tham gia hoạt động ở xã từ năm 2006, đến năm 2009 vào lực lượng thường trực và giữ chức vụ tiểu đội trưởng. Anh đã học xong lớp cảm tình Đảng và dự kiến Đảng ủy xã sẽ xét kết nạp vào dịp cuối năm nay. Trong thời gian tham gia chống lũ, Tùng là một trong những đồng chí nhiệt tình, trách nhiệm nhất của xã. Liên tục hơn 10 ngày anh cùng lực lượng của xã tổ chức trực, tuần tra, gia cố đê.
Đồng chí Đặng Chí Sơn- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Thới Sơn bùi ngùi kể lại: “Chiều 26.9, trong lúc đang ăn cơm thì nhận được tin báo một đoạn kênh Phước Điền bị rò rỉ, lãnh đạo xã đề nghị ai ăn cơm xong đến trước để khắc phục.
Đồng chí Tùng đang ăn dở bát liền buông đũa cùng tốp 8 người nhanh chóng đến nơi. Vừa đến, Tùng cởi áo ngay nhảy xuống dò tìm khắc phục dòng chảy. Trong quá trình đó không may bị rắn độc cắn, sau này mới biết là rắn hổ chuối lai, loại rắn cực độc. Mặc dù đã được đưa đi điều trị kịp thời nhưng đến chiều ngày 28.9, đồng chí Tùng đã hy sinh”.
Cô vợ trẻ Nguyễn Thị Hồng Thắm đôi mắt đã quầng thâm cho biết: “Anh Tùng mất đột ngột quá, em vô cùng hụt hẫng, nếu không có 2 đứa con chắc em cũng chết theo anh ấy”.
Được biết, trong thời gian qua, nhiều cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã đến thăm, chia buồn cùng gia đình và hỗ trợ một phần vật chất. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đang kết hợp với các cơ quan chức năng tiến hành hoàn chỉnh thủ tục đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xét tặng danh hiệu liệt sĩ cho dân quân Huỳnh Văn Tùng.
Lê Công Hạnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.