Một gia đình nghèo đến mức kẻ trộm cũng phải... động lòng

Công Xuân (Dòng đời) Chủ nhật, ngày 23/11/2014 08:00 AM (GMT+7)
Tính đến thời điểm này, chị Thành là đời thứ 3 sinh sống trong khuôn viên đền Văn Thánh, thuộc thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Nằm tạm bợ ở góc phía đông bắc khuôn viên của đền là ngôi nhà, với diện tích chỉ khoảng 10m2 của 3 mẹ con chị Thành. 
Bình luận 0

Cùng thầy Trịnh Minh Tường - Hiệu trưởng Trường THCS Đức Chánh, xã Đức Chánh chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Thành (SN 1971), ở đội 7, thôn 3, cùng xã vào một ngày giữa tháng 11. Sau gần 20 phút chạy xe máy dọc theo Quốc lộ 1A hướng về phía trung tâm huyện, rồi rẽ vào con đường liên xã đến giữa cánh đồng thôn 3; đưa tay chỉ vào khu đất rộng ước 2.000m2 được cây cối bao bọc xung quanh nằm giữa cánh đồng, thầy Tường cho biết: Đó là Đền Văn Thánh, cũng là nơi mà gia đình chị Thành trú ngụ từ mấy chục năm qua. Dẫn vào nơi ở của gia đình chị Thành là những con đường bờ ruộng ngang dọc, cho nên phải mất cả chục phút loay hoay để xác định, chúng tôi mới vào được. 

Ba đời “gửi phận” ở đền Văn Thánh

Dù đã nghe kể về sự khốn khó của gia đình này và cũng chứng kiến không ít cảnh nghèo khó ở các vùng quê trong tỉnh; thế nhưng khi tận mắt nhìn thấy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng đến xót xa. Nằm tạm bợ ở góc phía đông bắc khuôn viên của đền là nơi ở, với diện tích chỉ khoảng 10m2 của 3 mẹ con chị Thành. 

img Mẹ con chị Thành.

Gọi là nhà cho nó oai, chứ sự tạm bợ và ọp ẹp của nó trông giống như một cái chuồng nuôi gia súc: Mái lợp là những tấm tôn đã han gỉ; còn tường là những tấm bạt ni lông cũ được chắp vá. Sau một thời gian đứng che mưa, che nắng ngôi nhà hiện xiêu vẹo như người ốm nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vì vậy so về sự vững chãi thì còn kém xa hơn rất nhiều với cái chuồng nuôi gia súc. Nhiều đêm đang ngủ thì bất ngờ gió, mưa ầm ầm ập đến, chị Thành giật mình tỉnh giấc, nhìn căn nhà đung đưa như sắp đổ nên vội vàng lay 2 đứa con dậy và ra mở cửa, rồi cả 3 dắt díu nhau chạy thục mạng trong màn đêm để ra cổng đền ẩn nấp, dù nơi đây cũ nát chứ không  chắc chắn gì.

Còn bên trong nhà, ngoài chiếc bàn thờ kê ở  giữa; 2 cái giường ngủ ở 2 bên cũng rệu rã như chính ngôi nhà thì gia tài đáng giá nhất của 3 mẹ con là chiếc tivi trị giá khoảng 500.000 đồng. Nói về cái nghèo của chị Thành, nhiều người dân trong vùng còn kể, cách đây không lâu, nhân lúc mấy mẹ con chị Thành vắng nhà, kẻ trộm đã lẻn vào và lấy đi chiếc ti vi. Biết chuyện nên một số người trong vùng mắng nhiếc “nghèo đến tận mạt như nó mà trộm cũng không tha”. Không biết có phải do nghe những lời trên hay vì động lòng khi biết gia cảnh của mấy mẹ con chị Thành mà hôm sau, tên trộm đã mang chiếc tivi trả lại cho gia chủ (?)

Ba đời làm “gác đền” bất đắc dĩ

Khi nghe hỏi về lý do “gửi phận” vào đền và vì sao đến nay mấy mẹ con không tìm nơi trú ngụ khác, chị Thành lắc đầu buồn rầu: Tôi không biết và cũng chưa từng hỏi người thân về chuyện này. Mà hỏi để làm gì, có thay đổi được đâu, chị Thành bộc bạch. Theo lời chị Thành thì khi chị được sinh ra đã thấy ông ngoại và cha mẹ ruột của mình sống ở đây rồi. Và cũng như mấy mẹ con của mình hiện giờ, cuộc sống của họ cũng chỉ dựa vào 1,5 sào ruộng được chia và tiền công đi làm thuê. 
img Chị Thành bên ngôi nhà của mình.

Nói về cuộc đời của mình, chị Thành kể: Năm 32 tuổi, thấy cuộc sống gia đình quá khó khăn nên đã rời quê lên Gia Lai để làm thuê. Trong thời gian ở đây, vào năm 2000 thì gặp người đàn ông có cùng cảnh ngộ nên đã cưới nhau và sinh được 2 người con gái là Phạm Thị Dung (sinh 2001) và Phạm Thị Hồng Hạnh (sinh 2003). Đến năm 2005, do cha mẹ già yếu nên sau khi được người anh ruột yêu cầu, chị Thành đưa con rời quê chồng về sống tại đây để chăm sóc cha mẹ. Sau khi mẹ mất vào năm 2012, rồi đến lượt cha qua đời vào năm 2013, thì 3 mẹ con tiếp tục cư ngụ ở nơi này. Riêng người anh trai ruột trước đó đã được địa phương cấp đất và hỗ trợ làm nhà nên không còn phải sống trong đền. 

Người chồng thì hiện vẫn sống ở Gia Lai. Thế nhưng điều kiện kinh tế cũng tạm bợ và quá khó khăn cho nên cứ cuối năm chồng chị mới về thăm con và ở lại 1 ngày rồi đi. Còn tiền bạc thì mỗi năm chồng gửi về 1-2 lần, với số tiền 500-700.000 đồng/lần, chị Thành cho biết. Với điều kiện như vậy nên giờ mấy mẹ con theo lên đó có khi còn khổ hơn ở dưới này, chị Thành giãi bày. Vẫn biết đền đã được nhà nước quy hoạch và công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nên việc cư ngụ trong này là bất hợp pháp, thế nhưng nếu ra ngoài thì biết ở đâu, thôi thì khi nào người ta đuổi rồi hẵng hay. 

Để duy trì cuộc sống hàng ngày cho mấy mẹ con, ngoài 1,5 sào đất trồng lúa, chị Thành làm bất cứ thứ gì mà người dân trong vùng thuê: Từ giặt lúa, làm cỏ, cho đến bơm thuốc trừ sâu... với mức tiền công từ 50-100.000 đồng/ngày. Thế nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm, vì vậy nhiều khi bữa ăn của 3 mẹ con chỉ là rau, cháo và tôm tép bắt được ngoài đồng.

Ước mơ dưới cổng đền của 2 đứa bé nghèo

Không như nhiều gia đình khác, cuộc sống tuy cùng cực thế nhưng 2 con của chị Thành cũng đã nhận thức được hoàn cảnh của mình nên đã cố gắng học hành. Nhà không có bàn ghế và cũng quá chật chội, cho nên suốt mấy năm qua góc học tập của 2 chị em Dung, Hạnh là nền đất sét dưới vòm cổng đền ở phía trước nhà. Nói về ước mơ của mình, em, hiện học lớp 8 Trường THCS Đức Chánh không giấu giếm: Em thích sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo như em. Còn với bé Hạnh, đang học lớp 6, cùng trường với chị thì ước mơ giản dị hơn: Đó là trở thành cô giáo và dạy học ở gần nhà để có điều kiện giúp đỡ cho mẹ. Mơ ước về việc làm cho tương lai thì khác nhau, thế nhưng cả 2 đều có mục đích giống nhau, đó là có 1 công việc ổn định để có thể dành dụm được tiền xây một ngôi nhà nhỏ cho 3 mẹ con ở chứ không phải sống nương nhờ trong đền như bây giờ. Tuy học lực không phải là xuất sắc, thế nhưng 2 chị em Dung, Hạnh đều ngoan và chăm học, thầy Tường cho biết. Thương cho hoàn cảnh nghèo khó của 2 em, ngoài chuyện miễn giảm toàn bộ các khoản học phí, đóng góp các thầy cô trong trường còn góp tiền để hỗ trợ giấy, bút... cho Dung và Hạnh. 
img Nền đất dưới mái vòm đến, “góc” học tập của 2 đứa con chị Thành.

Về phía chính quyền địa phương, ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: “Nơi gia đình chị Thành đang sống thuộc khuôn viên của Đền Văn Thánh, hiện đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Việc hỗ trợ kinh phí để xây nhà là không khó, thế nhưng do nhiều nguyên nhân nên xã Đức Chánh chưa bố trí được đất để làm nhà cho 3 mẹ con chị Thành. Sau buổi làm việc này, tôi sẽ chỉ đạo cho chính quyền xã Đức Chánh khẩn trương tìm, xây nơi ở mới cho mẹ con chị Thành.” 
Hoàn cảnh gia đình chị Thành rất khốn khổ, cần có đất và tiền để xây dựng một ngôi nhà ở ổn định. Vì thế, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ cho mẹ con chị Thành. Mọi sự chia sẻ xin gửi về địa chỉ Trần Thị Thành (SN 1971), đội 7, thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi hoặc BBT báo Dòng Đời - báo Nông Thôn Ngày Nay, 13 Thụy Khuê, Hà Nội, Tài khoản 1506311002117 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Tây Hồ, Hà Nội. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem