Một Giám đốc doanh nghiệp trẻ ở Thái Nguyên đưa dầu lạc thành sản phẩm OCOP

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 04/01/2024 18:46 PM (GMT+7)
Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, quyết định về quê làm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thú y, nhưng sau đó do gặp vấn đề sức khỏe, anh Hưởng đã quyết định gắn bó với công việc sản xuất dầu lạc để phục vụ mình và những người mắc bệnh giống mình.
Bình luận 0

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Đinh Xuân Hưởng (SN 1989), xã Vạn Phái, TP.Phổ Yên, Thái Nguyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thú y. Đến năm 2021, do gặp vấn đề về sức khoẻ, anh đã quyết định nghỉ công việc này và về nhà tìm tòi, nghiên cứu cách thức chế biến dầu lạc để phục vụ cho bản thân và những người mắc bệnh tiểu đường giống mình.

Anh Đinh Xuân Hưởng giới thiệu với PV báo Dân Việt về quy trình sản xuất dầu lạc của đơn vị mình. Clip: Hà Thanh

Anh Hưởng chia sẻ, dầu lạc có rất nhiều công dụng hỗ trợ những người mắc các bệnh về mỡ máu, tim mạch, xương khớp, tiểu đường… Trong quá trình đi tìm hiểu tại Quảng Trị, nhận thấy người dân trong đó sử dụng sản phẩm dầu có nguồn gốc từ thực vật này tương đối nhiều nên anh Hưởng đã quyết định về chế biến, sản xuất loại dầu này.

Tháng 10/2022, anh Hưởng chính thức thành lập doanh nghiệp, mở xưởng sản xuất dầu lạc và đi vào hoạt động để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, ban đầu khi mới đưa ra thị trường, sản phẩm của anh không được khách hàng chấp nhận vì giá thành cao và do nhiều người chưa biết đến giá trị mà sản phẩm mang lại nên chỉ có rất ít người sử dụng sản phẩm này.

Một Giám đốc doanh nghiệp trẻ ở Thái Nguyên đưa dầu lạc thành sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Anh Đinh Xuân Hưởng, xã Vạn Phái, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên chính thức mở xưởng sản xuất dầu lạc từ cuối năm 2022. Ảnh: Hà Thanh

Trước thực tế đó, anh đã tiếp tục tìm kiếm thị trường, tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn. Dần dần, khi mọi người biết được chất lượng và công dụng của dầu lạc mang lại thì số lượng người sử dụng sản phẩm dầu của anh ngày một nhiều lên.

Anh Hưởng cho biết: Khác với thói quen của một số tỉnh miền trong chủ yếu ép dầu lạc cả vỏ nên chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, trước khi ép có nhiều đơn vị sử dụng lạc sống để ép nên chất lượng dầu không ngon và có mùi ngái. 

Với xưởng sản xuất của anh Hưởng, trước khi đưa vào ép dầu, lạc được bóc vỏ và nhặt sạch sẽ để loại bỏ những hạt bị hỏng, sau đó rang chín khoảng 70 – 80% để dầu khi ép ra được thơm ngon. Bên cạnh đó, việc rang lạc trước khi ép sẽ giúp hơi nước trong lạc được khô kiệt nên khi dầu ép ra có thể bảo quản trong thời gian lâu hơn. Do đó, thời gian sử dụng dầu lạc có thể kéo dài lên tới 2 năm.

Một Giám đốc doanh nghiệp trẻ ở Thái Nguyên đưa dầu lạc thành sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Lạc trước khi đưa vào ép dầu được chọn lựa kỹ càng, nhặt sạch sẽ và loại bỏ những hạt bị hỏng. Ảnh: Hà Thanh

Hiện, anh Hưởng đang liên kết với các HTX và Tổ hợp tác ở trong vùng và một số tỉnh lân cận để thu mua lạc về sản xuất với sản lượng thu mua trung bình mỗi tháng từ 12 – 15 tấn lạc vỏ.

Trung bình cứ 2 – 2,5kg lạc nhân sẽ cho ra 2 lít dầu. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Hưởng đưa ra thị trường khoảng 65.000 – 70.000 lít dầu lạc (tương đương khoảng 140 tấn lạc vỏ) với giá bán 120.000đ/lít.

Một Giám đốc doanh nghiệp trẻ ở Thái Nguyên đưa dầu lạc thành sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Sản phẩm được bán với giá 120.000đ/lít. Ảnh: Hà Thanh

Với công suất như vậy, đơn vị thường sử dụng khoảng 3 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng và 10 – 15 lao động thời vụ tham gia sản xuất, chế biến với ngày công khoảng 200.000đ/người.

Năm 2023, sản phẩm dầu lạc Đức Nam của Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông sản Đức Nam đã được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Một Giám đốc doanh nghiệp trẻ ở Thái Nguyên đưa dầu lạc thành sản phẩm OCOP- Ảnh 4.

Năm 2023, sản phẩm dầu lạc Đức Nam của Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông sản Đức Nam đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Hà Thanh

Đến nay, sản phẩm dầu lạc của đơn vị đã có mặt ở nhiều nhà phân phối trên địa bàn TP.Phổ Yên, các huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên cũng như được đưa vào hệ thống siêu thị Aloha trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và 18 tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Vũng Tàu, Sơn La, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Ngoài việc quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, theo anh Hưởng trong thời gian tới đơn vị dự định sẽ đưa sản phẩm lên một số sàn thương mại điện tử để tăng sự kết nối, quảng bá đến nhiều người tiêu dùng hơn, từ đó giúp sản phẩm phủ sóng rộng rãi trên thị trường.

Trong thời gian tới đơn vị sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất và nhận gia công cho một số đơn vị đang có nhu cầu đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem