Con vật nuôi này ở một huyện của Thái Bình đang bị bệnh gì mà ngành chức năng khoanh vùng?

Thứ bảy, ngày 25/05/2024 08:25 AM (GMT+7)
Xuống giống nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm vụ xuân hè trong tháng 4 nhưng hiện nay một số diện tích nuôi tôm của xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã xuất hiện bệnh đốm trắng làm tôm chết hàng loạt.
Bình luận 0

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) tích cực chỉ đạo xã Đông Minh phối hợp với ngành chuyên môn thực hiện các biện pháp xử lý môi trường để bệnh đốm trắng không lây lan ra diện rộng.

Con vật nuôi này ở một huyện của Thái Bình đang bị bệnh gì mà ngành chức năng khoanh vùng?- Ảnh 1.

Diện tích nuôi tôm của các hộ dân thôn Minh Châu, xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Bệnh đốm trắng khiến tôm chết tại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản tại thôn Minh Châu, xã Đông Minh mấy ngày qua. Các hộ dân đang tích cực thực hiện các biện pháp khống chế bệnh đốm trắng không để lây lan ra diện rộng.

Ông Cao Văn Thế cho biết: Tôi xuống giống tôm vụ xuân hè từ ngày 16/4 với diện tích 1.000m2. Trước khi xuống giống, tôi đã xử lý môi trường ao nuôi như khử trùng nguồn nước, diệt tạp; tuy nhiên, mấy ngày qua tôi ra kiểm tra ao nuôi thấy hiện tượng tôm chết rải rác. 

Ngay khi có hiện tượng tôm chết bất thường tôi đã báo cáo chính quyền địa phương để lấy mẫu xét nghiệm nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt. Hiện tôi đã xử lý môi trường ao nuôi và tiêu hủy tôm chết theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Ngoài gia đình ông Thế, một số ao nuôi tôm của các hộ dân ở hai thôn Ngải Châu, Thanh Lâm cũng đã xuất hiện bệnh đốm trắng làm tôm chết hàng loạt.

Ông Trương Xuân Hội, Giám đốc HTX SXKD thủy sản Hải Châu, xã Đông Minh cho biết: Diện tích vùng đầm của xã Đông Minh đạt 110ha. 

Hầu như năm nào bệnh đốm trắng cũng xảy ra trên diện tích tôm mới thả. Vụ nuôi tôm năm nay, bệnh đốm trắng xuất hiện sớm hơn ở diện tích ao nuôi của 12 hộ dân tại các thôn Ngải Châu, Minh Châu, Thanh Lâm với diện tích 8.177m2, số lượng tôm thiệt hại 22 vạn con. 

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh đốm trắng chủ yếu do giai đoạn này đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn trong khi hầu như các ao nuôi có tôm chết đều có độ sâu hạn chế nên khi trời nắng và mưa xuống làm tôm bị sốc nhiệt, tạo thuận lợi cho bệnh đốm trắng phát sinh. 

HTX đã phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tăng cường tuyên truyền các hộ có biện pháp bảo vệ diện tích nuôi tôm, xử lý môi trường ao nuôi để bệnh đốm trắng không lây lan diện rộng.

Theo bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải, bệnh đốm trắng trên tôm ở xã Đông Minh có khả năng lây lan rộng nếu chính quyền địa phương không tập trung xử lý dứt điểm thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. 

Nguyên nhân ban đầu tôm chết hàng loạt được xác định do thời tiết nắng nóng, trời mưa đột ngột tạo môi trường thuận lợi cho bệnh đốm trắng trên tôm phát sinh. Bệnh đốm trắng trên tôm hiện vẫn chưa có thuốc chữa trị nên công tác phòng, chống, xử lý môi trường ao nuôi hết sức quan trọng. 

Đối với các ao đã thả giống và chưa có dấu hiệu bệnh, cần chăm sóc, quản lý theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, đặc biệt phải bảo đảm độ sâu nước ao nuôi tối thiểu 1,2m. 

Cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp, không dùng thức ăn tươi sống, tăng cường bổ sung vitamin C vào thức ăn tổng hợp và một số khoáng chất vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm. 

Điều chỉnh các yếu tố môi trường như độ mặn, pH phù hợp. Dùng lưới chắn rào xung quanh bờ để ngăn chặn động vật trung gian mang mầm bệnh từ ngoài vào, xử lý nguồn nước ở ao chứa trước khi cấp vào ao nuôi bằng hóa chất Chlorine...

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Sau khi phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm, huyện đã phân công cán bộ trực tiếp phối hợp với địa phương kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác minh, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh. 

Trong đó, tập trung khoanh vùng dịch, tiến hành tiêu hủy toàn bộ tôm chết bằng hóa chất Chlorine. Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh đốm trắng, huyện tập trung cao cho công tác chỉ đạo khống chế dịch bệnh, phân công cán bộ giám sát tại các vùng có bệnh đốm trắng, tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây, đồng thời báo cáo tình hình bệnh đốm trắng theo quy định. 

Huyện đã chỉ đạo xã Đông Minh nhanh chóng huy động vật tư, hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh, khử trùng khu vực nuôi, đồng thời thông báo rộng rãi cho các hộ nuôi trong vùng nuôi khác chủ động phòng ngừa dịch bệnh thông qua việc vệ sinh ao hồ, loại bỏ động vật trung gian gây bệnh như: cua, còng, ốc tự nhiên. 

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tại các vùng chưa xảy ra dịch bệnh, khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, cùng nhau bảo vệ môi trường vùng nuôi, tránh lây lan từ hộ này sang hộ khác. 

Về phía người nuôi tôm, cần lưu ý theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết, các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như pH, độ mặn, oxy hòa tan, nhiệt độ, màu tảo... để có các biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường biện pháp bảo vệ ao như: rào lưới chắn quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. 

Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo chính quyền địa phương hoặc ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác tôm chết, bị bệnh ra môi trường.

Mạnh Thắng (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem