Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mong muốn tạo ra một sản phẩm có thể bán được là ấp ủ của chị Phượng từ ngày còn ngồi trên giảng đường đại học. Chị Liêu Thị Kim Phượng - Giám đốc HTX Vườn lan Việt (sinh năm 1986, TP.Thủ Đức, TP.HCM) muốn nghiên cứu ra sản phẩm có thể bán được và có giá trị cao.
Do hoa lan của nông dân sản xuất ra chỉ bán được ở mức 30.000 đồng, không mang lại thu nhập cao, chị Phượng nghĩ nếu muốn tăng giá trị của cây hoa lan lên thì cần thêm vào đó một cái gì thật lạ.
Lúc bấy giờ, chị Phượng mạnh dạn nói với nông dân rằng mình có thể bán hoa lan với giá 100.000 đồng - cao gấp 3 lần giá người dân thường bán.
Qua quá trình không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu, chị Phượng đã lai tạo và sản xuất thành công giống lan Dendrobium.
Lúc đầu, chị gặp phải không ít phản đối từ phía gia đình, bạn bè cũng như thầy cô. Nhưng vẫn rất cương quyết, chị lên đường sang Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm.
Nhờ sự tìm tòi, học hỏi cũng như quyết tâm lai tạo giống lan Dendro, chị Liêu Thị Kim Phượng đã góp phần mở ra cánh cửa mới cho thị trường hoa lan Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã lai tạo được hơn 200 mặt bông, đặc biệt là các dòng Dendro nắng, Dendro màu, Dendro chớp…
Sau khi làm thành công vườn lan cho bản thân, cuối năm 2020, dưới sự tư vấn của lãnh đạo Hội Nông dân quận 9 (cũ), chị quyết định mở HTX để chia sẻ mô hình trồng lan dendro đến nhiều người hơn.
Hội Nông dân TP Thủ Đức đánh giá mô hình trồng hoa lan tại HTX Vườn lan Việt là một mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của TP.Thủ Đức nói riêng và TP HCM nói chung. Hoạt động trồng hoa lan đem lại thu nhập cao cho các thành viên.
HTX trồng hoa lan là mô hình phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM trong thời gian tới.
Không may, dịch Covid-19 ập đến. Đây là khó khăn lớn nhất với HTX và tưởng chừng như mọi thứ sẽ đổ vỡ hết khi hàng hóa không thể lưu thông.
Cây giao tới tay khách hàng hư hỏng hết, không tạo ra được lợi nhuận, phải gánh chi phí vận hành.
Lúc bấy giờ, chị Phượng rất chán nản và muốn buông xuôi tất cả, nhưng Hội Nông dân đã thắp lên cho chị một tia hy vọng.
Trước đó, chị Phượng nghĩ việc làm của mình chẳng ai để ý nhưng không ngờ vẫn luôn có Hội Nông dân dõi theo mình, ghi nhận những nỗ lực của mình. Và những sản phẩm đầu tiên sau thí nghiệm của chị và HTX Vườn lan Việt, Hội Nông dân cũng là những người đầu tiên đón nhận nó.
HTX Vườn lan Việt do chị Liêu Thị Kim Phượng thành lập với 11 thành viên. Ngoài khu vực TP.HCM, thành viên HTX còn phân bố ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp.
Dự án "Hoa lan Dendrobium - Bước phát triển mới trong nông nghiệp đô thị" của chị Phượng lọt vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9-2023. Hoa lan được ví như loài "hoa quý tộc". Người xưa có câu, "vua chơi lan, quan chơi trà". Ảnh: NVCC.
Theo chị Phượng, chị mở HTX nhằm phát triển ngành dendro mạnh hơn, lớn hơn và đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm lượng giống nhập khẩu từ Thái Lan như trước đây. Đồng thời đem lại thu nhập cho bà con nông dân, thành viên HTX.
Để chia sẻ kiến thức cho các thành viên, chị Kim Phượng thường xuyên tổ chức các lớp học, buổi chia sẻ tại Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân.
Tại đây, các thành viên được chia sẻ về cách lấy hạt, xử lý trong phòng lab, đưa vào chai và cuối cùng là ra được cây pot.
Công việc trồng và chăm dưỡng lan đòi hỏi nhiều kiến thức, có hiểu biết chuyên môn về công nghệ nông nghiệp.
Chị Phượng, ở TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh đang theo dõi cây hoa lan giống trong chai. Ảnh: NVCC.
Hiện nay, vườn của chị Kim Phượng nhận cung cấp cây ươm trong chai cho vườn của các thành viên HTX.
Từ cây trong chai, nhà vườn ươm ra, tạo thành cây pot HTX sẽ tiến hành thu mua lại. Đối với những thành viên mới, HTX cho phép lấy cây giống về trồng, ra sản phẩm bán được tiền, sau đó mới hoàn vốn lại cho HTX.
Hồi trước, chị Phượng chỉ mong muốn sao cho HTX của mình phát triển thật vững mạnh, tạo ra giống cây cho Việt Nam. Giờ đây, tham vọng của chị cũng như HTX Vườn lan Việt đã lớn hơn. Chị muốn đưa sản phẩm hoa lan Việt Nam ra với thị trường quốc tế.
Ngoài cách bán hàng truyền thống, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các kênh online, mở các dịch vụ cắm hoa theo yêu cầu, đa dạng mẫu mã để tiếp cận thị trường sâu hơn.
Chị Phượng cho biết, hiện tại HTX đang bán hàng qua các kênh như trang web, Shopee, Lazada và Facebook. Hiện nay, những sản phẩm được HTX Vườn lan Việt bán qua nền tảng online chủ yếu là hoa lan giống và các chậu lan cắm sẵn.
Một góc hoa lan-loài hoa quý tộc đang khoe sắc tại HTX Vườn lan Việt, TP Thủ Đức thuộc TP HCM. Ảnh: Hà Xa.
“Việc bán hàng online đã giúp HTX rất nhiều trong khâu thương mại sản phẩm. Nhờ thương mại điện tử, những sản phẩm cây giống của HTX đã đi đến khắp nơi trên cả nước. Thậm chí có những sản phẩm đã bán sang tận nước Úc. Một số người Việt ở Mỹ cũng đã đặt vấn đề với mình”, chị Phượng tâm sự.
Hiện, HTX Nông nghiệp Vườn lan Việt có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Phần lớn doanh thu của HTX đều từ bán hàng thông qua sàn giao dịch điện tử.
Năm 2023, chị Phượng được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc. Năm nay, HTX nông nghiệp Vườn lan Việt là 1 trong 63 HTX được bầu chọn HTX nông nghiệp tiêu biểu của năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.