Một HTX trồng sầu riêng ở Bình Phước, cây nào cũng gắn mã QR, quét điện thoại là 'lộ' mọi thông số

Thứ hai, ngày 26/02/2024 13:36 PM (GMT+7)
Trước xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Bình Phước đang có không ít nông dân chủ động tham gia vào kinh tế số để tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản. Với tư duy mới, cách làm mới, những nông dân, doanh nhân thời công nghệ số đã mạnh dạn bước vào cuộc chơi số.
Bình luận 0

Tư duy chủ động áp dụng kinh tế số 

Ở Hợp tác xã (HTX) sầu riêng Long Bình, huyện Phú Riềng của tỉnh Bình Phước, mỗi cây sầu riêng đều được gắn mã QR. Chỉ cần đưa điện thoại thông minh vào quét mã, mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… đều được minh bạch.

24 thành viên HTX cũng đã chủ động số hóa vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 72 ha. Trong số đó đã có 40 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

“Có mã vùng trồng, sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, không lo bị ép giá như trước. Trước đây, chúng tôi làm nông theo kinh nghiệm “cha truyền con nối” thì nay đã tham gia HTX thì dù trẻ hay lớn tuổi đều biết xây dựng nhật ký điện tử - công cụ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp từ phần mềm AutoAgri, giúp minh bạch hóa từ khâu sản xuất cho tới người tiêu dùng. Sầu riêng nay đã có đầu ra ổn định, xuất khẩu giá tốt không sợ thương lái ép giá nên tôi tập trung chăm sóc để trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Đặc biệt là kiểm soát tốt các loại dịch hại thực vật theo quy định của cơ quan cấp mã số vùng trồng” - chị Ngô Thị Nga, thành viên HTX sầu riêng Long Bình chia sẻ.

Một HTX trồng sầu riêng ở Bình Phước, cây nào cũng gắn mã QR, quét điện thoại là 'lộ' mọi thông số- Ảnh 1.

Mỗi cây sầu riêng ở HTX Sầu Riêng Long Bình, huyện Phú Riềng, đều được gắn mã QR để minh bạch thông tin từ khâu trồng đến thu hoạch.

Canh tác nông nghiệp có sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ đã đưa năng suất 1 ha sầu riêng của HTX đạt từ 8-20 tấn. Lợi nhuận trung bình đạt từ 700 triệu tới 1 tỷ đồng/ha. Để xuất khẩu sầu riêng lâu dài, bền vững, tránh rủi ro, theo các thành viên, sầu riêng phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nghiêm ngặt, tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu và các điều kiện kiểm dịch…

Anh Nghiêm Văn Nam, Phó Giám đốc HTX sầu riêng Long Bình cho rằng: Khi quy trình trồng được số hóa, khách hàng quét qua điện thoại thông minh là có thể tra cứu được toàn bộ quy trình sản xuất, thông tin của sản phẩm. Đây là bước đầu tiên để nông dân thay đổi chiến lược sản xuất trong thời điểm mọi thông tin đều được công khai.

Trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đã mở ra cơ hội lớn cho nông dân nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Thách thức ở đây là phải duy trì và tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc đối với vùng trồng đã được cấp mã số trong suốt quá trình sản xuất. Trong năm nay, HTX phấn đấu năng suất, sản lượng thu hoạch đạt 450 tấn. Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân nêu cao tinh thần trung thực trong sản xuất, kinh doanh, tạo uy tín ngày càng cao để đứng vững trên thị trường trong nước và thế giới.

Một HTX trồng sầu riêng ở Bình Phước, cây nào cũng gắn mã QR, quét điện thoại là 'lộ' mọi thông số- Ảnh 2.

2 ha sầu riêng của gia đình chị Ngô Thị Nga (phía trong), thành viên HTX sầu riêng Long Bình, huyện Phú Riềng được chia lô, ghi số và gắn mã QR.

Công nghệ là trợ thủ

Để tiết kiệm chi phí trong sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước đã phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản. Thời gian gần đây, HTX triển khai thêm phần mềm dự báo thời tiết cài đặt trên điện thoại thông minh giúp nông dân dự báo từ sớm, từ xa tình hình thời tiết, hỗ trợ rất lớn cho việc bón phân, phun thuốc vườn cây. 

“Phần mềm sẽ tự động kết nối đến máy chủ, đồng thời cập nhật tình hình thời tiết hiện tại của địa phương cũng như nhiệt độ ngoài trời, tình trạng thời tiết nắng, mưa, có mây và thậm chí cả áp suất không khí và tốc độ, hướng gió. Điều này giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất” - anh Phạm Long Quân, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng chia sẻ.

Trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) để bán hàng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Toàn tỉnh đã có 54.537 tổ chức, cá nhân có tài khoản mua bán hàng trên 2 sàn postmart.vn và voso.vn với 1.182 sản phẩm được đăng ký bán trên sàn. Ngoài ra, có khoảng 215 đơn vị tham gia sàn, với 370 sản phẩm trưng bày trên sàn giao dịch TMĐT tỉnh.

Một HTX trồng sầu riêng ở Bình Phước, cây nào cũng gắn mã QR, quét điện thoại là 'lộ' mọi thông số- Ảnh 3.

Cửa hàng kết nối, phân phối sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền (S’tiêng Farm) Bình Phước đã đưa lên kệ hàng thương mại điện tử với hơn 400 nhãn hàng và 150 sản phẩm.

Với hơn 300 loại cẩm cù được đưa lên sàn TMĐT, đang mang về cho anh Đỗ Văn Phúc ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập hàng trăm triệu đồng lợi nhuận mỗi tháng. Với lợi thế của người trẻ, thành thạo internet, việc tiếp cận công nghệ thông tin với anh Phúc không quá khó. Kinh doanh online mang lại hiệu quả tối ưu về thời gian lẫn không gian. Tranh thủ thời gian rảnh ở nhà thao tác bằng điện thoại hoặc máy tính để đăng bài, quảng cáo và giao dịch với khách hàng. Cho dù khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể đặt hàng, thanh toán và nhận hàng thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh với chi phí vận hành thấp, doanh thu ổn định.

Anh Phúc cho biết: Mình đã nghiên cứu và đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, đặc biệt là Shopee, Lazada và đã trở thành shop yêu thích. Ngoài ra, hoa cẩm cù đã định hình được trên bản đồ của sàn hoa FMB. Mình cũng đã liên kết với phần mềm iCheck, phần mềm này cho phép người mua biết được sản phẩm có nguồn gốc từ đâu và sản xuất trong thời gian bao lâu, đặc tính sinh trưởng của hoa. Ngoài ra, mình cũng tận dụng các nền tảng như TikTok hoặc YouTube, tập trung sản xuất video ngắn hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa. Đó cũng là cách để quảng bá sản phẩm sâu rộng hơn.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp rất tích cực chuyển đổi số, từ việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành. Nhiều HTX, nông dân mạnh dạn đầu tư tiền tỷ ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào sản xuất như: Sử dụng máy bay không người lái; đầu tư những công nghệ hiện đại trong khâu bảo quản, chế biến nông sản… đã mang đến làn gió mới cho nông nghiệp.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh: Những doanh nghiệp, nông dân, HTX áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất đều cho năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cao hơn canh tác truyền thống. Cùng với sự hình thành các chuỗi sản xuất, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp, nông dân trong tỉnh đã từng bước số hóa vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc.

Bao lâu nay, tư duy làm nông nghiệp kiểu “xu thời”, manh mún, nhỏ lẻ… là một trong những điểm yếu lớn nhất cản trở sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp. Trước thách thức, vận hội mới, nông dân trong tỉnh đang sẵn sàng tư duy mới để linh hoạt nắm bắt, đặc biệt là biết “nắm tay nhau” để tạo nên những thương hiệu chung cho nông sản Bình Phước đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ngân Hà (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem