Trăm năm một làng ở An Giang làm nghề vẽ tranh gì mà tới nay vẫn bán được hàng?

Hồng Cẩm Thứ sáu, ngày 29/03/2024 05:43 AM (GMT+7)
Làng nghề tranh vẽ kiếng (tranh vẽ trên kính) ở huyện Chợ Mới là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở An Giang.
Bình luận 0

Trải qua gần trăm năm thăng trầm, làng nghề vẫn được những nghệ nhân tâm huyết giữ gìn và phát huy. Đến nay dù ở thời đại 4.0 nhưng tranh vẽ kiếng vẫn là loại tranh được người dân miền Nam chọn lựa treo làm tranh thờ ở mỗi căn nhà.

Theo người dân ở Cù Lao Ông Hổ (ấp Long Tân, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), làng nghề tranh vẽ kiếng xuất hiện ở vùng An Giang khoảng vào những năm 1940 và phát triển mạnh ở vùng Cù lao Ông Hổ. Trải qua những thăng trầm lúc thịnh lúc suy, từ hàng trăm hộ làm nghề đến nay chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề truyền thống này.

Ở Chợ Mới, An Giang nói riêng, khắp các tỉnh Nam Bộ nói chung, người dân có truyền thống thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ chư Phật, Bồ tát, mỗi nhà đều có bàn thờ để thể hiện lòng kính ngưỡng, niềm tin tôn giáo. Vì vậy, tranh thờ trở nên cần thiết đối với mọi gia đình ở nông thôn để tôn trí cho không gian tâm linh, vừa tạo thẩm mỹ cho nội thất căn nhà. Tranh kiếng vì thế mà được yêu thích.

Trăm năm một làng ở An Giang làm nghề vẽ tranh gì mà tới nay vẫn bán được hàng?- Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa (phải) kiểm tra dòng tranh kéo lụa, sản phẩm mới của cơ sở. Ảnh: H.C

Trăm năm một làng ở An Giang làm nghề vẽ tranh gì mà tới nay vẫn bán được hàng?- Ảnh 2.

Hiện nay cả làng nghề chỉ còn 4 hộ gia đình bám trụ sản xuất.

Sự độc đáo của tranh kiếng ở chỗ phải vẽ ngược, tức mặt vẽ là phía sau tấm kiếng và mặt chính của tranh là phía còn lại. Người vẽ phải tư duy ngược để họa ra bố cục hợp lý, chữ phải viết chạy ngược từ phải qua trái. Vẽ xong, thợ lật tấm kính lại và các hình vẽ thành mặt chính của tranh.

Mỗi bức tranh kiếng hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn. Ngày xưa các nghệ nhân sẽ vẽ tay 100% các hoa văn, chữ viết, đường viền... Phần lớn tranh vẽ trên kiếng ngày xưa đều dựa theo điển tích lịch sử như: Phật Thích Ca Mâu Ni, truyện Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Dương Lễ - Lưu Bình… hoặc những câu đối như "Tổ tông, công đức, thiên niên thịnh/Tử hiếu, tôn hiền, vạn thế vinh", "Phúc Lộc Thọ", Cửu quyền thất tổ"...

Ông Lê Văn Ghi (65 tuổi, người dân xã Long Điền B, huyện Chợ Mới), kể lại, hồi khởi thủy, cả làng vẽ tranh lên giấy đem bán, sau thấy giấy mau hư nên vẽ lên vải, lên thiếc và cuối cùng phát hiện ra vẽ tranh trên kiếng lồng vào khung gỗ đạt được màu sắc rực rỡ và có độ bền từ 5 - 10 năm mới phai màu.

Trước đây làng tranh kiếng cù lao Ông Chưởng có thị trường rộng khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, từ 1995 - 1998 là thời làm ăn hưng thịnh nhất của làng nghề. Nhưng không hiểu sao từ 1999 - 2009, hàng làm ra mà người mua chỉ lai rai, sức tiêu thụ giảm sút mạnh đến nỗi người bỏ nghề ngày càng nhiều. 

Đến năm 2010 làng nghề thịnh trở lại, được vài năm rồi tiếp tục dừng lại, đến năm 2017 mới phát triển ổn định đến ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay cả làng nghề chỉ còn 4 hộ gia đình bám trụ sản xuất.

Anh Nguyễn Thanh Hòa (59 tuổi) - chủ cơ sở tranh vẽ kiếng Thanh Hòa ở ấp Long Tân, xã Long Điền B, chia sẻ, gia đình anh 2 đời (đời cha mẹ) làm nghề tranh vẽ trên kiếng. Sau nhiều thăng trầm của làng nghề, có lúc anh Hòa phải bỏ xứ đi TP.HCM làm nghề khác để mưu sinh, khoảng 4 năm trở lại đây tranh vẽ kiếng được thị trường ưa chuộng trở lại, anh Hòa đã trở về làm nghề. 

Do làng nghề chỉ còn vài hộ sản xuất nên nguồn hàng không đáp ứng. Trước dấu hiệu đáng mừng đó, anh Hòa đã đầu tư mua máy móc, thiết bị để đưa công nghệ vào sản xuất tranh. Sau khi kiếng được cắt theo kích thước sẽ được thợ đưa vào máy kéo lụa nền chỉ đen, sau đó các nghệ nhân sẽ vẽ màu sơn, sơn bóng hoặc phủ kim tuyến, gắn ốc xà cừ... theo cách truyền thống (vẽ tay) để hoàn thành sản phẩm.

Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà mỗi ngày cơ sở tranh Thanh Hòa sản xuất khoảng 300 bức tranh đủ kích cỡ, đặc biệt vào tháng cao điểm phục vụ tết (các tháng 9,10,11), mỗi ngày cơ sở Thanh Hòa sản xuất trên 1.000 bức tranh.

Hiện nay cơ sở tranh Thanh Hòa sản xuất 3 loại tranh, gồm: Tranh kéo lụa, tranh in 3D và tranh vẽ tay truyền thống. Tranh sử dụng phương pháp kéo lụa được sản xuất đại trà, số lượng làm ra nhiều nên giá thành tương đối rẻ. Tranh in 3D được thao tác nhanh trên máy nhưng màu sắc hạn chế. Đối với phương pháp vẽ tay, nội dung thường do khách đặt nên kỳ công tỉ mỉ, giá thành cao hơn. Một bức tranh thờ vẽ tay có giá từ 1,2 - 3 triệu đồng, trong khi đó tranh kéo lụa, tranh 3D tầm vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/bức.

Anh Hòa cho hay, 3 tháng sản xuất hàng Tết Giáp Thìn, mỗi ngày cơ sở tranh Thanh Hòa sản xuất khoảng 500 bức tranh. Đặc biệt một dấu hiệu rất đáng mừng là những năm gần đây tranh vẽ kiếng được các thương lái phía Bắc đến đặt hàng đề đưa ra các tỉnh phía Bắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem