Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Hội ND Thái Bình cần dẫn dắt nông dân làm giàu, có tư duy mới
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Hội ND Thái Bình cần dẫn dắt nông dân làm giàu, có tư duy mới
Thu Hà
Thứ tư, ngày 09/08/2023 17:00 PM (GMT+7)
Dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm để các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Bình thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Hội Nông dân tỉnh Thái Bình tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân
Ngày 9/8, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cần đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động cần gắn với xây dựng các mô hình, các điển hình tiên tiến, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Qua đó hình thành lên thế hệ nông dân mới - nông dân Thái Bình cùng với phát huy truyền thống, kinh nghiệm sản xuất của "quê hương năm tấn" không ngừng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có trình độ, học vấn, năng lực tổ chức sản xuất...
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm bày tỏ: Thái Bình miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nổi tiếng với "tiếng trống đêm 30" khởi nghĩa của nông dân và "Quê hương năm tấn" với kho tàng kinh nghiệm thâm canh lúa.
Trong lịch sử, Đảng ta và Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đối với Thái Bình, đặc biệt là nông dân Thái Bình. Bác Hồ đã 5 lần về thăm tỉnh, công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân được dựng tại tỉnh nhà là một niềm vinh dự minh chứng mang ý nghĩa chính trị và giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, ghi dấu tình cảm của Bác Hồ đối với nông dân Việt Nam nói chung và sự quan tâm đặc biệt với nông dân Thái Bình nói riêng.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đã ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Thái Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Theo đó, trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, với biết bao những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp biến động tăng cao, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp; các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Bình lần thứ X đạt nhiều kết quả phấn khởi.
Nổi bật là, 14/14 chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng có bước đổi mới, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp với hội viên, nông dân, đem lại hiệu quả thiết thực; tổ chức bộ máy, cán bộ Hội được củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động; công tác phát triển hội viên được chú trọng (trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới trên 36.000 hội viên).
Nội dung phương thức hoạt động của Hội chuyển biến tích cực theo hướng thiết thực, thông qua việc tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân nhất là về vốn gồm Quỹ HTND (trên 34 tỷ), vốn ủy thác với các ngân hàng (trên 3.500 tỷ đồng). Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ nông dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; tư vấn, giới thiệu và đào tạo nghề (cho trên 22.000 hội viên nông dân).
Cùng với đó, Hội Nông dân Thái Bình hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, các HTX, THT, các câu lạc bộ nông dân; xây dựng các sản phẩm OCOP.
Các phong trào thi đua và các cuộc vận động trong nông dân được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia tích cực, nhất là phong trào "nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững" đã lan toả sâu rộng.
Trong nhiệm kỳ qua, đã có trên 89% hộ hội viên nông dân đăng ký với trên 72% số hộ đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Điều đáng ghi nhận, thông qua phong trào đã xây dựng được một đội ngũ nông dân mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình, đóng góp xây dựng quê hương Thái Bình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo…
Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền vận động nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa; tham gia giám sát và phản biện xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng đảng và chính quyền Nhà nước được các cấp Hội quan tâm phối hợp thực hiện hiệu quả.
Thu hút hội viên nhất là các đối tượng nhà khoa học, tri thức, doanh nghiệp nông nghiệp, các sinh viên
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cũng đánh giá rất cao sự thẳng thắn, nghiêm túc của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước, bên cạnh những những thành tựu đạt được thì còn nhiều những khó khăn thách thức.
Một trong những khó khăn đó là chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp; trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế; liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, việc hợp tác, liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Nông dân tham gia kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế; sản xuất nhìn chung vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa. Vấn đề bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa vẫn đang là khó khăn lớn nhất trong quá trình sản xuất… Những vấn đề đó là tình trạng chung của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, trong đó có Thái Bình.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đánh giá: Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX trình Đại hội đã đề ra 5 mục tiêu; 14 chỉ tiêu cơ bản, 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trên cơ sở đã lĩnh hội, quán triệt toàn diện những tư tưởng, quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIIII và các Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX và định hướng của Trung ương Hội.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm để các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Bình thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Một là:
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, nhất là liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chương trình của Hội, các vấn đề liên quan NN, ND, NT để nông dân nắm được, hiểu và thực hiện; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền đảm bảo thiết thực, hấp dẫn, phù hợp với đông đảo nông dân.
Theo đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cần đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động cần gắn với xây dựng các mô hình, các điển hình tiên tiến, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Qua đó hình thành lên thế hệ nông dân mới - nông dân Thái Bình cùng với phát huy truyền thống, kinh nghiệm sản xuất của "quê hương năm tấn" không ngừng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị, phát huy được vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Hai là:
Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, hoạt động có hiệu quả; trong đó, cần coi trọng xây dựng Ban Chấp hành, đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo đủ số lượng, có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị; nhiệt huyết trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân.
Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cần chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, đổi mới phương thức tập hợp, thu hút hội viên nhất là các đối tượng nhà khoa học, tri thức, doanh nghiệp nông nghiệp, các sinh viên xuất thân từ nông thôn hoặc gắn bộ nông nghiệp, nông dân vào tổ chức Hội thông qua xây dựng chi Hội nông dân nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân; làm tốt công tác quản lý hội viên, từng bước số hóa, quản lý hội viên thông qua ứng dụng công nghệ số; duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Ba là:
Với trách nhiệm "là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM", các cấp Hội phát động mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" với những hoạt động cụ thể; gắn phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh mà lực lượng nòng cốt, dẫn dắt là nông dân SXKD giỏi.
Vận động và hướng dẫn hội viên nông dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổng kết để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Bốn là:
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nông dân làm mục tiêu, nội dung hoạt động của Hội.
Muốn vậy, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, doanh nghiệp tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh vận động nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, nhất là các HTX. Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cần coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ.
Trong đó chú trọng mở mang nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn, tín dụng, vật tư nông nghiệp; tập trung trang bị cho nông dân những tri thức mới, kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức, kỹ năng tổ chức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số, thông tin nhu cầu thị trường, đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kết nối, giới thiệu, tiêu thụ nông sản nhất là thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; chú trọng đào tạo nghề cho nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp.
Chỉ có như vậy nông dân mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất, kinh doanh, tự quyết định được hướng đi cho mình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Năm là:
Các cấp Hội trong tỉnh cần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, vai trò làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nông dân.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi cán bộ Hội các cấp phải sâu sát cơ sở, nhiệt tình, thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nông dân, phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, thấu hiểu và chia sẻ với nông dân, vì nông dân, đồng hành, sát cánh cùng nông dân; nắm được những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở địaphương để tham mưu cho Đảng, Chính quyền các cấp kịp thời chỉ đạo, giải quyết; đồng thời đề xuất bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đề nghị: Ngay sau Đại hội này, Ban Chấp hành cần bám sát chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Điều lệ, Nghị quyết của Hội và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng quy chế hoạt động, chương trình hành động toàn khóa. Phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm công tác đối với từng đồng chí.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm bày tỏ tin tưởng rằng BCH Hội Nông dân tỉnh Thái Bình luôn đoàn kết, năng động, trí tuệ, lãnh đạo, điều hành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028 đề ra.
Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân việt Nam Bùi Thị Thơm chân thành cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình cũng như sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Thái Bình đã luôn quan tâm, phối hợp chặt chẽ, đồng hành hỗ trợ để Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đạt được những kết quả phấn khởi trong nhiệm kỳ qua. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trân trọng đề nghị các đồng chí tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa để công tác Hội và phong trào nông dân Thái Bình tiếp tục phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.