Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Dũng khẳng định, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hiện nay đã thay đổi tư duy làm luật của Việt Nam cho phù hợp với thực tế.
“Trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào cơ chế quản lý, nhưng tại lần sửa đổi Luật Đầu tư công lần này phải mở ra phát triển, tạo ra động lực và không gian mới, khơi thông điểm nghẽn, tư duy phải đổi mới”, ông Dũng phát biểu.
Theo ông này, tư tưởng chung là phải chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm. Ông Dũng nêu ví dụ, tại sao đầu tư công của các nước làm nhanh là vì họ ban hành sẵn các quy chuẩn, quy định. Có sẵn quy định, quy chuẩn, các doanh nghiệp, tổ chức cứ thế làm, không phải xin phép.
“Trong quá trình làm, ai vi phạm sẽ bị kỷ luật. Chứ không có phải chuyện lập dự án, dự toán, rồi hình thành các vấn đề xin cho, bất hợp lý”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.
Ông này nêu ví dụ thực tế: “Khi tôi sang Trung Quốc, chứng kiến một tỉnh của họ, ba năm đã làm được 2.000km đường cao tốc. Lúc đó đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc họ làm nhanh, nhiều, rẻ như vậy? Họ trả lời: Có 3 vấn đề là chi phí lãi vay, thứ 2 là phân cấp và cuối cùng là họ lập các công ty nhà nước để thực hiện dự án đầu tư công".
“Khi các doanh nghiệp Nhà nước được lập ra, đầu tư xây dựng đường sá, cầu cống theo quy chuẩn xong, chuyển nhượng lại cho tư nhân tham gia khai thác”, ông Dũng nêu.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: Phải phân cấp mạnh hơn, như vậy TW, Chính phủ tập trung vào vai trò kiến tạo, môi trường, làm rõ giảm đùn đẩy, né tránh.
Về vấn đề phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, tư lệnh ngành KH&ĐT khẳng định: Việc phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch trung hạn không vi phạm quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước, do Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước chỉ quy định thẩm quyền của Quốc hội và UBTVQH về phân bổ và điều chỉnh dự toán Ngân sách Nhà nước hằng năm, không quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Việc phân cấp này sẽ giúp quy trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành giảm được 05 bước, từ 11 bước xuống 06 bước (trong đó giảm 03 bước trong nội bộ Chính phủ, giảm 02 bước tại UBTVQH) và giảm thời gian từ 03-04 tháng. Qua đó, giảm được nhiều thủ tục hành chính và tiết kiệm được thời gian.
Theo ông Dũng, cơ chế phân cấp cho địa phương đã được Luật Đầu tư công năm 2019 cho phép. Theo quy định tại Điều 17 của Luật Đầu tư công năm 2019, trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.
Về bản chất, quy định này chỉ thay đổi về cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND cho UBND các cấp. Đối với việc phê duyệt đầu tư và tổ chức thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành, theo đó Chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND các cấp vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án. HĐND các cấp thực hiện giám sát quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, về mặt năng lực tổ chức thực hiện dự án thì vẫn do các cơ quan này bảo đảm như hiện tại.
Trong dự thảo Luật đã quy định rất nhiều điều kiện để ràng buộc đối với việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, theo đó một dự án nếu muốn được quyết định chủ trương thì phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được cấp có thẩm quyền thông báo (đối với vốn ngân sách trung ương do Thủ tướng Chính phủ, đối với vốn ngân sách địa phương do HĐND các cấp), mà các nội dung này đều do HĐND là cơ quan quyết định.
Đồng thời, Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, HĐND trong việc giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công, giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư công.
Những quy định này bảo đảm tính phù hợp, chặt chẽ trong triển khai, hạn chế việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tràn lan, tùy tiện, gây lãng phí nguồn lực.
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đầu tư Công sửa đổi, Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) cho rằng thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy…
Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian.
Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.
Theo ông Cường, tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
“Tôi đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở điều 36a bổ sung Luật đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu”, ông Cường phát biểu.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nói, theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 của Dự thảo thì sau khi dự án hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư như: phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí kế hoạch vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư nhưng nếu chưa được bố trí vốn hàng năm thì sẽ không triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư. Như việc giải phóng mặt bằng, thiết kế, dự toán, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.
Để rút ngắn về thời gian, thủ tục thực hiện các công việc nêu trên, ông Thắng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm vào Khoản 2 Điều 57. Cụ thể là : “2. Chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền (quyết định chủ trương đầu tư), quyết định đầu tư hoặc các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.