Đạo diễn Nhuệ Giang: Hạnh phúc với “đứa con” được thai nghén tới… 20 năm
Năm 2011 là năm khá sôi động của nữ đạo diễn Nhuệ Giang khi chị vừa hoàn thành xong bộ phim nhựa “Tâm hồn mẹ” và liên tiếp ra mắt phim truyền hình về lứa tuổi học trò “Mùa hạ yêu dấu” dài 30 tập. Phim “Tâm hồn mẹ” là ấp ủ của chị suốt 20 năm trời, kể từ khi bắt gặp truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Ý tưởng sâu sắc của truyện và nhân vật hai đứa trẻ… đã ám ảnh và thôi thúc Nhuệ Giang tự viết kịch bản cho phim. Bộ phim xoay quanh Lan, bà mẹ trẻ buôn bán ở gầm cầu Long Biên. Vì vướng vào mối tình mù quáng với người lái xe đường dài làm cô con gái tên Thu rơi vào tình cảnh luôn khát khao tình cảm mẹ-con. Cô bé dành hết tình cảm đó cho Đăng, cậu bé cùng lớp.
Một điều khá đặc biệt trong phim của Nhuệ Giang, kể cả những phim chị đã làm trong năm nay, đều liên quan khá nhiều đến trẻ em hoặc thanh thiếu niên. “Mùa hạ dấu yêu” cũng toàn chuyện trường lớp của tuổi hồn nhiên học trò. Nhiều người cho rằng có thể Nhuệ Giang không có con nên làm về trẻ em như một lẽ khao khát tự nhiên.
Thực ra đó không phải lý do, mà là chị bị ám ảnh nhiều đề tài về thiếu nhi. Nhuệ Giang cảm thấy có những bất công khi mà ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm số một nhưng tại Việt Nam trẻ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh … nhất là ở những vùng núi, vùng quê nghèo. Làm phim về các em cũng là một cách để chị góp phần nói lên tiếng nói cần có sự quan tâm hơn với trẻ nhỏ.
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương “linh cảm” năm 2012 sẽ có những biến chuyển tốt đẹp
Nếu nói về những tác phẩm sân khấu “gây ầm ĩ” của nữ nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương thì năm qua có vở “Nhà có 5 anh em trai” rồi “Tốt xấu giả thật”… Nguyễn Thu Phương hiện nay đang được biết đến là tác giả của những vở kịch, những bộ phim truyền hình ăn khách.
Nhưng công việc của chị không chỉ có thế, chị còn làm rất nhiều việc khác như: viết và biên tập kịch bản phim, sản xuất chương trình truyền hình theo phương thức xã hội hóa, viết và dựng kịch truyền hình, viết kịch bản sân khấu, viết văn, viết báo, viết kịch bản và lời bình phim tài liệu, đi quay phim, dựng phim, v.v… Rất nhiều việc nhưng Thu Phương hài lòng bởi chị đã hoàn thành tất cả, không bỏ sót hay làm hỏng bất kỳ công việc nào đã nhận.
Chị có nhiều cảm hứng sáng tác hơn khi nhìn thấy việc kiên quyết chấn chỉnh chất lượng phim truyền hình ở các nhà đài bằng cách duyệt nội dung khắt khe hơn, chọn kịch bản kỹ lưỡng hơn... Ngoài ý nghĩa để nâng cao chất lượng phim phát sóng trên các đài truyền hình đây cũng có thể xem là động lực thúc đẩy người làm biên kịch như chị phải làm việc thật sự hiệu quả.
Từ năm 2006, sau cuốn "Phiêu linh trắng" (tập truyện ngắn) đến nay, Thu Phương thường in chung truyện ngắn trong các tuyển tập nhiều tác giả chứ chưa có thêm gì mới của riêng mình. Chị dự định trong năm 2012 này, sẽ cố gắng in được ít nhất một cuốn sách mới, tiếp tục công việc biên kịch sân khấu và phim truyền hình, và mong ước được làm phim nhựa. Nguyễn Thu Phương “linh cảm” rất rõ rằng năm 2012 sẽ mang lại cho chị những biến chuyển tốt đẹp.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.