Một năm TP.HCM phong toả chống dịch Covid-19 (Bài 1): Sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ

Bạch Dương Thứ hai, ngày 11/07/2022 09:15 AM (GMT+7)
Cuối tháng 4/2021, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) đã có những dự cảm không lành về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM. Với biến thể Delta, điều xấu nhất có thể sẽ xảy ra.
Bình luận 0

LTS: Cách đây vừa tròn một năm, 0 giờ ngày 9/7/2021, TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội toàn diện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đợt giãn cách dài nhất trong lịch sử chống dịch của TP. Hôm nay, TP.HCM đã sống lại như chưa từng có cơn bão Covid-19 quét qua, nhưng những ngày tháng gian nan, đẫm mồ hôi và nước mắt ấy vẫn chưa nguôi trong ký ức của nhiều người…

Một năm TP.HCM phong toả chống dịch Covid-19 (Bài 1): Sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: NVCC

Vững vàng giữa những sang chấn

Cuối tháng 4/2021, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) đã có những dự cảm không lành về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM. Với biến thể Delta, điều xấu nhất có thể sẽ xảy ra. Trên Facebook cá nhân, anh bắt đầu chia sẻ khuyến cáo đến bạn bè, người quen với cách viết như tâm tình, thay vì vận động, tuyên truyền có phần khô khan. 

Đến tháng 7/2021, TP.HCM thực sự bước vào giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh. Anh lại viết, như một nhu cầu quen thuộc để giãi bày, giải tỏa những trăn trở của bản thân.

"Tôi vẫn nhớ, trong một lần đi thăm các đồng nghiệp ở bệnh viện dã chiến, đi trên đường Trường Chinh, tôi chỉ thấy toàn xe tải chở hàng và shipper. Chiều về, nhìn từ chung cư mình sống, không có một bóng người. TP chuyển sang một dạng thức sống khác. Không có bóng dáng của hoạt động vui chơi, của kẹt xe... Tôi sốc thật sự. Đó là sang chấn rất lớn", anh chia sẻ.

Đầu tháng 8/2021, Trung tâm Hồi sức Covid-19 (UCICC), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM được thành lập, anh nhận nhiệm vụ phụ trách chuyên môn. Ngày 2/8, bác sĩ Khôi cùng đồng nghiệp chính thức xuất quân xuống Trung tâm Hồi sức, bước thẳng vào tâm dịch. Bác sĩ Khôi và đồng đội bước vào nơi khốc liệt suốt nửa năm, không một phút giây ngơi nghỉ. Ở đây, những đau đớn của chia ly, hạnh phúc của hội ngộ, họ đều chứng kiến. Họ sẻ chia và trở thành điểm tựa của hơn một ngàn người bệnh, thân nhân.

Có rất nhiều điều mà người bác sĩ mang sự nhạy cảm của văn sĩ này chiêm nghiệm sau quãng đời ở phía Tây thành phố. Anh khẳng định, khốc liệt đấy, đau đớn đấy nhưng không bi lụy. Thiếu thốn, khó khăn, nhưng trách nhiệm người thầy thuốc vẫn là tìm mọi cơ hội cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Khôi nhớ về một sản phụ mắc Covid-19 được chuyển đến Trung tâm ICU điều trị. Bệnh diễn tiến rất nặng và nhanh, yêu cầu phải chạy ECMO. Thế nhưng máy đã được sử dụng cho một bệnh nhân khác.

Anh ngay lập tức liên hệ với các Trung tâm ICU còn lại của thành phố, hy vọng mong manh đâu đó có người vừa cai máy. Cuối cùng, anh cũng nhận được hồi âm. Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Hồi sức Covid-19) nhắn: "Anh ráng giữ, em về Bệnh viện Chợ Rẫy lấy chiếc ECMO cuối cùng mang sang".

Bác sĩ Linh khi đó phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở phía Đông (TP.Thủ Đức), bác sĩ Khôi phụ trách Trung tâm ICU Covid-19 ở phía Tây (quận Bình Tân). Từ đó, người trong ngành gọi đùa các anh là 2 "chiến tướng" ở 2 đầu thành phố.

Một năm TP.HCM phong toả chống dịch Covid-19 (Bài 1): Sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ - Ảnh 3.

Chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng vào viện. Ảnh: NVCC

Những mầm xanh bền bỉ giữa "mắt bão" Covid-19

Rất nhiều bác sĩ trẻ, sinh viên, học trò của anh đã tình nguyện đi cùng anh từ mặt trận phía Tây sang Trung tâm hồi sức Covid-19. Có không ít những lúc họ sang chấn tâm lý, không ít giây phút yếu lòng, nhưng bác sĩ Khôi luôn là chỗ dựa vững chắc.

"Chiều về, nhìn từ chung cư mình sống, không có một bóng người. TP chuyển sang một dạng thức sống khác. Không có bóng dáng của hoạt động vui chơi, của kẹt xe... Tôi sốc thật sự. Đó là sang chấn rất lớn"

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

"Trầm cảm thì bác sĩ ít nhiều sẽ có, bác sĩ cũng là con người thôi, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau: sức khoẻ, stress, con nhỏ mẹ đau, cha yếu, chồng vợ không thông cảm cho công việc của mình, người thân nhiễm Covid-19, con điều trị cho ba ruột, thậm chí có những bác sĩ điều dưỡng ở đây cũng có người thân mất vì Covid-19... Người thân ở nhà nhiễm Covid thì nhiều lắm. Dĩ nhiên các bạn stress chứ, thánh thần gì mà không stress được.

Có đồng nghiệp của tôi, đợt dịch thứ nhất bạn đứng vững, nhưng đợt dịch thứ tư này bùng phát bạn đứng tua đầu sóng ngọn gió "thở máy", bệnh nhân ra đi rất nhiều. Bạn tâm sự "Không hiểu bây giờ em bị sao đó, em đi xe em chỉ muốn nhảy vào xe, em chết luôn cho rồi". Bạn khủng hoảng. Ngay lập tức tôi giữ lại đưa em về viện.

Nhiều bạn giấu gia đình lên đường vào bệnh viện dã chiến, đi 2 tháng "thầy đừng nói cho gia đình biết vì gia đình rất sợ bệnh dịch". Bạn chỉ trở về khi đến ngày dạm ngõ… Nhiều người chỉ muốn nghe những con số đẹp, cứu sống được bao nhiêu người. Nhưng các bạn có biết mấy chục ngàn bô phân, bô dính nước tiểu, mấy chục ngàn cái tã dính phân, dính bẩn, dính máu... tất cả các bạn làm hết", bác sĩ Khôi tâm sự và khẳng định, trong ngành y, sự tử tế là quan trọng nhất và giữa đại dịch, cái tâm của người thầy thuốc thể hiện rõ nét nhất.

Một năm TP.HCM phong toả chống dịch Covid-19 (Bài 1): Sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ - Ảnh 5.

Nhân viên y tế động viên tinh thần cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: NVCC

Cô điều dưỡng trẻ Trúc Ly đã kể về những nước mắt, mồ hôi ấy: "Trung tâm mở ngay lúc dịch đang đi dần lên đỉnh, chỉ vài ngày là đầy ắp bệnh nhân, ai cũng rất nặng, ai cũng cần chăm sóc từng giây từng phút. Mọi việc vượt quá mức lường trước, không xoay trở kịp, tôi cũng như nhiều bạn chỉ có khóc mà thôi. Nhưng rồi nhớ đến những lời thầy Khôi nói, chúng tôi đã lấy lại được tinh thần để bắt tay vào làm tất cả những gì có thể... Thầy nói, chúng ta đến đây và sẽ bắt đầu cuộc chiến khốc liệt nhất, UCICC sẽ là chảo lửa, nhưng là chảo lửa để tôi luyện nên những ngày ý nghĩa nhất của cuộc đời. Bệnh nhân Covid-19 đang phải chống chọi với căn bệnh khốc liệt mà hoàn toàn cô độc, chỉ có chúng ta là hiện thân của cuộc sống, của mối giao tiếp con người để níu giữ họ...".

Sau những phút căng thẳng với những cục máu đông trong động mạch bệnh nhân, bác sĩ Khôi lại trải lòng lên những trang viết: "Gần cuối đợt dịch, tầm cuối tháng 9, tôi nghĩ, mình phải có gì đó để cảm ơn đồng đội, tình nguyện viên, các bác sĩ, học trò đã kiên cường đến cuối cùng. Một lá thư, một tấm thiệp có thể rồi cũng sẽ trôi qua. Tôi quyết định tập hợp các bài viết, ghi chép của mình trong thời gian sống và chiến đấu cùng mọi người. "Phía Tây thành phố" đã ra đời như vậy".

Anh tâm sự, đó không phải là nhật ký. Nếu là nhật ký thì thực sự rất kinh khủng, mất mát và đau thương. Những cung bậc cảm xúc ấy người đọc có thể không chịu đựng nổi. Vì ở thành phố này, ai ai cũng đã tổn thương sâu sắc bởi dịch bệnh.

Và những trang sách dần thành hình trong không gian của tiếng máy thở, máy ECMO, của những chuyến bay đêm… Anh chia sẻ, một cuộc chiến thật sự đã diễn ra, nhưng vẫn có những câu chuyện bình dị, đời thường của áo blouse trắng giữa mắt bão.

Một năm TP.HCM phong toả chống dịch Covid-19 (Bài 1): Sống với ký ức đại dịch không phải để bi luỵ - Ảnh 6.

Tết Covid-19 trong Trung tâm hồi sức Covid-19. Ảnh: NVCC

Chuẩn bị để sẵn sàng đối mặt

Bác sĩ Lê Minh Khôi dự định đề xuất một chương trình đào tạo khả năng đối mặt với thảm họa: Bác sĩ trẻ ở các chuyên ngành sẽ thay phiên nhau đi thực tập đào tạo ngành hồi sức mỗi hai năm một lần, mỗi lần ba tháng.

Được như vậy, theo bác sĩ Khôi, chúng ta sẽ có thêm nhân lực cho hồi sức, sẵn sàng cho các nhu cầu bệnh nhân. Các bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở cũng cần được luân chuyển đến các bệnh viện lớn để đào tạo, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp. 

"Đợt dịch vừa qua đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng và cả sự yếu kém của y tế cơ sở. Tất cả phải được khắc phục với một quyết tâm thật sự. Virus sẽ còn xuất hiện, dịch sẽ còn trở lại, và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt...", bác sĩ Khôi dự báo.

Giai đoạn này, tình trạng dịch của thành phố chuyển sang cấp độ 4 (>150 ca/100.000 dân/tuần), số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 2.000. Tất cả bệnh viện dã chiến và điều trị Covid-19 đều quá tải, mặc dù thành phố đã lập thêm 10 bệnh viện dã chiến, chuyển công năng 5 bệnh viện. Số ca tử vong tăng cao, đỉnh điểm là 340 ca/ngày vào ngày 23/8/2021.

Trung tâm hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đặt tại quận Bình Tân được thành lập thần tốc chỉ trong 36 giờ và được hỗ trợ nhân lực từ Bệnh viện Việt Đức. Từ khi thành lập đến khi các đội hỗ trợ rút quân (2 tháng), bệnh viện đã đã tiếp nhận điều trị cho 971 bệnh nhân mà phần đông trong số đó là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.

(Nguồn Sở Y tế TP.HCM)

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem