Một năm TP.HCM phong tỏa chống Covid-19 (Bài 4): Rủi ro và cơ hội trong đại dịch Covid-19

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 13/07/2022 07:16 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 đẩy nhiều cửa hàng, dịch vụ một đi không trở lại. Nhưng đi kèm với rủi ro luôn có cơ hội. Nhiều người đã thích nghi, thay đổi, thậm chí mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển hơn cũng… vì Covid-19.
Bình luận 0

LTS. Cách đây vừa tròn một năm: 0 giờ ngày 9/7/2021, TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội toàn diện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đợt giãn cách dài nhất trong lịch sử chống dịch của TP. Hôm nay, TP.HCM đã sống lại như chưa từng có cơn bão Covid-19 quét qua, nhưng những ngày tháng gian nan, đẫm mồ hôi và nước mắt ấy vẫn chưa nguôi trong ký ức của nhiều người…

Các doanh nghiệp không ngừng thích ứng, đổi mới bởi Covid-19 gần như đã thay đổi mọi thứ. Sau một năm vượt khó, tình hình kinh tế tại TP.HCM đã bật tăng trở lại.

Rủi ro và cơ hội

Khi TP.HCM từng bước mở cửa lại các dịch vụ vào tháng 11 năm ngoái, cũng là lúc anh Huy Thoại - chủ hai quán ăn chuyên về thịt bê, nướng, lẩu trên đường Trường Sa và đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), phải ngậm ngùi đóng cùng lúc cả hai quán.

"Đưa ra quyết định này khiến tôi và gia đình rất đau lòng. Hai quán ăn là tâm huyết, là bài toán kinh tế của cả nhà. Nhưng thực sự, thời điểm đó, chúng tôi không còn gánh nổi sau mấy tháng liền đóng cửa", anh Thoại nói.

Một năm TP.HCM phong tỏa chống Covid-19 (Bài 4): Rủi ro và cơ hội trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Một năm TP.HCM phong tỏa chống dịch Covid-19: Nhiều cửa hàng vẫn chưa thể gượng dậy nổi. Ảnh: Hồng Phúc

Quán ăn đầu tiên của gia đình anh Thoại nằm trên đường Lê Văn Sỹ, rất hút khách. Thấy làm ăn thuận lợi, tháng 4/2021, anh quyết định mở thêm một chi nhánh khác trên đường Trường Sa. Nhưng không may, đợt dịch Covid-19 nặng nề nhất ập đến, TP.HCM phong tỏa kéo dài nhiều tháng, quán ăn phải đóng cửa hoàn toàn.

"Cùng lúc gánh chi phí mặt bằng cho cả hai cửa hàng, mà chi phí mặt bằng tại TP.HCM thì đâu phải rẻ, phải vài chục triệu mỗi tháng. Lượng khách thời gian đầu sau khi TP.HCM cho bán trở lại cũng không nhiều, không chịu nổi áp lực nên tôi phải đóng cửa. Ý định mở rộng kinh doanh nhưng cuối cùng lại thành phá sản", anh Thoại chua xót.

Dù đã tròn một năm phong tỏa và hơn nửa năm mở cửa phục hồi kinh tế nhưng nhiều mặt bằng trên các con đường sầm uất bậc nhất TP.HCM như đường Phan Xích Long, Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng… hiện vẫn cửa đóng then cài, chi chít bảng cho thuê. Nhưng nhìn chung, gần đây, độ phủ của các mặt bằng đã trở nên khả quan hơn.

Một năm TP.HCM phong tỏa chống Covid-19 (Bài 4): Rủi ro và cơ hội trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bán hàng trên các nền tảng online tại TP.HCM tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc

Covid-19 là rủi ro không mong muốn, nhưng cũng có nhiều dịch vụ, cửa hàng mọc lên nhờ thấy được cơ hội. Thuê được một mặt bằng nhỏ trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) ngay sau khi TP.HCM bỏ giãn cách xã hội, đến nay cửa hàng thực phẩm sạch An Khang, chuyên bán các loại đặc sản của chị Nguyễn Diễm Châu đã có nhiều khách quen. Tình hình kinh doanh vượt ngoài mong đợi.

"Trước đó, tôi chủ yếu bán cho Việt kiều. Covid-19 làm đứt nguồn khách này. Khi TP.HCM phong tỏa, tôi thấy rõ nhất người dân vất vả khi mua thực phẩm. Bán online trong lúc dịch, rồi nắm bắt cơ hội, tôi mở luôn một cửa hàng, kết hợp bán trực tiếp và online. Nhờ bán tốt, từ thực phẩm tươi sống ban đầu, hiện tôi kinh doanh thêm trái cây nhập khẩu. Lượng khách rất tốt", chị Châu nói thêm.

Chủ cửa hàng thực phẩm này nhận định thị trường luôn có những khoảng trống và mình may mắn tìm thấy được cơ hội. Đó là lý do dù nằm cạnh chợ Bà Chiểu và hàng loạt cửa hàng thực phẩm lớn nhỏ khác nhưng cửa hàng của chị không chỉ trụ được mà còn đắt khách hơn trong nửa năm qua.

Thích nghi và tăng tốc trong tình hình mới

"Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, chúng tôi buộc phải thích ứng" là câu nói mà nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, chủ các doanh nghiệp tại TP.HCM nhận định sau một năm thành phố phong tỏa vì dịch bệnh. Tiểu thương các chợ truyền thống, người vốn quen với việc mua bán, trao đổi bó rau, con cá một cách trực tiếp nay cũng dần suy nghĩ khác đi.

"Trong dịch, chúng tôi bán hàng qua mạng. Hiện tôi đã đưa rau củ quả lên sàn. Nhiều khách không mua trực tiếp thì họ đặt qua sàn, rau được giao tận nhà chỉ sau 1-2 tiếng đồng hồ. Bán hàng qua sàn phần nào giúp chúng tôi trong lúc sức mua tại chợ chưa phục hồi hoàn toàn", bà Dao Chi - tiểu thương chợ Xóm Chiếu (quận 4) nói. Bà và nhiều tiểu thương khác giờ đây cũng đã chấp nhận thanh toán không tiền mặt.

Một năm TP.HCM phong tỏa chống Covid-19 (Bài 4): Rủi ro và cơ hội trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bà Dao Chi - tiểu thương chợ Xóm Chiếu (quận 4) bán hàng trên nển tảng online Utop. Ảnh: Hồng Phúc

Cũng nhờ kênh bán hàng qua mạng, kết hợp với các ứng dụng giao nhận thức ăn mà quán hủ tiếu Sa Đéc của chị Mai Hoa tại phường 3, quận Bình Thạnh mau chóng phục hồi sau dịch. Thậm chí, chị cho biết càng đắt khách hơn.

Những ngày này, chị và 5 nhân viên khác làm không ngơi tay từ khi mở cửa. Phục vụ khách tại chỗ chưa kịp thì đơn hàng qua các ứng dụng đã "nổ" (ứng dụng báo có khách đặt món) liên tục. Trước dịch, chị Hoa chưa từng nghĩ sẽ kết nối với Grab, GoFoods, Baemin… vì cho rằng bình thường đã bán rất tốt. Nhưng sau dịch, khách vắng, chị buộc phải thay đổi ý định.

"Thời gian đầu tôi còn lúng túng, do chưa quen app, chưa quen công nghệ nhưng bây giờ đã khác. Đơn qua app hiện chiếm khá nhiều, giúp tôi có thêm một lượng khách mới. Khách mới thấy hủ tiếu ngon thành ra số lượng khách ruột bây giờ càng nhiều hơn, cũng nhờ app", chị Mai vui vẻ nói.

Ông Trần Văn Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho biết Covid-19 và đợt phong tỏa tại TP.HCM khiến doanh nghiệp phải xoay trục kinh doanh mới có thể trụ được.

Một năm TP.HCM phong tỏa chống Covid-19 (Bài 4): Rủi ro và cơ hội trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Từ cung cấp sỉ hải sản trước dịch, Hải sản Hoàng Gia đã xoay trục vì lệnh phong tỏa, chuyển sang bán lẻ và chế biến mang đi. Ảnh: Hồng Phúc

Công ty của ông chuyên cung cấp sỉ hải sản cao cấp nhập khẩu cho hơn 2.000 nhà hàng, khách sạn trên cả nước. Covid-19 ập đến, nhà hàng, khách sạn đóng cửa, kênh bán sỉ này giảm hơn 80%. Trong tình thế cấp bách, để duy trì kinh doanh, không để tồn kho và ôm công nợ, ông buộc chuyển trục đưa công ty từ mô hình bán sỉ sang bán lẻ, cùng dịch vụ chế biến hải sản mang đi, giao tận nhà cho khách.

"Mô hình này rất hiệu quả. Chúng tôi còn đẩy mạnh được kênh thương mại điện tử. Không chỉ duy trì mảng chế biến hải sản mang đi, chúng tôi còn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan hơn 30%. Tận dụng nguồn hải sản cao cấp sẵn có, chúng tôi mới ra mắt thêm mô hình cửa hàng sushi chuyên mang đi", ông Trường nói.

Nhờ thích ứng và nắm thời cơ tốt, chuỗi siêu thị hải sản này gần đây đã mở rộng quy mô lên 11 cửa hàng tại TP.HCM với nhiều vị trí đắc địa.

Hoạt động thương mại dịch vụ phục hồi được phản ánh vào con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 tại TP.HCM, ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ, từ mức giảm sâu ở quý III, IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%. Từ mức giảm sâu và bật tăng trở lại, lãnh đạo TP.HCM đã đánh giá đây là con số khả quan, ghi nhận đà phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã dần ổn định. Các kết quả này cùng với sự thích ứng, đổi mới liên tục, các chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp cho kinh tế TP.HCM phát triển hơn nữa vào giai đoạn 6 tháng cuối năm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem