Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đứng ở chân núi nhìn lên, tôi thấy Ngải Thầu Thượng ở xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bồng bềnh trong biển mây, nằm ở độ cao 2.300m. từ lâu nơi đây được biết đến là bản làng cao nhất Việt Nam.
Làng Ngải Thầu Thượng nằm dưới đỉnh núi Ma Cha Va hùng vĩ mà đỉnh chót vót của nó cảm giác như chạm trời xanh.
Đường lên làng Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngải Thầu Thượng được xem là bản, làng cao nhất Việt Nam khi ở trên ngọn núi Ma Cha Va có độ cao 2.300m so với mực nước biển. Ảnh: Hachi8
Sau 8 tiếng ngồi ô-tô từ Hà Nội, tôi lên đến Ngải Thầu Thượng, tay như có thể chạm vào mây, tầm mắt bỗng được phóng ra xa tới những thung lũng trải dài và những ruộng bậc thang chẳng khác nốt nhạc giăng mắc giữa trời.
Ngải Thầu Thượng đầy ắp những gam màu đa sắc. Mầu trắng của mây, mầu xanh của ruộng bậc thang lúa vừa lên, mầu vàng nhạt của nắng xuyên qua biển mây, mầu vàng rực của những ruộng hoa cải và mầu phớt hồng của những cây đào bắt đầu bung nụ, hoa mận trắng muốt ven đường.
Xuân về. Đây là thời điểm săn mây lý tưởng nhất kéo dài đến tháng 4 dương lịch năm sau. Những đám mây mùa xuân như ấm áp tươi xốp hơn và thay đổi mỗi ngày khiến cho ai chưa đến thì thèm muốn và đến rồi lại mong quay lại.
Từ lâu, Ngải Thầu Thượng đã trở thành điểm săn mây nổi tiếng của những người thích khám phá. Khi tôi đến, đợt không khí lạnh mạnh nhất mùa đông đã kịp làm băng giá phủ lên các cành cây ngọn cỏ một lớp đá tinh khiết mỏng manh lấp loáng dưới ánh mặt trời.
Trời lạnh gần 0 độ C, dưới chân núi mây mù nhưng lên đến Ngải Thầu Thượng nắng vẫn vàng rực, không khí sạch như chẳng vương tí bụi trần. Ở đây gần mặt trời đến mức nắng trong veo như thủy tinh và sương mù không chạm tới được.
Người H’Mông bản địa ở đây vẫn tự hào rằng mây Ngải Thầu Thượng đẹp nhất, tuyết ở Ngải Thầu Thượng rơi dày nhất và băng giá ở Ngải Thầu Thượng long lanh nhất.
Nhưng cuộc sống ở đây vốn không lãng mạn như mây, tuyết dân phượt vẫn thường lên chiêm ngưỡng, mà đầy khắc nghiệt, nhọc nhằn. Nơi này vốn là một ốc đảo lạnh buốt, trơ trụi, khô khát trên đỉnh Ma Cha Va vốn bí ẩn với ngay cả người địa phương.
Trước đây, đường đi hiểm trở, dốc quanh co, chỉ có những chàng trai H’Mông quen thổ địa cưỡi những chiếc xe máy gầm cao như Win hay Minsk rú ga dài nóng bỏng ống bô mới leo được đến "mũi của mũi đá" ngọn núi Ma Cha Va.
Mấy ai lên đây mà ở lại vì điều kiện quá khó khăn, lúc đó chưa có điện lưới, sóng viễn thông, nước rất hiếm, chỉ có nắng gió, mây và cái lạnh là thừa thãi. Vậy mà đã có những người H’Mông kiên gan bám trụ chân đạp đá, đầu đội mây, chịu nắng lửa, tuyết rơi, gió gào để sinh sống, thành bản thành làng, giữ đất đai biên giới.
Người H’Mông vốn có tập quán ở trên các ngọn núi nhưng họ vẫn xem dẻo đất dưới chân đỉnh Ma Cha Va là nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng cách đây mấy năm, có những cặp vợ chồng trẻ đã xung phong lên núi khai hoang vỡ đất lập xóm của người H’Mông.
Mới đầu, chỉ có gia đình Sùng A Lử, Sùng A De "cả gan" dựng nhà nơi thú dữ vẫn thường lảng vảng. Về sau, một số hộ dân ở thôn Phan Cán Sử, xã Y Tý đang đứng trước nguy cơ sạt lở cũng chuyển lên.
Rồi một số cư dân ở Ngải Thầu Thượng vốn chịu cảnh đất chật người đông, ruộng nương canh tác ít, ngô lúa không đủ "no cái bụng" cũng chuyển lên dải đất dưới chân Ma Cha Va khai khẩn rừng hoang, sinh cơ lập nghiệp. Từ đó dần hình thành xóm Ma Cha Va với hơn 30 nóc nhà.
Mâm cơm người H’Mông, bản Ngải Thầu Thượng nằm trên ngọn núi Ma Cha Va thuộc xã xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Tôi đến xóm khi trời đã chạng vạng tối, cái lạnh thấu xương khiến băng tuyết đóng cả lên mặt đường trơn trượt, nhưng bỗng cảm giác ấm lòng khi nhìn thấy những bếp lửa bập bùng dưới những nóc nhà phủ mây. Tối đó, bên bếp lửa ấm của gia đình vợ chồng anh Sùng A Xá và chị Thào Thị Xua, tôi được nghe kể câu chuyện "thượng sơn" của họ.
Vốn ở dưới núi cùng bố mẹ, nhưng không có đất làm nhà, không có đất canh tác, đôi vợ chồng trẻ này quyết "dời đô" lên đỉnh Ma Cha Va lập nghiệp. Mới đầu, họ đối điện với những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, nước hiếm, đêm lạnh buốt, điện không có...
Nhưng sức trẻ và khát khao tạo dựng cuộc sống mới đã giúp đôi vợ chồng này vượt qua, họ bắt đầu vỡ đất trồng ngô, làm chuồng nuôi dê.
Sau một đêm ngủ bên bếp lửa, tôi tỉnh dậy khi mặt trời vừa ửng hổng trên đỉnh Ma Cha Va, những thanh âm của ban mai bắt đầu vang lên.
Tiếng củi lửa kêu lép bép, bên nồi xôi bốc khói, chị Thào Thị Xua đang cho xôi vào lù cở, với ít muối ớt, chuẩn bị lên núi thu hoạch ngô. Tiếng dê kêu be be và trâu gõ móng. Những thanh âm ấy thoạt nghe đã cảm thấy cuộc sống đang sinh sôi, cựa mình trên đỉnh núi vốn khắc nghiệt như sa mạc này.
Từ hai bàn tay trắng khi lên đây, nay vợ chồng Sùng A Xá đã nuôi được 7 con trâu, 30 con dê, trồng được ngô và cây dược liệu xuyên khung trên núi. Đôi vợ chồng trẻ đã xây được ngôi nhà khang trang, thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Trong 30 hộ lên đỉnh núi Ma Cha Va lập nghiệp, có tới 25 cặp vợ chồng tuổi từ 20 đến 35, hầu hết đều đã tạo dựng được cuộc sống ấm no. Đàn gia súc của thôn Ngải Thầu Thượng có gần 200 con trâu, trên 20 con ngựa, hơn 350 con dê thì tập trung chủ yếu ở xóm Ma Cha Va.
Diện tích cây dược liệu như thảo quả, xuyên khung, sơn tra trên ngọn núi Ma Cha Va cũng nhiều nhất xã Ngải Thầu. Già làng Thào A Sử cho biết: "Giờ lớp trẻ ở mũi đá Ngải Thầu Thượng không chỉ biết trồng ngô, làm ruộng bậc thang mà còn nghĩ ra nhiều cách để làm ra tiền rồi, đó là trồng sâm đất, dược liệu. Huyện đã phê duyệt quy hoạch làng du lịch cộng đồng, lấy bảo tồn cảnh quan rừng tống quá sủ; kiến trúc nhà truyền thống người H’Mông và nghề đan lát, làm thổ cẩm từ cây lanh, nhuộm chàm và in sáp ong; trồng sâm đất và nuôi gà đen, nuôi ngựa núi để xóa nghèo và làm giàu".
Những người H’Mông ở Ngải Thầu Thượng giờ có tư duy làm du lịch theo phong cách hiện đại. Tôi gặp Diễm Phương, cô gái trẻ từ dưới xuôi lên để giúp bà con làm mô hình homestay, giờ sống "ba cùng" trong gia đình người H’Mông.
Phương cho biết sau đại dịch Covid-19, du khách thích tìm đến những nơi thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành và đậm đà bản sắc văn hóa.
Ngải Thầu Thượng trở thành điểm như thế, không chỉ bởi núi cao trong biển mây và băng tuyết mà còn món cơm khẩu nậm xíp đặc biệt và những phong tục cổ truyền vẫn còn nguyên vẹn nơi đây. Phong tục ấy sẽ "thăng hoa" khi Tết đến xuân về.
Lúc những rừng tống quá sủ rụng những chiếc lá cuối cùng chuẩn bị đâm lộc biếc và những cây đào xù xì cả mùa đông rét buốt bỗng nở bung những nụ hoa mầu hồng phớt sáng bừng cả bản làng, người H’Mông ở Ngải Thầu Thượng chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Với Diễm Phương, Tết ở làng cao nhất Việt Nam này bắt đầu từ những bếp lửa. Ở trên này lạnh buốt, cả gia đình thường ngồi quanh bếp lửa. Bếp lửa đỏ cả ngày đêm, xua tan giá rét, làm ửng hồng những đôi má trẻ nhỏ và ấm nóng đôi tay người già.
Có lửa nên có khói, người H’Mông thường có thói quen hun khói thực phẩm như thịt lợn, thịt trâu, bò, thậm chí giấy tờ sổ sách cũng treo lên bếp ám khói. Đốt lửa nhiều, người H’Mông rất quý củi. Ở đây, củi chủ yếu từ cây tống quá sủ, họ chỉ chặt cành, nên những rừng tống quá sủ vẫn chưa bao giờ thưa vắng đi ở Ngải Thầu Thượng.
Diễm Phương chẳng bao giờ quên mùi khói thơm lừng từ gỗ cây pơ mu mà nhiều gia đình người H’Mông dùng để... mồi lửa. Nhựa thơm của cây pơ mu theo làn khói bay vòng trong gian nhà, giữa bếp lửa bắt đầu nhảy nhót dưới mái nhà mây phủ cho cảm giác như đang ở thiên đường.
Ngải Thầu Thượng đã có điện, nhưng bếp của người H’Mông vẫn vậy, củi vẫn cháy như nghìn năm trước. Nồi cơm điện trở thành thứ thiết bị hiện đại duy nhất mà tôi thấy. Bếp sẽ rực lửa vào đêm 30 Tết, lúc đó các gia đình ở Ngải Thầu Thượng sẽ làm bánh dày và thịt gà. Theo quan niệm người H’Mông, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời- nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật, nên không thể thiếu trong mâm cỗ.
Sau 2 năm Covid-19 xa cách, tối 30 Tết năm nay gia đình Sùng A Xá sẽ đón bố mẹ lên xóm Ma Cha Va làm lễ cúng tổ tiên. Theo phong tục, họ cúng lễ bằng con lợn hoặc gà trống tơ nhưng đang sống. Làm lễ xong sẽ làm thịt rồi tiếp tục cúng một mâm thịt chín.
Sau đó, cả gia đình sẽ quây quần ăn và uống rượu đón giao thừa. Họ sẽ ngồi cùng nhau cho đến khi có tiếng gà gáy sáng đầu tiên của ngày mồng 1 đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tiếng gà đầu tiên của năm mới vang lên dưới đỉnh Ma Cha Va cảm giác như vọng lên tới trời, gọi mùa xuân đến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.