Một người đàn ông Thanh Hóa cả đời chỉ trồng thứ cây chát này, nay làm thương hiệu thành công
Một người đàn ông Thanh Hóa cả đời chỉ trồng thứ cây chát này, nay làm thương hiệu thành công
Hữu Dụng
Thứ tư, ngày 08/01/2025 18:42 PM (GMT+7)
Năm 2016, ông Lê Đình Tú, đã đứng ra thành lập HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, trồng cây chè chát để phát triển thương hiệu chè truyền thống. Đến nay, HTX này ở huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có gần 80ha chè (trong đó có 12ha chè VietGAP)...
Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè của các hội viên trong hợp tác xã ông Lê Đình Tú nói: Bình Sơn là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa khoảng 20 km về phía Tây.
Ông Lê Đình Tú, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, người đưa thương hiệu chè Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) lên tầng cao mới.
Khoảng 30 năm trước, Bình Sơn từng nổi tiếng với nghề trồng chè nhưng do năng suất, giá trị không cao nên một thời gian cây chè gần như bị lãng quên ở đây. Chỉ còn một số nông dân vùng đất này vẫn tiếp tục gắn bó với cây chè.
Ông Lê Đình Tú, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn cho biết, năm 1995 ông rời quê hương ở xã Đông Cương, TP Thanh Hoá lên đây lập nghiệp.
"Ngày đó, Bình Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Triệu Sơn, đất đai toàn rừng núi, cây dại. Năm 1992, cây chè được đưa vào Bình Sơn trồng thử nghiệm theo dự án 327. Kể từ đó, cây chè đã bén rễ với mảnh đất này, trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo. Hiện xã Bình Sơn gần 400 ha chè, với hơn 400 hộ trồng chè, chế biến và dựa vào chè để sống", ông Lê Đình Tú, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn nói.
Dù cây chè đã gắn bó với người dân Bình Sơn từ lâu nhưng với việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cây giống cũ nên năng xuất kém khiến cho cây chè trước đây khó phát triển, thu nhập thấp nên người dân không mấy mặn mà.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong lần tới thăm vườn chè của HTX Bình Sơn.
Đến năm 2016 ông Lê Đình Tú được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp xã Bình Sơn, với vai trò vị trí công tác của mình ông đã tìm hướng đi mới để chỉ đạo HTX phát triển đi lên.
HTX đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế chăn nuôi, sản xuất nông lâm nghiệp đồi rừng phù hợp với tình hình thực tế tại xã miền núi Bình Sơn để nâng cao đời sống người dân trên địa bàn và theo kịp xu thế kinh tế thị trường hiện nay.
Sau khi kiện toàn HTX đã đi vào hoạt động ổn định, được Đảng ủy, UBND xã giao cho HTX chỉ đạo công tác sản xuất nông lâm nghiệp và cung ứng cây con giống vật tư nông nghiệp các loại, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm mà xã có thế mạnh.
Là người am hiểu địa bàn, biết được những sản phẩm nào là chủ lực của địa phương, ông Lê Đình Tú và các thành viên HTX quyết định chọn chè búp khô và mật ong để đi tiếp thị trên thị trường, phân công từng thành viên đảm nhiệm từng công việc, từng khâu cụ thể, gắn với trách nhiệm được giao nên hiệu quả công việc rất cao
Ngoài ra, ông Lê Đình Tú đã vận động người dân mở rộng được diện tích chè của xã, chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của địa phương.
Đến năm 2019, sản phẩm chè khô Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chính là cơ hội lớn để thương hiệu chè Bình Sơn bay xa, khẳng định chất lượng và khả năng phát triển tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, để gia tăng thu nhập, ông Lê Đình Tú và bà con xã Bình Sơn đã tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để nuôi ong lấy mật.
Từ khi HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Bình Sơn "vào cuộc", giá trị kinh tế của chè và cuộc sống của người trồng chè đã được nâng lên rõ rệt.
Cùng với chè, mật ong hoa rừng nguyên chất của HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn cũng được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao.
Với sự nỗ lực của ông Tú và các thành viên đến nay, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn do ông Tú dẫn dắt đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh Thanh Hoá và đang từng bước khẳng định chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu Bình Sơn trên thị trường.
Phát triển xanh, bền vững từ cây chè
Hiện vùng sản xuất chè của Bình Sơn tập trung ở 3 thôn đó là thôn Đông Tranh, thôn Cây Xe và thôn Thoi.
Trong những năm gần đây để nâng cao năng xuất của cây chè, người dân trồng chè ở Bình Sơn đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, người trồng chè ở Bình Sơn đã áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP,3 hữu cơ) trồng bổ sung thay thế diện tích chè cằn xấu bằng các giống chè chất lượng cao, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành đưa vào trồng chủ yếu là các giống chè PH8 và lai F1.
Dù cây chè Bình Sơn đã hồi sinh, có chỗ đứng trên thị trường nhưng theo ông Tú, để vùng nguyên liệu này phát triển bền vững, giữ được thương hiệu sản phẩm trong bối cảnh kinh tế thị trường không phải là điều dễ dàng.
Ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cải tạo đất, chọn giống, HTX còn đặt mục tiêu phát triển cây chè theo hướng xanh, bền vững.
"Đây là sản phẩm dùng để uống nên từ khâu trồng cho tới chế biến, chúng tôi rất coi trọng yếu tố an toàn cho người dùng. HTX Bình Sơn hiện có 12 ha chè chuẩn VietGAP. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích chè theo hướng hữu cơ, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng để tăng thu nhập cho người dân...", ông Tú bổ sung.
Gây dựng được thương hiệu đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn nên chúng tôi hướng tới xây dựng vùng chè sạch, an toàn, tất cả đều phải từ thiên nhiên" ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Bình Sơn nhấn mạnh.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn do ông Lê Đình Tú làm giám đốc đã đầu tư xây dựng khu nhà xưởng, nhà kho, khu tập kết nguyên vật liệu vào ra và đầu tư hệ thống máy móc theo dây chuyền tự động hóa.
Hiện hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn có gần 80ha chè (trong đó có 12ha chè theo tiêu chuẩn VIETGAP). Quy mô hoạt động của hợp tác xã cũng được mở rộng với 20 xã viên chính thức và 100 thành viên liên kết.
Ngoài ra, hiện trên địa bàn xã Bình Sơn có hơn 400 hộ nuôi ong, sản lượng trung bình đạt khoảng 5.300kg mật/năm. Với giá bán tại chỗ dao động 150 - 170 nghìn đồng/lít, nhiều gia đình trong xã có thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.
Với những nỗ lực trong sản xuất nông nghiệp, ông Lê Đình Tú đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023". Ông Tú là 1 trong 2 nông dân Thanh Hóa nhận được vinh dự này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.