Một người Đức gốc Việt khởi nghiệp từ lò sấy

Chủ nhật, ngày 20/04/2014 07:16 AM (GMT+7)
Những miếng xoài sấy vừa ráo mật, vàng tươi, thơm ngọt. Cắn một miếng, nhai chậm nghe mùi thơm, vị chua ngọt mới thấy khi xoài cát chu lên đời, xoài Thái sẽ khó theo kịp.
Bình luận 0
Ông Võ Phát Triển, đã sấy xoài từ xưởng nhỏ mô hình của gia đình, mời và nhìn mọi người thưởng thức. Ông dự định làm một nhà máy lớn hơn ở Thanh Bình, Đồng Tháp.

Xoài là một trong mười loại trái cây nhiệt đới có tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trên 36.100ha, 85% sản lượng tiêu thụ trên thị trường ở dạng tươi. Việc chế biến chủ yếu theo phương pháp thủ công hoặc công nghệ lạc hậu nên tỷ lệ hao hụt trên 30%. Một cán bộ thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết: vào mùa trái chín rộ, đụng hàng dội chợ, giá xoài rẻ như bèo. Thương lái đóng hàng chở ra Bắc bán qua Trung Quốc, nhưng xoài, nhãn tiêu da bò, chôm chôm, dưa hấu… và nhiều thứ khác có thể gặp cảnh thừa ế, khê đọng, khóc ròng bất kỳ lúc nào.
Ông Triển và mẫu xoài sấy.
Ông Triển và mẫu xoài sấy.

Ông Triển cố gắng mô tả những nét khác biệt trong hệ thống sấy từ hơi nước: thiết bị gọn, có thể tháo ráp, tuỳ theo nguyên liệu đưa vào lò: trái cây, ớt (theo độ đường, sấy khô hoặc sấy dẻo) và thuỷ sản với hy vọng góp một chút sức lực vào việc cạnh tranh của địa phương. Tại Frankfurt, Đức, ông Triển sẽ lập công ty Vo.Soeane chuyên nhập – xuất khẩu nông sản chế biến từ Việt Nam.

Vùng chuyên canh ớt và vùng trồng xoài quanh huyện Thanh Bình có sản lượng ớt hàng năm 24.000 – 25.000 tấn, phần lớn phơi nắng theo sân bãi để bán sang Trung Quốc. Thương lái luôn “lạc quan” vì Trung Quốc không quan tâm tới vệ sinh an toàn thực phẩm; giá ớt bình quân 12.000 – 13.000 đồng/kg, có lúc lên tới 20.000 – 25.000 đồng/kg, nông dân lời gấp 5 – 6 lần trồng lúa. Nhưng với cách trồng, phơi khô ngoài trời như hiện nay chỉ có thể bán cho Trung Quốc, không thể mở thêm thị trường khác.

Sấy là giải pháp thoát khỏi tình trạng này và hoàn toàn có thể cải thiện giá cả, ông Triển tin như vậy.

Đối với ông, 35 năm làm việc miệt mài với lò sấy, nồi hơi, máy tính… lắp đặt, vận hành lò sấy công nghiệp ở Đức, ông Triển hiểu giá trị công nghệ mà ông đem về bằng trí tuệ, tiền của từ gia đình mình. Vấn đề phía trước là hướng dẫn nhà vườn trồng cây theo hướng an toàn để có nguyên liệu “đàng hoàng” chế biến rồi bán qua châu Âu.

Máy móc đã được lắp đặt ở Thanh Bình, chỉ còn một số thiết bị ngoại vi. Cả đồng bằng chỉ vài nhà máy đóng hộp khóm, chôm chôm, nấm rơm nhưng đã chết dần chết mòn hoặc “còi – đẹt”. Do đó một chương trình nghiên cứu của Úc khi phát hiện dự án này đã hứa sẽ hỗ trợ chương trình huấn luyện nông dân để thúc đẩy dự án. TS Võ Thị Thanh Lộc, người trực tiếp khảo sát dự án, cho biết.

Giai đoạn 1, theo dự án Viet – Duc Food technology của ông Triển, mức đầu tư khoảng 85 tỉ đồng xây dựng nhà máy có năng lực chế biến 1,1 triệu tấn ớt nguyên liệu thành 468.000 tấn ớt sấy theo tiêu chuẩn sạch; 1,123 triệu tấn xoài tươi thành 56.160 tấn xoài sấy. Giai đoạn 2 cần thêm 130 tỉ đồng nữa để đạt tổng giá trị hàng hoá 255,4 tỉ đồng/năm.

Lần đầu tiên, ông Triển gặp cùng một lúc lãnh đạo 4 – 5 sở ngành cấp tỉnh vào ngày 2.4, nhưng trong câu chuyện khởi nghiệp hé lộ một vài điều chưa ổn trong việc uỷ quyền cho người lo mặt bằng làm nhà máy. Ông Triển ngỡ ngàng khi biết có thể sẽ mất khá nhiều thời gian để chuộc lại đất khi “người được uỷ quyền” đi cầm cố giấy đỏ. Chậm tiếp xúc trực tiếp với chính quyền và các cơ quan chuyên trách địa phương để làm đúng đường đi nước bước là sai lầm lớn nhất khi trở về quê thực hiện ước mơ tốt đẹp của mình. Lãnh đạo sở Kế hoạch và đầu tư, sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết cách đây một tháng, tỉnh biết được tình hình và đã hướng dẫn thủ tục cho ông nhập quốc tịch Việt Nam.
Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị) (Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem