Một nhà báo Việt Nam thách đấu đệ tử Hoàng Phi Hồng

Thứ bảy, ngày 09/04/2011 11:09 AM (GMT+7)
Dân Việt - Phóng viên Dân Việt đã có lời thách đấu và tỉ võ với các môn hạ của Hoàng Phi Hồng ngay tại Bảo Chi Lâm (võ đường của Hoàng sư phụ). Một cuộc chiến vô tiền khoáng hậu đã diễn ra.
Bình luận 0

Kỳ 1: Hành trình đến với cuộc đại chiến

Phật Sơn, thành phố nhuốm đầy huyền thoại, nơi đây đã in dấu chân của hầu hết các bậc anh hùng võ thuật xưa (nay gọi là ngôi sao võ thuật): Lục A Thái, Hoàng Kỳ Anh, Diệp Vấn, Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt...

Nằm cách thủ phủ Quảng Châu 70 km, đây là thủ đô võ thuật của toàn Trung Hoa và trái tim của cái thủ đô đầy kiêu hãnh ấy là Bảo Chi Lâm: Nhà thuốc – võ đường của Hoàng Phi Hồng. Đó là vị anh hùng kiệt xuất cả trong đời thực và trên phim ảnh. Khi ngồi trên tầu điện ngầm từ Quảng Châu đến đây, tôi không ngờ mình lại có vinh dự hành lễ trước bàn thờ Hoàng sư phụ và càng không ngờ rằng mình sẽ là người thách đấu và bước vào cuộc đấu võ với các cao thủ võ lâm tại Bảo Chi Lâm.

img
 

Múa gậy bán thuốc cao

“Nghề nào cũng có vua – Nghề nào cũng có ăn mày”. Câu thành ngữ ấy được toàn dân Trung Hoa quán triệt và lấy đó làm tư tưởng để tiến thân. Không có nghề hèn hạ, miễn làm tốt công việc của mình là sẽ được coi trọng. Trong các nghề “đầu đường xó chợ”, múa gậy bán thuốc cao là một trong những nghề bị khinh rẻ nhất. Lúc cơ hàn, chính Hoàng Phi Hồng đã lấy nghề này để nuôi thân.

Sau này, khi đã trở thành tài chủ lớn (chủ hiệu thuốc Bảo Chi Lâm lớn nhất Quảng Đông), quãng đời này của ông thường hay bị các đối thủ nhạo báng, tuy nhiên ông không coi chuyện đó là tủi hổ. Không những thế, kể cả khi đã giàu sang, mỗi khi thành phố Phật Sơn có hội hè gì thì Hoàng Phi Hồng (Có lúc đã từng là Điện Tiền tướng quân thống lãnh quân dân Đài Loan kháng Nhật) vẫn cởi áo, vác giáo lên đài diễn võ, sống lại thời múa gậy bán thuốc cao.

Có lẽ vì tư tưởng ấy truyền lại cho thế hệ sau nên Bảo Chi Lâm hiện nay vẫn còn giữ nguyên truyền thống “mãi võ”. Tất nhiên công nghệ “mãi võ” đã có những bước tiến và cải cách quan trọng để Bảo Chi Lâm hiện nay có thể nói còn thu nhập cao hơn khi Hoàng Sư phụ còn sống. Để bước vào thế giới võ thuật tại Bảo Chi Lâm, du khách phải bỏ ra 25 tệ tiền mua vé vào cửa. Tấm vé ấy sẽ mở ra cho du khách một buổi tiêu tiền trong háo hức.

img
 Con lân đớp tiền quá điệu nghệ

Không có cảnh bán đồ lưu niệm tràn lan, mọi đồ lưu niệm tại đây đều dính dáng đến Hoàng sư phụ (Những đồ vật ông thường dùng khi sinh thời): Hai hòn đá tròn cầm gọn trong lòng bàn tay, chuỗi hạt đá đeo tay, chiếc quạt bằng lụa trắng và dải lụa buộc trán (Để mồ hôi không chảy xuống mắt khi đấu võ).

Hơn thế nữa, để mua được thứ hàng lưu niệm ấy không đơn giản, tấm vé khi vào cửa được đưa vào hộp quay số đánh thứ tự: Số 1: được mua hai hòn đá tròn để tập bàn tay, số 2: chuỗi hạt, số 3: Chiếc quạt, số 4: dải lụa, số 5: Ra bên ngoài mà mua, số 6: xin lỗi, vẫn ra ngoài mà mua. Mỗi người lại phải cầm cuống vé có tên đồ vật mình được mua lên quầy bán lưu niệm để mua đồ.

Tôi may mắn được vào ô số 2, cậu sinh viên phiên dịch đi theo tôi vào ô số 6 (thế mới sầu đời). Tôi phớn phở lên quầy bán đồ lưu niệm chọn ngay chuỗi hạt bằng đá màu đen, lúc trả tiền, biết giá là 150 tệ (gần 500.000 đồng), thấy ngơ ngẩn cả người.

Chả là tôi định mua chuỗi hạt này tặng cho ông anh cùng cơ quan, ông này mê võ thuật, mê Hoàng Phi Hồng đến nỗi tập võ đến gãy cả chân, bây giờ vẫn đang tập tễnh mà nghe tôi nhắn về là có qua Bảo Chi Lâm đã mừng rú lên, lại dặn mua cho một cái gì đấy để làm lưu niệm. Biết đắt thế này cứ về béng Việt Nam mua đại mấy cái chuỗi hạt (khoảng vài chục nghìn) rồi nói phét là “madein Bao Chi Lam” thì giời cũng chả biết.

Đang ngơ ngẩn vì tiếc tiền thì thấy một anh chàng to béo phục phịch, đầu nhẵn thín bước ra gọi tôi lại rồi chào theo lối nhà võ. Hay là mình thiếu tiền, hay là gã này gạ mình đánh nhau... tôi luống cuống, mồm thì “sorry” liên tục, anh chàng này gập mình một cái nữa rồi hay tay đưa cho tôi một tờ giấy đỏ chói bọc trong túi ni lông rất đẹp. Sau khi “Thanks you”, anh chàng lại về vị trí của mình sau bàn bán đồ lưu niệm.

Cậu phiên dịch cười khi thấy tôi cầm ngược, cầm xuôi tờ giấy: “Anh biết cái khỉ gì mà định đọc. Đó là giấy chứng nhận của Ban Quản lý Bảo Chi Lâm rằng chuỗi hạt này được Quỹ Võ thuật Quốc gia Hoàng Phi Hồng tặng anh vì những đóng góp của anh với nền võ thuật Trung Hoa”. Tôi giật mình “Tớ có đóng góp quái gì đâu?”- “Thì anh vừa bỏ ra 150 tệ đấy thôi”.

Giời ôi! Sướng quá, vinh dự quá! Vừa oai, vừa khoái, giá kể bây giờ có bảo tôi bỏ hết tiền trong túi ra mua lấy mấy cái “chứng nhận” ấy thì cũng chả còn tiếc tiền nữa. Nhưng quy định thế rồi, mỗi cuống vé chỉ được mua một thứ đồ (nếu bắt thăm trúng). Chả còn được cơ hội tiêu tiền nữa, tiếc thật.

Lạy cụ Hoàng! Bây giờ, con đã biết sao cái dân Phật Sơn, dân Quảng Đông này giầu nhất Trung Hoa rồi. Kiểu làm ăn của các cụ khiến người ta bỏ vô khối tiền ra mà vẫn còn hận mình chưa được tiêu thỏa sức! Bái phục! Bái phục!

Khiến Thành Long phải ghen tị

Quanh quẩn khắp Bảo Chi Lâm, 9 h bỗng có tiếng thanh la ầm ĩ, dòng người cuồn cuộn đổ về sân diễn võ. Vòng người chật như nêm chừa lại một khoảng trống giữa sân diễn võ. Đúng tác phong “mãi võ” rồi.

Trên cái khoảng trống ấy nào gươm, nào giáo, nào gậy… bay vi vút như bông vụ. Người lộn, kẻ chém, người đấm, kẻ đá… thanh la thì cứ phèng phèng giục người ta rối rít tìm chỗ ngồi, mãi sau mới có được một vòng tròn ổn định. Hóa ra phút loạn đả đầu cuộc ấy nhằm duy trì cái vòng tròn, lấy khoảng trống để diễn võ (Gươm đao bay loạn xạ như thế, bố anh nào dám lấn vào trong).

img
 

Trên khoảng trống ấy bắt đầu diễn võ: Lúc thì Túy quyền say nghiêng ngả, lúc thì Hổ hạc song hình nhìn theo cũng thấy hoa cả mắt, lại còn vô ảnh cước đá nhau túi bụi… Nhưng xem mãi cũng chán (Thì cũng như trên phim Hongkong chứ có khác gì).

Tiếng chiêng bỗng “beng” một cái, đám diễn võ chạy dạt hết ra, con lân lông trắng, mắt xanh lộn ba vòng rồi đứng thẳng giữa sân diễn võ: Hóa ra là Hương lân nổi tiếng của Bảo Chi Lâm, con lân yểu điệu này được bà vợ cả và vợ thứ tư của Hoàng sư phụ sáng tạo ra. Phải nói là múa đẹp mê hồn. Nhất là chiêu Hương lân quá giang, con lân bay qua 3 cọc gỗ, cúi đầu gần sát đất rồi nhanh nhẹn chạy đủ một vòng đớp không trượt một tờ tiền nào của khán giả chìa ra. Hàng đống tiền chứ chả chơi!

Rồi Hương Lân cũng khuất dạng, đội lân “ăn giải cạn” của Phật Sơn suốt trăm năm nay bắt đầu thì triển tài nghệ. Nhẩy múa dậy đất, chiêng trống vang trời, rồi cả đám đông lặng phắc khi hai cây cột cao gần 10 m được chuyển ra giữa sân. Hai con lân đầu đàn leo thoăn thoắt lên đỉnh cột, từ trên đỉnh cái cột cao ngất ấy mấy vật tròn tròn, đo đỏ được tung ra, cả đám đông như dòng thác hướng về mấy quả hồng cầu ấy.

Một quả đập vào ngực tôi, đang cầm lên định ngắm nghía thì dòng thác người đã giật mất quả cầu ấy. Cô thế, tôi chả dám kháng cự, vả lại, chỉ có quả hồng cầu chứ có quái gì đâu. Cùng lắm thì như các phim Tầu tôi đã xem, kiểu gieo hồng tú cầu này dễ là để kén rể lắm. Tôi thì đã có vợ rồi nên chẳng màng, có phải như thời cụ Hoàng đâu mà được lấy nhiều vợ (Hoàng sư phụ có 4 vợ). Hơn nữa, làm rể ở xứ này, lúc vợ nó đánh cho thì biết đường nào mà về mách mẹ. Bỏ qua!

Nhưng bỏ đi có phải dễ đâu! Con lân đầu đàn tụt từ đỉnh cột xuống rồi bỏ cái đầu lân ra, đó là một anh chàng bé như cái kẹo, anh chàng tiến đến lấy lại quả tú cầu tôi vừa bị giật mất đến trao tận tay cho tôi rồi cầm tay tôi giơ lên cao. Mọi người hoan hô ầm ĩ!

Cậu chàng phiên dịch ghen tị: “Sướng thế! Anh được thách đấu với Bảo Chi Lâm rồi”. Cu cậu giảng giải: Ai được gieo trúng quả tú cầu này sẽ được thách đấu và đấu võ với các võ sư ở đây.

Cha mẹ ôi! Sướng cái nỗi gì, mấy ông to vật kia mà cho mình dăm cái “vô ảnh cước” thì còn gì là đời. Cậu phiên dịch vẫn liến thoắng: Dăm thì mười họa, vào dịp đặc biệt nào đấy tại đây mới gieo tú cầu chọn người đấu võ, có được cơ hội ấy là hân hạnh đặc biệt lắm. Ngay cả Thành Long, ngôi sao võ thuật cả thế giới biết tiếng cũng còn phải thèm khát cái dịp may này. Khi đến đây, Thành Long đã mất hai ngày, cộng với sự tác động của Sở Thể dục thể thao Phật Sơn và Ban quản lý bảo tàng Hoàng Phi Hồng thì mới được chấp nhận lời thách đấu.

Đã thế thì đánh nhau, sợ cóc gì? Theo chân anh Lương Kế, nhân viên bảo tàng lên chỗ đăng ký, tôi giữ riệt cậu phiên dịch bên mình. Nhỡ lúc xin thua mà mình không biết tiếng Quảng Đông thì làm thế nào?

Lo hão là thế nhưng lúc bước vào đánh nhau thật thấy cũng vui ra phết...

-----------

Kỳ 2: Đấu võ với đệ tử Hoàng Phi Hồng - Ăn đòn vẫn sướng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem