Tất bật “thay áo” cho vườn mai vàng, nông dân Đà Nẵng mong bội thu vụ hoa Tết

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ bảy, ngày 30/12/2023 05:41 AM (GMT+7)
Từ giữa tháng 11 Âm lịch, các nhà vườn mai vàng ở thành phố Đà Nẵng khẩn trương xuống lá mai (lặt lá mai), với một kỳ vọng nghề trồng mai vàng sẽ khoe sắc đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bình luận 0

Theo lời các nhà vườn trồng mai, những năm trước, thời điểm lặt lá khoảng từ rằm tháng 11 Âm lịch, nhưng do năm nay thời tiết ấm nên việc lặt lá trễ hơn để hoa mai kịp nở trong dịp Tết.

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 1.

Ông Định lặt lá mai từ 15 đến 20/11 Âm lịch để cây kịp nuôi búp và bung nở đúng Tết. Ảnh: T.N.

Với vườn mai có số lượng 100 chậu lớn nhỏ, ông Hoàng Văn Định (50 tuổi, trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho biết: "Năm nay thời tiết có phần ấm hơn nên những cây lớn sẽ ưu tiên lặt lá trước, những cây nhỏ thì lặt lá sau. Thời gian lặt lá từ 15 đến 20/11 Âm lịch để cây kịp nuôi búp và bung nở đúng Tết".

Vào cao điểm mùa vụ, vườn mai của ông có khoảng 5 nhân công lặt lá mai, với tiền công 300.000 đồng/người/ngày.

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 2.

Để cây mai có dáng đẹp, từ nhiều tháng trước ông Định đã uốn nắn lại các cành, cắt tỉa cành phụ để bảo vệ cây khỏi sâu bệnh hại. Ảnh: T.N.

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 3.

Lặt lá mai nhìn thì đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng yêu cầu cao, đòi hỏi người thợ có nhiều kỹ thuật và phải có sự kiên nhẫn, khéo léo. Ông Định cẩn thận lặt từng lá, để tránh tay va chạm mạnh làm gãy cành, gãy búp hoa chưa kịp bung trổ. Những tán lá ở trên cao thì ông phải kê ghế, bắc thang để lặt.

Để cây mai có dáng đẹp, từ nhiều tháng trước ông Định đã uốn nắn lại các cành, cắt tỉa cành phụ để bảo vệ cây khỏi sâu bệnh hại. Ông bón phân hữu cơ cho cây đều đặn mỗi tháng một lần, giữa năm thì bón thêm phân kali để cung cấp dinh dưỡng giúp cây đậu hoa nhiều.

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 4.

Việc lặt lá mai đòi hỏi người thợ có nhiều kỹ thuật và phải có sự kiên nhẫn, khéo léo. Ảnh: T.N.

Đến thời điểm hiện tại thì hầu hết các nhà vườn trồng mai ở Đà Nẵng năm nay đều có chất lượng tốt, cho búp nhiều và khả năng hoa nở đúng Tết cao.

Cẩn thận lặt từng lá mai, ông Nguyễn Quang Mỹ (51 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) phấn khởi nói: "Vườn mai của tôi có gần 100 cây mai, đa số có tuổi đời từ 30 đến 70 năm, với 3 loại mai đọt xanh (Quảng Nam), mai Huế và mai Hồng Diệp (miền Nam). Không phải lúc nào lặt lá mai Tết cũng được mà phải canh đúng thời điểm, thời tiết và tùy vào độ tuổi, loại mai.

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 5.

Để lặt những tán lá trên cao, người thợ phải kê ghế hoặc bắc thang trèo. Ảnh: T.N.

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 6.

Những cây mai lớn tuổi thì thường khả năng trổ hoa đúng Tết cao, nên tôi canh thời gian trước Tết khoảng 35 ngày là bắt đầu lặt toàn bộ lá để cây tập trung chất dinh dưỡng cho hoa. Sau khi lặt lá, thì tuỳ vào thời tiết sẽ bón phân thêm cho cây, búp đã lớn thì giảm tưới nước. Còn nếu búp nhỏ thì siêng tưới để thúc cho mai nở hoa đúng ngày Tết".

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 7.

Để xác định ngày lặt lá mai thật chuẩn thì cách tốt nhất là quan sát búp hoa xuất hiện trên cây. Ảnh: T.N.

Ông Mỹ thường cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thuê mai chưng dịp Tết với giá từ 15-20 triệu đồng/cây (tùy loại). Ngoài ra, thỉnh thoảng ông xuất bán vài cây mai với giá từ 200-300 triệu đồng/cây. Chính vì thế, ông luôn tỉ mỉ chăm sóc vườn mai với hi vọng năm nay hoa sẽ nở đúng Tết, đem lại thu nhập sau một năm vất vả chăm sóc.

Theo ông Nguyễn Cày (61 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), nếu nhà vườn không lặt lá mai thì cây mai vẫn ra hoa, nhưng hoa không nhiều và không đẹp. Vì thế, việc lặt lá sẽ giúp cây mai cho hoa đẹp hơn, đồng thời phô ra dáng và gốc của cây, giúp người mua cảm nhận được vẻ đẹp trọn vẹn của cây mai.

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 8.

Ông Dũng tất bật lặt lá cho vườn mai, với hi vọng một mùa hoa mai Tết thắng lợi. Ảnh: T.N.

Để xác định ngày lặt lá mai thật chuẩn thì cách tốt nhất là quan sát búp hoa xuất hiện trên cây. Từ mùng 10 tháng 11 Âm lịch quan sát búp mai xem nếu kích thước nhỏ, lá xanh, thời tiết lạnh thì lặt lá sớm; nếu búp to, lá ngả vàng, thời tiết ấm thì lặt trễ.

Ngoài ra, với loại mai đọt xanh thì ông Cày lặt lá trước Tết 7 tuần, với loại mai Hồng Diệp thì lặt lá trước Tết 6 tuần.

Ông Cày bộc bạch: "Với vườn mai hơn 20 cây, tôi dậy từ 4 giờ sáng để lặt lá mai hoặc buổi chiều để tối đến mát trời, mai không bị mất sức, sẽ ra hoa đẹp và khỏe hơn. Lặt lá mai cũng rất mỏi tay, mỏi cổ, nhưng vừa làm vừa đón chờ thành quả mai vàng khoe sắc thì tôi rất háo hức".

Tất bật “thay áo” cho cây mai, nông dân Đà Nẵng kỳ vọng điều gì trong dịp Tết Nguyên đán 2024? - Ảnh 9.

Ông Cày lặt lá mai vào sáng sớm hoặc buổi chiều để tối đến mát trời, mai không bị mất sức, sẽ ra hoa đẹp và khỏe hơn. Ảnh: T.N.

Nhiều nhà vườn cho biết đến thời điểm này có thể nhận định được phần lớn chất lượng mai năm nay tương đối tốt, giá cho thuê và bán mai sẽ không tăng so với mọi năm. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, các nhà vườn trồng mai hi vọng hoa sẽ trổ đúng dịp Tết, sức mua khá để đón chào một mùa mai vàng rực rỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem