Một nông dân Quảng Bình trồng cam, quýt, cây thấp tè đã ra trái quá trời, lãi 500 triệu/năm
Một nông dân Quảng Bình trồng thứ cây thấp tè đã ra trái quá trời, đất đồi gò "nở" 500 triệu/năm
Trần Anh
Thứ năm, ngày 30/11/2023 05:55 AM (GMT+7)
Ông Trần Thiện Thuật, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cải tạo vùng đất gò đồi khô cằn thành trang trại nuôi lợn và trồng cam, trồng quýt... mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế trang trại của Hội Nông dân huyện, xã trên địa bàn, năm 2016, ông Trần Thiện Thuật mua 2,2 ha đất vùng gò đồi thuộc thôn Vĩnh Tuy 1, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để phát triển kinh tế.
Clip: Ông Trần Thiện Thuật (ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn và trồng cam, trồng quýt cho trĩu quả trên vùng đất đồi gò.
Ban đầu, ông Thuật trồng cây bạch đàn ở vùng gò đồi này nhưng không mang lại hiệu quả mà còn có nguy cơ làm đất bạc màu. Trước tình hình đó, ông mượn người thân và tới Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh vay thêm 50 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm để cải tạo lại trang trại.
Có vốn trong tay, ông Thuật xây dựng 400m2 chuồng trại nuôi lợn, đào khoảng 6.000m2 hồ nuôi cá và lấy nước từ hồ cá để tưới cho cây trồng. Cùng với đó, ông trồng 200 cây ổi Đài Loan, 120 cây dừa Xiêm, còn lại hơn 1 ha trồng cam V2 và quýt Phủ Quỳ.
PV Dân Việt đến trang trại ông Trần Thiện Thuật đúng thời điểm ông vừa thu hoạch xong vụ cam, ông Thuật phấn khởi nói: "Năm nay cam được mùa em à! Với 400 gốc cam, gia đình tôi vừa hái được 10 tấn rồi mang bán với giá 30.000 đồng/kg thu về 300 triệu đồng".
Chỉ tay vào vườn quýt trĩu quả, ông Thuật tiếp lời: "Quýt nhà tôi cũng gần thu hoạch, nhìn xanh thế chứ chín rồi, mọng nước lắm, hái đi bán vào dịp Tết sẽ đắt khách.
Cam quýt nhà tôi đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap từ tháng 10/2023 và tôi cũng đã hoàn thiện hồ sơ, chờ tỉnh nhà công nhận sản phẩm cam, quýt đạt chuẩn OCOP, khi đó, thương hiệu cam, quýt do chính tôi trồng sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng".
Ông Trần Thiện Thuật (ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bên vườn quýt đang cho trĩu quả. Ảnh: Trần Anh.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cam, trồng quýt cho ra nhiều quả
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Trần Thiện Thuật, chia sẻ: "Về chăn nuôi, tôi áp dụng phương thức nuôi khép kín, lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ.
Trang trại duy trì 30 lợn nái sinh sản, khi lợn con sinh ra tôi sẽ nuôi thành lợn thịt thương phẩm với số lượng thường xuyên 200 - 250 con. Mỗi năm, tôi xuất ra thị trường gần 45 tấn lợn hơi.
Tận dụng thức ăn dư thừa và phân từ chăn nuôi lợn, tôi làm phân bón cho cây trồng và làm thức ăn chăn nuôi cá. Mỗi năm thu hoạch hơn 1,2 tấn cá trắm, mè, trê phi…
Còn trong việc trồng trọt, tôi dùng phân lợn, ủ với vôi để làm phân bón cho vườn cây ăn quả. Vì vậy, vườn cây xanh tốt, ít sâu bệnh và cho quả nhiều. Mỗi năm tôi thu hoạch và cung cấp ra thị trường từ 15 - 17 tấn cam, quýt, gần 1 tấn ổi".
Theo ông Trần Thiện Thuật, để phòng tránh côn trùng gây hại cho cam, quýt, ông dùng một chai nhựa rồi quét ở phía ngoài một lớp keo có chất kết dính để những côn trùng tới gây hại bị thu hút bởi chai nhựa và dính chặt vào đó và việc làm này không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Với mô hình trang trại tổng hợp, khép kín, ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương và mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 500 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quang Tuyển – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh, (tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Ông Trần Thiện Thuật là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, ông đã mạnh dạn, dành công sức cải tạo vùng gò đồi để trồng cam, quýt rồi nuôi lợn và cho thu nhập cao. Vừa rồi, cam trong vườn nhà ông Thuật vào mùa thu hoạch, Hội Nông dân huyện Quảng Ninh và xã Vĩnh Ninh đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ, khi khách hàng sử dụng đều đánh giá chất lượng cam ngon, ngọt. Tới đây, đơn vị sẽ lập hồ sơ đề nghị công nhận hội viên này đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh Quảng Bình năm 2023".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.