Một nông dân Trà Vinh cải tiến máy nông nghiệp "3 trong 1" khiến cả làng phục lăn

Chủ nhật, ngày 18/06/2023 18:42 PM (GMT+7)
Với lòng say mê tìm tòi, sáng tạo, ông Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) đã cải tiến nhiều loại máy nông nghiệp.
Bình luận 0

Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phát Tài (ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), ông Trần Văn Chung không chỉ thực hiện tốt vai trò điều hành của mình với HTX và đưa HTX từ “con số 0” nay trở thành 1 trong 3 HTX hoạt động hiệu quả nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Với lòng say mê tìm tòi, sáng tạo, ông đã mạnh dạn đầu tư, cải tiến nhiều loại máy nông cụ giúp nông dân và thành viên hoạt động trong HTX giảm bớt sức lao động, nâng cao hiệu suất trong hoạt động ở các khâu cấy lúa, sấy lúa và vận chuyển…

Một nông dân Trà Vinh cải tiến máy nông nghiệp "3 trong 1" khiến cả làng phục lăn - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phát Tài (ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh bên máy trang lúa “3 trong 1” đảm nhận: rải lúa vào sàn sấy; tráo lúa và thu gom lúa sau sấy đưa vào dây chuyền hút.

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, ông kiên định với con đường mình đã chọn. Và những thành công của người “Kỹ sư nông dân” Trần Văn Chung là minh chứng thuyết phục mọi người. Ngoài sản xuất máy trang lúa “3 trong 1”; ông còn sáng chế, cải tiến máy cấy hàng thành “2 trong 1” với việc điều chỉnh độ rộng, hẹp trong việc đưa lúa giống xuống và trang đất, đánh rãnh nước được nông dân rất ưa chuộng.

Giúp lao động đỡ nhọc nhằn và tăng hiệu suất hoạt động của lò sấy lúa

Không ngừng sáng tạo đó là quyết tâm mà ông Trần Văn Chung luôn được mọi người gọi ví von “Kỹ sư nhà nông”, do điều kiện hoạt động của HTX luôn phải phơi sấy lúa thường xuyên sau khi thu mua lúa từ nông dân về. Trung bình mỗi mẻ của lò sấy lúa đạt khoảng 30 tấn/ngày đêm và đòi hỏi phải thường xuyên sử dụng lực lượng lao động từ 3-4 người. 

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, hệ thống trang lúa trong lò sấy đã được ông Chung nghiên cứu thành công và đưa vào vận hành, giảm lao động xuống còn 1 người và khâu xúc, chuyển lúa sau khi sấy xong qua bộ phận tách bụi, làm sạch lúa hoàn toàn tự động 100% (trước đây khâu này cần 5 lao động/mẻ sấy lúa).

Chia sẻ với chúng tôi, ông Chung cho biết: trong sấy lúa, phần trở lúa trong lò sấy là tốn thời gian và lao động nhiều nhất. Với chi phí đầu tư làm hệ thống trang lúa tự động khoảng 80 triệu đồng, khi đưa vào vận hành, HTX tiết kiệm từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/mẻ lúa.

Tùy vào độ ẩm của lúa khi đưa vào lò sấy, trung bình 1 mẻ lúa sấy 30 tấn phải thường xuyên cào trở lúa (5-6 tiếng/lần cào trở lúa) và cần 2 lao động (mỗi lao động thực hiện khoảng 2 giờ). Với hệ thống trang lúa hoàn toàn tự động được ông Chung nghiên cứu thành công và đưa vào vận hành, chỉ cần 01 lao động đảm nhận công việc điều khiển để thực hiện cào trở lúa.

Sau khi lúa đã sấy đạt theo yêu cầu; hệ thống trang lúa sẽ thực hiện cào gom lúa đã sấy để đưa vào hệ thống miệng thu gom. Từ miệng thu gom, sẽ được trục xoay hình xoắn ốc tiếp tục đưa lúa vào bể chứa để giê, tách hạt lép, vệ sinh lúa cho sạch và sau đó chuyền qua ống dẫn xuống bao để công nhân thực hiện công đoạn cân, may đóng bao.

Cải tiến máy cấy lúa thành “2 trong 1”

Do nhu cầu trong sản xuất giống của HTX hàng năm rất lớn (trên 300ha) và hỗ trợ cấy thuê cho bên ngoài HTX; trong khi đó, do điều kiện các vùng đất trồng lúa của tỉnh thường có độ lún cao và sử dụng các giống ngắn ngày, nên tỷ lệ nở bụi cũng cần phù hợp với khoảng cách trong quá trình cấy lúa. 

Trong khi đó, máy cấy lúa tay của các công ty máy cơ khí sản xuất bán ngoài thị trường có khoảng cách (bụi cách bụi; hàng cách hàng khá lớn 25cm).

Từ những hạn chế của máy cấy tay trên, trong vụ lúa đông - xuân năm 2022 - 2023, ông Chung đã nghiên cứu và mạnh dạn tháo rời các bộ phận gieo hạt của máy cấy tay để thay thế bộ trục có khoảng cách phù hợp với lúa ngắn ngày (từ 25cm giảm còn 20cm).

Ông Chung chia sẻ: qua nhiều lần thử nghiệm, thay hết trục này đến trục khác để có 1 khoảng cách phù hợp cho máy cấy khi chạy trên mặt ruộng để hạt lúa giống rơi xuống không bị gió tạt, làm lệch hàng. Ngoài ra, khi máy cấy hoạt động trên ruộng thường tạo ra 2 rãnh sâu từ bánh xe để lại, làm cho lúa rơi xuống đường rãnh bánh xe và hạt lúa ngập sâu, không nẩy mầm được…

Với những nhược điểm trên của máy cấy tay, được cải tiến và gắn thêm 1 ống trục nằm ngay phía sau bánh xe và phía trước các hộc để lúa giống, với nhiệm vụ vừa trang mặt ruộng bằng phẳng ngay phía sau bánh xe khi di chuyển để lại, đồng thời giúp nông dân trong quá trình vừa sạ giống vừa trang mặt ruộng cho bằng phẳng, hạn chế việc có quá nhiều rãnh nước trên mặt ruộng làm cho hạt giống lúa dễ úng, chết…

Với niềm say mê nghiên cứu của mình cùng với tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện vai trò của 01 giám đốc HTX, ông Trần Văn Chung còn là 1 hội viên cựu chiến binh gương mẫu, được tặng giấy khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh Trà Vinh. 

Ông Trần Văn Chung được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”. Hiện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh tiến hành làm thủ tục để đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

Hữu Huệ (Báo Trà Vinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem