Một ông nông dân Hải Dương quyết "di cư" cà rốt về trồng ở vùng đất mới, ai ngờ thu ngay tiền tỷ

Thứ ba, ngày 14/02/2023 10:11 AM (GMT+7)
Đưa cây cà rốt từ "thủ phủ" Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) về xã Hồng Phong (huyện Thanh Miện) để trồng, một ông nông dân Hải Dương đã thu tiền tỷ.
Bình luận 0

Ông nông dân Hải Dương di cư cây cà rốt về vùng đất mới

Đứng trên triền đê sông Luộc thuộc địa phận thôn My Động 2, xã Hồng Phong (Thanh Miện, Hải Dương), ông Trần Văn Khoẻ, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong chỉ tay về phía cánh đồng trước mặt, khoe: "Cả thảy phải hơn 40 mẫu trồng toàn cà rốt. Tất cả diện tích này do vợ chồng ông Phạm Văn Tới ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đứng ra canh tác". 

Cũng theo ông Khoẻ, cánh đồng này trước đây phần lớn người dân để hoang, cỏ mọc um tùm cao đến đầu người. Dù đất đai màu mỡ, phì nhiêu nhưng do trồng lúa cho hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chẳng mấy mặn mà. Từ khi gia đình ông Tới về đây, những thửa ruộng hoang khi xưa nay đã là những luống cà rốt xanh non mơn mởn, thẳng tăm tắp nhìn thật đã mắt. 

Câu chuyện của chúng tôi nhanh chóng bị cắt ngang khi vợ chồng ông Tới về tới nhà. Sau khi mời mọi người uống nước, ông Tới bắt đầu kể về quyết tâm di cư cây cà rốt của mình. 

Một ông nông dân Hải Dương quyết "di cư" cà rốt về trồng ở vùng đất mới, ai ngờ thu ngay tiền tỷ  - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tới đưa cây cà rốt từ xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) về xã Hồng Phong (huyện Thanh Miện) để trồng.

Đó là vào những ngày nắng cao điểm mùa hè 2002, gia đình ông Tới đến xã Đại Đồng (nay là xã Đại Sơn, Tứ Kỳ) để thuê lại hơn 10 mẫu đất ngoài sông Thái Bình. Với đôi bàn tay cần cù, chịu khó, vợ chồng ông Tới nhanh chóng biến vùng đất này thành nơi hái ra tiền từ trồng cà rốt. Do đất tốt nên cà rốt cho mẫu mã rất đẹp. Gia đình ông Tới trồng được bao nhiêu là thương lái ở khắp nơi đến thu mua hết. 

"10 năm gắn bó với mảnh đất mới này đã cho gia đình tôi có của ăn, của để. Khi kinh tế khá giả tôi tính đến phương án mở rộng sản xuất. Nếu xã Đại Đồng không chuyển đổi vùng đất đó sang mô hình VAC, có lẽ đến bây giờ tôi vẫn bám trụ ở đó", ông Tới kể.

Rời xã Đại Đồng, ông Tới quay trở về quê tiếp tục trồng cà rốt. Do không có đất để thuê nên ông Tới chỉ duy trì sản xuất trên diện tích hơn 6 sào ruộng của gia đình. Trong những năm này, ông Tới vẫn nung nấu ý định tìm vùng đất mới cho cây cà rốt. 

Năm 2018, cơ duyên đã đưa ông đến xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ở đây ông đã đứng ra thuê lại ruộng của hàng trăm hộ dân với tổng diện tích 50 mẫu. Có đất, ông huy động tất cả máy móc của gia đình để cải tạo, san gạt lại. Ngoài số tiền tích cóp được, ông còn đi vay hơn 2 tỷ đồng để đầu tư vào ruộng đồng. Nghĩ lớn, làm lớn nên toàn bộ quy trình sản xuất, ông Tới áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch. 

Đến năm 2022, ông Tới tiếp tục tìm về xã Hồng Phong (Thanh Miện) để thuê đất làm giàu và cà rốt vẫn là cây chủ lực. Hiện nay ông đã biến cánh đồng hoang hoá ngày nào trở thành "bờ xôi ruộng mật". Vừa qua, 5 mẫu cà rốt được gia đình ông Tới trồng sớm nhất đã cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 25 tấn, giá bán mỗi cân 4.000 đồng. Diện tích này khi trồng gặp mưa lớn kéo dài nên chất lượng và năng suất không cao. Dự kiến gần 40 mẫu còn lại sẽ cho năng suất cao hơn vì thời tiết thuận lợi hơn. 

Một ông nông dân Hải Dương quyết "di cư" cà rốt về trồng ở vùng đất mới, ai ngờ thu ngay tiền tỷ  - Ảnh 2.

Ông Tới sử dụng hệ thống tưới phun sương để tiết kiệm nhân lực.

Xây dựng sản phẩm OCOP cho cà rốt

Để có được cánh đồng cà rốt xanh tốt như ngày hôm nay, 4 thành viên trong gia đình ông Tới đã cùng 70 lao động địa phương phải làm việc 12 giờ/ngày bất kể trời mưa hay nắng gắt. Ngoài đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình thì công việc mà ông Tới đang làm còn góp phần xoá bỏ ruộng hoang, cải thiện đời sống cho nhiều người dân với việc làm ổn định. Đặc biệt hơn là hơn 40 mẫu cà rốt mà gia đình ông đang canh tác ở xã Hồng Phong đang được chính quyền địa phương lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP. 

Hiện nay toàn bộ vùng cà rốt mà gia đình ông Tới đang canh tác đều được áp dụng cơ giới hoá đồng bộ. Hệ thống tưới nước và thoát nước tự động cũng được ông chú trọng đầu tư với chi phí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc và sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để đưa cà rốt đi xuất khẩu. 

Vụ đông năm 2021, ông xuất bán hơn 30 tấn cà rốt ra thị trường nước ngoài, chiếm trên 40% tổng sản lượng. Với những lợi thế trong tay, khát vọng xây dựng cà rốt trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của xã Hồng Phong sẽ không còn xa. 

"Gia đình ông Tới đã mang đến làn gió mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã có một mô hình trồng cà rốt quy mô lớn và hiện đại như thế này. Sau khi vụ đông năm nay kết thúc, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm cà rốt của gia đình ông Tới trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Để khích lệ, động viên, chúng tôi cũng đang đề xuất huyện có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho vùng sản xuất tập trung quy mô lớn này", ông Trần Văn Khoẻ, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết.


Đỗ Quyết (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem