Một ông nông dân Long An trồng cây cảnh lạ, vì sao nhiều người hỏi mua không bán, chỉ cho mượn?
Một ông nông dân Long An trồng cây cảnh lạ, vì sao nhiều người hỏi mua không bán, chỉ cho mượn?
Thứ hai, ngày 02/01/2023 05:06 AM (GMT+7)
Qua bàn tay khéo léo, ông Đặng Phước Sinh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) “hô biến” cây cảnh thành nhiều con vật sống động như đại bàng, rồng, hươu cao cổ, nai,...
Có dịp đi ngang qua nhà ông Phước Sinh tại ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), ai nấy đều trầm trồ khu vườn độc, lạ với hàng chục con vật được tạo hình từ cây cảnh.
Nhấp ngụm trà, ông Phước Sinh chậm rãi kể về "mối duyên" với kiểng thú: “Tôi mê loại hình nghệ thuật này nên tự tìm tòi, học hỏi rồi làm hơn 10 năm nay. Mỗi khi đi du lịch, tham quan, có dịp tiếp xúc với các con vật hoặc mô hình con vật, tôi đều chụp ảnh giữ lại để ngắm nghía, nghiên cứu”.
Qua bàn tay khéo léo, ông Đặng Phước Sinh "hô biến" cây cảnh thành nhiều con vật sống động. Mô hình trồng cây cảnh thú (cây kiểng thú) của ông Sinh tại gia đình ở ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).
Vừa nói, ông vừa cẩn thận lật từng trang vở cho chúng tôi xem. Quyển vở lưu giữ tất cả hình ảnh về các con vật được ông sưu tập trong nhiều năm qua.
Được biết, muốn tạo hình thú từ cây cảnh, trước tiên, người làm phải am hiểu về loài vật đó, nhất là tỷ lệ cơ thể. Để hoàn thiện một kiểng thú có nhiều công đoạn: Vẽ phác thảo hình dáng của con vật trên giấy, tạo khung, ốp cây theo khung, cắt tỉa cây. Trong đó, ốp cây sao cho phù hợp với hình dáng của con vật được xem là công đoạn khó nhất.
Tác phẩm kiểng thú do ông Đặng Phước Sinh tạo hình
Ngoài ra, trong công đoạn tạo khung con vật, ông phải nhờ người thân ngắm nghía, góp ý xem đã tạo hình giống con vật cần làm chưa, nếu chưa thì sẽ chỉnh sửa.
Cũng theo ông Phước Sinh, cây được tạo hình là các loại cây dễ trồng, có sức sống mạnh như bùm sụm. Để hoàn thiện một tác phẩm, ông dành thời gian hơn 2 năm chăm sóc, tạo dáng.
Tùy theo hình dáng, kích thước của con vật, người làm tốn khoảng thời gian khác nhau. Sau khi hoàn thiện, mỗi tháng, người chơi phải cắt tỉa để giữ cây luôn đẹp.
Không kinh doanh, ông xem công việc tạo hình cây cảnh là thú vui trong cuộc sống. Nhiều người đam mê kiểng thú tìm đến để mua nhưng đa số ông đều từ chối.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông cho địa phương mượn kiểng thú để trang trí. Được biết, trong số hàng chục tác phẩm cây cảnh tạo hình của mình, ông thích nhất kiểng thú hình con đại bàng. Ông dành hơn 2 năm để hoàn thiện tác phẩm này.
Theo ông Phước Sinh, đại bàng được mệnh danh là vua của các loài chim, là biểu tượng của sức mạnh, hình ảnh đại bàng tung cánh tượng trưng cho sự mạnh mẽ, dũng mãnh. Đến thăm nhà ông Phước Sinh, mọi người có dịp chiêm ngưỡng hình dáng oai vệ của 2 chú chim đại bàng đặt trước sân.
Một số tác phẩm cây cảnh thú, trong đó có kiểng thú hình con chim đại bàng mà ông Sinh tâm đắc nhất.
Trước đây, ông là hội viên Hội Sinh vật cảnh xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Ở tuổi xế chiều, sức khỏe có phần giảm sút nên ông không còn tham gia sinh hoạt như trước.
Ông Phước Sinh tâm sự: “Lớn tuổi rồi nên tôi không còn tham gia các hoạt động như trước nhưng tình yêu dành cho cây cảnh chưa bao giờ vơi. Hiện nay, tôi chủ yếu chăm sóc kiểng thú cũ. Mỗi ngày, được ngắm những con vật bằng cây cảnh do mình tạo hình giúp tôi tìm thấy niềm vui, sự thư giãn trong cuộc sống”.
Chưa từng học qua trường lớp, người đàn ông 80 tuổi này đến với kiểng thú bằng tất cả niềm say mê, tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.