Vì sao một doanh nghiệp trồng thanh long tiêu chuẩn toàn cầu ở tỉnh Bình Thuận thua lỗ hơn 18 tỷ đồng?

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 30/11/2021 06:15 AM (GMT+7)
Ngày 29/11, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Kính, giám đốc Công ty TNHH-XNK Cao Thành Phát (Km 30 huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), cho biết từ tháng 4/2021 dịch Covid-19 bùng phát đến nay, rồi giá xăng dầu, giá phân bón tăng cao khiến doanh nghiệp trồng thanh long của ông đã thua lỗ hơn 18 tỷ đồng.
Bình luận 0
Một doanh nghiệp sản xuất thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận than lỗ hơn 18 tỷ đồng vì Covid-19 - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Thuận đang là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước. Ảnh Hiệp hội Thanh long Bình Thuận.

Doanh nghiệp trồng và xuất khẩu thanh long kêu cứu

Theo ông Kính, doanh nghiệp của ông trồng thanh long đạt chuẩn toàn cầu-GlobalGAP, trước đây xuất khẩu hàng nghìn tấn sang thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, Canada và những thị trường khác mang lại doanh thu rất lớn. Nhưng do dịch Covid, thị trường trong nước và xuất khẩu bị thu hẹp, nhưng phí vận chuyển trái thanh long xuất khẩu lại tăng. Kèm theo đó là giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp, giá phân bón lại tăng, giá điện cũng không hề giảm…nên thu không đủ chi.

Theo ông Kính, lỗ nặng nhất là đường xuất khẩu thanh long qua Canada, châu Âu…Trước đây chỉ khoảng 21 ngày (từ lúc đóng hàng lên tàu) phía đối tác sẽ nhận được và đưa vào thị trường phân phối. Nhưng khi bùng phát dịch Covid, thời gian kéo lên từ 60 đến 80 ngày phía đối tác mới nhận được thanh long. Do quá trễ nên trái thanh long bị hư, có những lô hàng hư đến 80%...  

"Thua lỗ nặng, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục đầu tư và phải trả lương cho hơn 100 lao động làm việc thường xuyên để duy trì vụ mới. Nếu không, cây thanh long sẽ hư và doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Chúng tôi đã kêu cứu lên Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận nhờ kiến nghị các cơ quan chức năng và nhà nước, xem xét giảm giá điện và ngân hàng khoanh nợ để chúng tôi có đủ sức chống chọi với Covid-19…", ông Nguyễn Công Kính than!

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) cùng chung tâm trạng"cầu cứu" như đồng nghiệp.

Theo ông Trung, cũng như những hộ nông dân khác trong vùng, gia đình ông cũng vay vốn ngân hàng để vừa trồng thanh long, vừa kinh doanh trái thanh long. Mỗi năm HTX Thanh long Thuận Tiến xuất khẩu từ 800- 1.000 tấn trái thanh long đạt chuẩn GlobalGAP sang thị trường các nước…

Hợp đồng cung cấp và giá bán thanh long luôn ký trước với các đối tác từ 1-3 năm. Nhờ đó, doanh thu ổn định, có tiền trả lãi ngân hàng...Nhưng do Covid-19, giá vận chuyển xuất khẩu thanh long biến động, giá vận chuyển tăng gần gấp đôi nhưng giá bán thanh long vẫn "giậm chân tại chổ" khiến HTX bị lỗ nặng…

Một doanh nghiệp sản xuất thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận than lỗ hơn 18 tỷ đồng vì Covid-19 - Ảnh 3.

Chăm sóc thanh long tại HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc). Ảnh: Đình Trung.

Mong chia sẻ với doanh nghiệp thanh long

Ngày 29/11, ông Võ Huy Hoàng- Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, đã biết chuyện doanh nghiệp Cao Thành Phát bị lỗ hơn 18 tỷ đồng trong thời gian qua. Theo ông Hoàng, không chỉ riêng gì doanh nghiệp này mà nhiều doanh nghiệp khác và người trồng thanh long cũng bị thua lỗ tương tự. 

"Chính vì thế, hiệp hội đã tiếp tục gửi phản ánh những khó khăn của người trồng thanh long bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận và đề nghị xem xét tháo gỡ và chia sẻ với doanh nghiệp. Hiệp hội cũng đề nghị ngành ngân hàng cần có những cách làm linh hoạt, có giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính giảm lãi suất cho vay, cấp tín dụng mới trong năm 2021 – 2023 để giúp các doanh nghiệp, HTX thanh long khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong vụ tới...", ông Võ Huy Hoàng nói.   

Một doanh nghiệp sản xuất thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận than lỗ hơn 18 tỷ đồng vì Covid-19 - Ảnh 4.

Chăm sóc thanh long tại HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Đình Trung.

Cụ thể Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đề nghị:

Ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay thêm vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm lãi suất cho vay.

Miễn giảm các loại thuế, chậm nộp thuế phát sinh trong năm 2020; Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn như: miễn giảm, kéo giãn, khoan nợ và gian hạn thuế. Miễn giảm tiền thuê đất, giảm 50% thuế TNDN phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Giảm 50% thuế GTGT trong 2 năm kế tiếp 2022 – 2023..

Kiến nghị hỗ trợ giảm 40% tiền điện 6 tháng cuối năm 2021 cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất- kinh doanh thanh long xuất khẩu.

Ngày 29/11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi nhận được bản kiến nghị của Hiệp hội thanh long, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải quyết các nội dung kiến nghị của Hiệp hội thanh long Bình Thuận.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo Sở NTPTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết kiến nghị này có liên quan đến nhiều cơ quan nên Sở đã đề nghị các sở, ngành nghiên cứu và phối hợp trả lời để sở tổng hợp, gửi lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, với diện tích trên 33.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 700.000 tấn, địa phương đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, hơn 80% sản lượng trái thanh long tươi của tỉnh chủ yếu được xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, số còn lại được tiêu thụ trong nước và một phần rất nhỏ được xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường Úc và châu Âu…

Dịch Covid -19 đã khiến người trồng thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở tỉnh Bình Thuận gặp nhiều khó khăn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem