Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện nay, ông Dũng có 25 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền nằm ven Quốc lộ 30 thuộc xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Hàng năm, ông Dũng bán ra thị trường khoảng 200 tấn cá chép giòn. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm một số loại cá đặc sản khác như: cá lăng, cá nheo Mỹ…
Tổng cộng mỗi năm ông Lê Văn Dũng xuất ra thị trường khoảng 300 tấn cá đặc sản các loại, trong đó có 200 tấn cá chép giòn.
Clip: Mô hình nuôi cá chép giòn của ông Lê Văn Dũng ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Mô hình nuôi cá chép giòn của ông Dũng thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều nông dân trong tỉnh Đồng Tháp cũng như vùng ĐBSCL Video: TL.
Ông Dũng xuất thân trong gia đình có truyền thống nuôi cá tra ở sông Cái Vừng xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Lúc còn nhỏ ông Dũng đã theo cha bơi xuồng đi vớt cá tra giống về nuôi và bán cho các thương lái chuyển đi các tỉnh khác.
Khi cá tra bắt đầu sinh sản nhân tạo số lượng nhiều dẫn đến giá cá tra không ổn định. Ông Dũng dù có kinh nghiệm nuôi cá tra nhưng vẫn bị thua lỗ nhiều năm liền. Từ đó, ông cố gắng đi tìm giống cá mới để nuôi thay thế cá tra.
Hơn 10 năm trước, trong một lần đi ra miền Bắc, ông Dũng thấy cá chép giòn là giống mới có thể đem về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nuôi thử.
Ông quyết định nhập 3.000 con cá chép giòn giống, nuôi vụ đầu tiên thu được khoảng 4 tấn cá chép giòn đạt chuẩn.
Ông Dũng cho biết, cá chép giòn là giống cá chép thông thường. Cá chép giống to bằng chân nhang nuôi từ 4 – 6 tháng được vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp.
Khi cá chép đạt trọng lượng 1,5kg trở lên và có ngoại hình đẹp sẽ được tuyển sang lồng bè khác nuôi theo kỹ thuật đặc biệt cho thịt cá chuyển sang giòn.
Giai đoạn cá chép chuyển giòn kéo dài khoảng 100 ngày. Thời gian này, cá chép chỉ ăn một loại thức ăn duy nhất được nhập từ nước ngoài về là đậu tằm. Đây là loại đậu khá đặc biệt được ông Dũng nhập từ Úc và Canada với giá 15.000 đồng/kg.
Đậu tằm trước khi cho cá ăn phải ngâm trong nước 12 giờ, đậu được cho vào thùng và nhấn chìm xuống lồng bè cho cá tự ăn, một ngày cho cá chép được ăn hai lần đậu tằm vào buổi sáng và chiều.
Giai đoạn chuyển giòn, mỗi con cá ăn từ 1,5 – 2 kg đậu. Chu kỳ nuôi cá chép giòn kéo dài khoảng 10 tháng thì có thể xuất bán.
Ông Dũng cho biết, thời điểm thuận lợi, giá bán cá chép giòn có thể dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá cá chép thường. Nuôi cá chép giòn mang lại thu nhập cho ông Dũng vài tỷ đồng mỗi năm.
Để đạt được thành công với mô hình nuôi cá chép giòn như hiện nay, ông Dũng đã trải qua những năm đầu vô cùng vất vả.
Để giới thiệu con cá chép giòn ra thị trường, ông Dũng chạy chiếc xe máy cũ chở 2 sọt cá đến các nhà hàng, quán ăn, các chợ ở An Giang và Đồng Tháp dùng đủ cách thuyết phục khách hàng mua cá.
"Khi gặp các chủ nhà hàng giới thiệu về con cá chép giòn, tôi thậm chí phải vào bếp chế biến cá mời khách ăn thử và hướng dẫn cho nhà hàng làm cá đúng cách để giữ cho thịt cá ngon nhất" - ông Dũng nhớ lại.
Đến nay, thương hiệu, uy tín cá chép giòn của ông Dũng được nhiều người biết đến. Cá chép giòn được các thương lái thu mua số lượng lớn chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL, TP HCM và các tỉnh miền Trung.
Ông Dũng cho biết thêm, ông đã chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chép giòn cho một số bà con nông dân ở ĐBSCL nên sắp tới thị trường cá chép giòn sẽ bão hoà.
Do đó, ông Lê Văn Dũng ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp mong muốn liên kết với các nhà xuất khẩu để tìm thị trường mới tiêu thụ ổn định hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.