Một phụ nữ tố bị bạo hành gia đình, sau 33 tháng TAND quận Đống Đa chưa giải quyết xong đơn yêu cầu ly hôn
Một phụ nữ tố bị bạo hành gia đình, sau 33 tháng TAND quận Đống Đa chưa giải quyết xong đơn yêu cầu ly hôn
Vũ Thị Hải
Chủ nhật, ngày 27/11/2022 09:44 AM (GMT+7)
Chị N.N.M (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) phản ánh mâu thuẫn gia đình gay gắt nên tháng 3/2020, chị nộp đơn xin ly dị. Tuy nhiên, đã 33 tháng kể từ khi thụ lý đơn, TAND quận Đống Đa vẫn chưa giải quyết xong.
Trong đơn gửi đến Báo Điện tử Dân Việt, chị M cho biết, năm 2012, chị đăng ký kết hôn với anh N.N.L tại UBND phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP,Hà Nội. Nhưng những năm gần đây, chị M cho biết anh L thường bạo hành, chửi bới, sỉ nhục chị và bố mẹ đẻ của chị.
"Nhiều lần tôi đã định tự tử, nhưng nghĩ đến hai đứa con vô tội của mình sẽ bơ vơ, không người chăm sóc, nghĩ đến công ơn bố mẹ tôi chưa ngày nào đền đáp nên tôi lại cắn răn chịu đựng"- chị M chia sẻ.
Tháng 3/2020, chị đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa, nhưng đến tháng 9/2020 (6 tháng sau khi tòa thụ lý), TAND quận Đống Đa vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử.
Thấy Tòa án chậm trễ việc xét xử vụ án ly hôn (theo quy định thời gian chuẩn bị xét xử là 4 tháng nhưng đã bị kéo dài 6 tháng), bố đẻ của chị M có đơn khiếu nại gửi đến Tòa án nhân dân quận Đống Đa về việc Tòa án không đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị M và người thân trong gia đình chị.
Tiếp đó, ngày 1/10/2020, chị M có đơn gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân quận Đống Đa khiếu nại về hành vi chậm giải quyết vụ án. Mãi đến ngày 4/5/2021 (sau 13 tháng, 22 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án) TAND quận Đống Đa mới có quyết định số 83/2021/QĐXXST-HNGĐ đưa vụ án ra xét xử.
Vụ án tiếp tục bị kéo dài vì quyết định tạm đình chỉ
Ngày 2/6/2021, TAND quận Đống Đa mới tiến hành xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, anh L vắng mặt lần thứ nhất. TAND quận Đống Đa mở lại lần thứ 2 vào ngày 30/6/2021 nhưng anh L tiếp tục vắng mặt.
Ngày 30/7/2021, TAND quận Đống Đa ban hành Quyết định số 01/2021/QĐST-HNGĐ tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Kể từ đó đến nay, vụ án đã kéo dài và chưa biết sẽ tạm đình chỉ đến khi nào. Chị M đã gửi đơn tố cáo về dấu hiệu bao che, cố tình kéo dài xử lý vụ án.
Ngày 24/10/2022 TAND quận Đống Đa đã có văn bản về việc giải quyết đơn tố cáo của chị M.
Theo TAND quận Đống Đa, ngày 29/6/2021, anh L đến Tòa án và nộp một số giấy tờ, trong đó có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của anh L với một công dân người Nga và anh L khai vẫn chưa ly hôn đối với công dân người Nga này.
Phiên tòa ngày 30/6/2021, anh L tiếp tục vắng mặt lần thứ hai nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt anh L. Tuy nhiên, do anh L vắng mặt nên Hội đồng xét xử không làm rõ được quan hệ hôn nhân giữa anh L và công dân người Nga nói trên nên đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để xác minh làm rõ.
Cùng ngày, Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã có công văn ủy thác tư pháp gửi cơ quan có thẩm quyền để làm rõ tình tiết trên. Hết thời gian tạm ngừng phiên tòa, do chưa có được kết quả xác minh theo ủy thác tư pháp nên ngày 30/7/2021, Hội đồng xét xử đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Trần Văn Tịnh - Phó Chánh án TAND quận Đống Đa cho rằng việc tạm đình chỉ vụ án là có căn cứ đúng theo quy định của Điều 250 Bộ Luật Tố tụng Dân sự.
"Vụ án này có lý do khách quan xuất hiện việc anh L xuất trình giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài nên cần phải làm rõ anh L đã ly hôn với công dân Nga hay chưa và giấy kết hôn có thật hay không, vì thế nội dung tố cáo thẩm phán có lỗi trong việc vi phạm về thời hạn, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án và thẩm phán có dấu hiệu bao che, không chuyển hồ sơ đến cơ quan công an xử lý hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng là không có căn cứ" – ông Trần Văn Tịnh nói.
Cố tình trì hoãn?
Trái với quan điểm của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc anh L nộp bản sao công chứng và có lời tự khai nhận đã kết hôn với công dân người Nga năm 1996, đến nay chưa ly hôn, nhưng năm 2012 lại kết hôn với chị M là dấu hiệu của tội vi phạm chế độ một vợ một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ Luật hình sự.
Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ban hành ngày 16/2/2015 quy định, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo quy định tại Điều 6, Điều 91 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, đương sự có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chứng cứ đã giao nộp.
Cũng theo luật sư Bùi Quang Thu, trong trường hợp này, thẩm phán Dương Thị Bạch Phượng (TAND quận Đống Đa) có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan công an, Viện kiểm sát để điều tra theo quy định tại Điều 13, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
Cùng với đó, thẩm phán cần hướng dẫn cho chị M điều chỉnh lại đơn khởi kiện từ yêu cầu ly hôn sang yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án chứ không cần phải thực hiện động tác ủy thác tư pháp.
"Trong trường hợp cần thiết, thẩm phán Dương Thị Bạch Phượng có thể đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội cung cấp hồ sơ ghi chú kết hôn với người nước ngoài của anh N.N.L theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ.
Việc làm công văn nhờ trợ giúp của Toà án là đùn đẩy trách nhiệm, trì hoãn việc đưa vụ án ra xét xử. Theo quy định tại điểm a, ý 2 điểm b, khoản 1, Điều 203 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án quận Đống Đa, Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng thời hạn đưa vụ án ra xét xử và nội dung tố cáo của chị M là có căn cứ cần được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết"- Luật sư Bùi Quang Thu nói.
Trong thời gian Tòa án kéo dài thời gian xử lý, vụ án ly hôn không được xử lý dứt điểm, chị M cho biết anh N.N.L tiếp tục thách thức, chửi bới, hành hung chị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống. Anh L còn đập phá mồ mả của gia đình bố mẹ chị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.