Có người nói nếu Quan Vũ không đánh Tương - Phàn thì Lã Mông, Lục Tốn sẽ không có cơ hội đánh lấy Giang Lăng. Đây chỉ là kiểu nhận định lấy kết quả để luận nguyên nhân - giống như khi một kiến trúc trong quá trình xây dựng xảy ra sự cố thì kết luận bản thiết kế có vấn đề mà bỏ qua việc công nhân đã thi công ẩu vậy.
Sai lầm trí mạng
Như đã phân tích, Quan Vũ tiến đánh Tương - Phàn không hề sai về mặt chiến lược. Đây không phải là một trận chiến dốc hết vốn. Xuất phát điểm của nó là chiến dịch quấy phá để “tiên phát chế nhân” (và quả thật đã thu được những thành quả nhất định). Có thể thấy điều đó qua việc dù coi thường Lục Tốn, Quan Vũ vẫn để lại rất nhiều lính ở Giang Lăng chưa kể lực lượng từ các cứ điểm khác của Kinh Châu luôn sẵn sàng chi viện.
Nhìn lại, 5 năm trước chiến dịch này, Lã Mông cũng từng mang hai vạn quân sang cướp ba quận Kinh Nam. Khi ấy, Hác Phổ ở Linh Lăng chống cự hơn một tháng mới chịu đầu hàng. So với Linh Lăng, thành Giang Lăng kiên cố hơn nhiều lần. Tào Nhân dựa vào đó mà có thể cầm cự với Chu Du và Lưu Bị hơn một năm.
Với thất bại Kinh Châu, Long Trung sách của Gia Cát Lượng và Lưu Bị đã tan theo mây khói
Chưa kể, suốt gần mười năm ở Kinh Châu, Quan Vũ lại tích cực gia cố thành trì và đích thân bố trí phòng thủ. Dù My Phương không thể so với Tào Nhân nhưng Lã Mông cũng không phải là Chu Du. Chỉ cần lực lượng trấn giữ Giang Lăng kiên thủ, nhất định Quan Vũ có thể kịp về ứng cứu.
Nhưng ngàn tính vạn toán, Quan Vũ cuối cùng lại không lường được việc My Phương và Phó Sĩ Nhân hàng Ngô.
Phương, Nhân hai người đều là khai quốc công thần, đi theo Lưu Bị từ rất sớm. My Phương thậm chí còn là quốc thích, anh vợ của Lưu Bị. Như Tam quốc chí viết, lý do bọn họ hàng Ngô là vì trong giai đoạn đầu hậu cần cung ứng cho đại quân chậm trễ, Vũ vì thế trách phạt họ, nói khi về sẽ trị tội.
Như thế, dù sai lầm khi xem thường Lục Tốn và không thể nhận ra tình hình nguy cấp, nhưng lỗi trí mạng của Quan Vũ nằm ở việc xử lý nhân sự. Chắc chắn, những việc trấn giữ hậu phương, phụ trách hậu cần phải do thân tín của Vũ đảm nhiệm chứ không phải là những người có hiềm khích với ông ta, dù là thân tín của Lưu Bị đi nữa.
Gây hiềm khích với Phương, Nhân nhưng vẫn duy trì vị trí của 2 tướng này ở những cứ điểm quan trọng nhất của mình, đồng thời lại “treo” cái án xử tội khi quay về - đó là một trong những lý do dẫn tới việc My Phương và Phó Sĩ Nhân tạo phản khi Đông Ngô tấn công.
Không kịp trở tay
Đáng nói, việc mất Giang Lăng, Công An quá nhanh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại nhanh chóng của Quan Vũ và cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sự bị động từ phía Lưu Bị. Tin tức từ Tương - Phàn phải truyền về Giang Lăng, dọc theo thượng du Trường Giang qua đất Ba rồi mới đến được Thành Đô, quá trình này nhanh thì mười ngày, chậm phải hơn nửa tháng.
Quan Vũ tháng 7 ra quân, Lưu Bị nhận được tin tức đã là cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Tháng 8 có tin thắng trận đánh bại Vu Cấm thì tháng 9 Thành Đô mới được biết. Như vậy tin tức cuối cùng mà cao tầng phía Thục nhận được vào khoảng tháng 10 đại khái sẽ là các tin tức Vũ vẫn vây chặt Tương - Phàn, Từ Hoảng phía Ngụy án binh bất động, Lã Mông có bệnh phải về Kiến Nghiệp.
Như thế, rất dễ để lý giải vì sao phía Thục không có bất kỳ động tĩnh gì. Nhưng cũng vào khoảng thời gian này, Đông Ngô đã phát động tấn công. Tháng 11 phía Ngô đã bình định xong Kinh Châu, tháng 12 chém Quan Vũ. Lúc này tàn binh bại tướng từ Kinh Châu chạy thoát mới đưa tin về Thục thì đã quá trễ.
2 hướng tấn công giả định từ Thục theo kịch bản Long Trung sách
Cũng cần nói thêm, ngay từ đầu chiến dịch Tương - Phàn, phía Thục khó có thể chi viện binh mã cho Kinh Châu bởi kho tàng đã trống rỗng sau nhiều năm chinh chiến. Thực tế, sau thất bại của Quan Vũ, các thế lực thân Thục tại Kinh Châu liên tiếp nổi dậy chống Giang Đông, nhưng phía Thục vẫn không thể chi viện cho bọn họ vì tình cảnh “hữu tâm vô lực”. Phải vài năm sau, khi tích trữ đủ quân lương, Lưu Bị mới có thể khởi động chiến dịch Hào Đình.
Nhưng, chắc chắn Lưu Bị và tập đoàn chỉ huy từ Thành Đô không vô can trong thất bại Tương - Phàn. Dù không thể điều động binh mã chi viện, bọn họ hoàn toàn có thể cử một vài đại tướng tới hỗ trợ Quan Vũ - hoặc chí ít là trấn thủ Giang Lăng và xử lý một lượng lớn hàng binh của Vu Cấm được tập trung tại đây. Nếu vậy, việc My Phương không chiến mà hàng rất có thể không xảy ra. Đáng tiếc phía Thành Đô vẫn chủ quan rằng đây là một trận chiến với mục đích quấy rối, dù Vũ thất lợi cũng có thể dễ dàng trở về Giang Lăng phòng thủ.
Không lường được sự thay đổi trong chính sách của Đông Ngô, hệ thống liên lạc không thông suốt, chủ quan không theo sát để hỗ trợ dẫn đến không kịp trở tay là những trách nhiệm thuộc về Lưu Bị và nội bộ Thục Hán. Trong khi đó Ngô và Ngụy lại ở vị thế khác hẳn với đội ngũ tham mưu luôn nhận định chính xác tình huống và theo dõi thông tin rất kịp thời.
Dở dang “Long Trung sách”
Trong Long Trung sách mà Gia Cát Lượng vạch ra, phía Thục sẽ phát động hai đường phạt Ngụy, một đường phía đông từ Kinh Châu đánh đến Uyển - Lạc, một đường phía tây do Lưu Bị đích thân chỉ huy tiến ra Quan Trung. Có thể thấy nhiệm vụ của cánh quân ở Kinh Châu là nhằm mục đích thu hút chủ lực của địch.
Mất đi phần đất thuộc Kinh Châu, Thục chỉ còn một hướng phạt Ngụy duy nhất là xuất phát từ Hán Trung, theo các đường khác nhau để xuyên qua Tần Lĩnh ở phía tây. Nhưng vận lương xuyên qua Tần Lĩnh thì mười phần đã hao hết bốn, năm phần, tốn kém rất nhiều so với việc vận lương từ Giang Lăng đến Tương Dương vốn có thể sử dụng cả hai đường thủy bộ.
Vì vậy dù Thục được mệnh danh là “vựa thóc của trời” cũng không thể duy trì cho bốn vạn đại quân ở trên đất Ngụy quá lâu. Tư Mã Ý, Đặng Ngải cũng dựa vào điểm này khiến Gia Cát Lượng, Khương Duy bao lần phải uất ức mà lui về.
Mặc dù sau này Ngô - Thục lại một lần nữa ký kết minh ước nhưng đáng buồn, Ngô cũng không thể thay thế Thục thực hiện con đường bắc phạt từ Kinh Châu. Một trong những nguyên nhân dĩ nhiên là lo ngại phía Thục đánh lén, bởi vì bài học làm sao để lấy Kinh Châu chính họ là người hiểu rõ nhất.
Thêm vào đó, phía sau Tương - Phàn chính là khu vực đồng bằng Trung Nguyên, bỏ thuyền lên bộ vốn không phải là ưu thế của thủy quân phương nam. Vì thế Tôn Quyền sau này hay các đời đô đốc của Đông Ngô như Gia Cát Khác, Đinh Phụng hầu hết đều tiến lên phía bắc bằng ngõ Hợp Phì - con đường mà Lã Mông đã bác bỏ.
Do vậy, trong những lần hợp tác với Thục, phía Đông Ngô thường mở chiến dịch ở Hợp Phì. Khoảng cách từ chiến trường Hợp Phì ở phía đông đến chiến trường phía tây quá xa xôi, hai bên không thể hô ứng lẫn nhau so với việc một cánh quân tiến ra Quan Trung và một cánh quân tiến lên từ Kinh Châu.
Không có Kinh Châu, Long Trung sách tan theo mây khói. Những năm tháng sau này của Khổng Minh là nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế Long Trung sách, để rồi từ đó mở ra cho những tranh cãi chưa bao giờ dứt xung quanh câu chuyện Bắc phạt và đề xuất vượt Tý Ngọ cốc của Ngụy Diên.
Bắc phạt “hậu Quan Vũ”
Năm 227, Tào Duệ mới lên ngôi, "Tướng Ngô là bọn Gia Cát Cẩn, Trương Bá vào cướp bóc ở Tương Dương, Phủ quân Đại tướng quân là Tư Mã Tuyên vương đánh dẹp phá chúng, chém Bá".
Năm 236, Tôn Quyền vây Tân Thành, lệnh Lục Tốn và Gia Cát Cẩn đánh Tương Dương. Tuy niên, Tôn Quyền không hạ được Tân Thành nên phải rút về. Tin tức bại lộ, Lục Tốn và Gia Cát Cẩn vờ muốn đánh Tương Dương, sau đó nhân địch rút vào thành phòng thủ thì hai người cùng lui.
Năm 241, quân Ngô chia làm bốn đường phạt Ngụy, Chu Nhiên vây Phàn Thành bị Tư Mã Ý đánh lui.
Như vậy, trong các chiến dịch này, hướng tấn công Tương - Phàn hầu hết được Đông Ngô sử dụng để quấy phá hoặc nghi binh thu hút chủ lực và không gây ra được uy hiếp đáng kể nào cho Ngụy như thời Quan vũ.
PV (Thethaovanhoa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.